Người phụ nữ họ Sài ở thành phố Hàng Châu, tình Chiết Giang, Trung Quốc trước đây từng là nhân viên tại một công ty bảo hiểm có tiếng. Trong thời gian làm việc từ năm 2018, cô nhiều lần được nghe các lãnh đạo cấp cao của công ty nói về lợi ích của bảo hiểm ở những lần tập huấn. Vì vậy, cô Sài quyết định mua những gói bảo hiểm mà công ty cung cấp cho người thân và gia đình mình.
Theo đó, đến năm 2020, cô Sài đã mua tổng cộng hơn chục hợp đồng bảo hiểm cho 4 thành viên trong gia đình mình, tổng số tiền lên 750.000 NDT (khoảng 2,6 tỷ đồng). Thời điểm đó, người tư vấn trực tiếp nói với cô rằng loại bảo hiểm này không chỉ có tác dụng hỗ trợ khi mắc bệnh nặng mà còn là một cách đầu tư và quản lý tài chính. Khoản đầu tư này cũng như gửi tiền vào ngân hàng, cô có thể yêu cầu rút ra bất cứ lúc nào cần đến. Nghe những quyền lợi hợp lý và thuận tiền này, dù thu nhập của gia đình không cao, cô Sài vẫn mua và đóng phí bảo hiểm đều đặn đúng hạn.
Trong một buổi huấn luyện thể thao tại trường cấp 2, con cô Sài đột nhiên cảm thấy hơi khó chịu và bị ngất phải nhập viện ngay sau đó. Sau khi kiểm tra sức khỏe, cô bé được chẩn đoán mắc chứng dị dạng mạch máu não (A brain arteriovenous malformation - viết tắt là AVM) bẩm sinh và phải nằm viện 35 ngày, riêng tiền điều trị đã tốn hàng trăm nghìn NDT (khoảng vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng).
Ban đầu, cô Sài không vội vàng vì tin rằng tiền trị bệnh và nằm viện của con gái sẽ được bảo hiểm hỗ trợ chi trả. Nhưng sau khi cô Sài đã điền xong các giấy tờ liên quan đến việc điều trị mà bệnh viện yêu cầu, công ty bảo hiểm lại liên hệ với cô để thông báo từ chối bồi thường hay chi trả tiền bảo hiểm cho con cô. Công ty này đưa ra lý do là vì trường hợp của con gái cô Sài là “khiếm khuyết bẩm sinh”, không nằm trong phạm vi bồi thường của hợp đồng. Điều này khiến cô Sài vô cùng bàng hoàng. Cô đã đóng phí bảo hiểm suốt 6 năm nhưng cuối cùng lại nhận được một lời từ chối chi trả.
Nghe xong phản hồi của công ty bảo hiểm, cô Sài giải thích rằng lần này con gái cô phát bệnh đột ngột, trước đây cô bé luôn có sức khỏe tốt và chưa từng phải điều trị bệnh liên quan đến đến mạch máu não. Điều khiến cô Sài càng khó chấp nhận hơn là trước đây cô từng làm nhân viên bảo hiểm nhưng chưa bao giờ nghe đến những điều lệ như công ty nhắc đến.
Lúc này, công ty bảo hiểm yêu cầu cô Sài mang hợp đồng đã ký đến để 2 bên cùng kiểm tra và xác nhận. Nhưng lúc kiểm tra lại, cô Sài vô cùng bất ngờ khi phát hiện hợp đồng này đúng là đã ghi rõ sẽ không bồi thường hay hỗ trợ chi trả phí chữa trị cho các bệnh bẩm sinh. Khi chi 750.000 NDT (khoảng 2,6 tỷ đồng) mua bảo hiểm cho gia đình, cô đã được nhân viên quảng cáo rằng đây là “gói bảo hiểm toàn diện” và được thiết kế để bảo vệ người mua khi mắc những căn bệnh nghiêm trọng.
Theo phía công ty bảo hiểm, việc bồi thường dựa trên báo cáo giám định của cơ quan y tế. Vì kết quả giám định cho thấy con của cô Chai mắc dị tật bẩm sinh nên sẽ không được bồi thường và họ đã thực hiện đúng hợp đồng. Loại điều khoản này không phải là trường hợp cá biệt mà là quy định phổ biến trong toàn bộ ngành bảo hiểm. Nói cách khác, ngay cả khi cô Sài mua bảo hiểm ở nơi khác thì xác suất nhận được tiền bồi thường cũng rất thấp.
Con gái của cô Sài đã trải qua hai ca phẫu thuật và sẽ còn phải điều trị thêm nhiều lần nữa trong thời gian sau. Do hạn chế về tài chính, gia đình đành phải cho cô bé xuất viện sớm. Mặc dù cô Sài sau đó đã đàm phán với công ty bảo hiểm mong nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn. Tuy nhiên, theo quy định liên quan và điều khoản hợp đồng, công ty có đủ lý do để từ chối bồi thường.
Sự việc cũng nhắc nhở những khách hàng có ý định mua bảo hiểm cần phải đọc kỹ hợp đồng, hiểu rõ các điều khoản trước khi đặt bút ký tên để tránh những thiệt hại và tranh chấp không đáng có sau này.
(Theo Baijiahao)
Nguyên An