Người phụ nữ họ Giang (Hà Nam, Trung Quốc) có thói quen gửi tiền tiết kiệm cho mẹ. Năm 2012, mẹ cô Giang được người quen giới thiệu tới một ngân hàng tại địa phương để mở tài khoản và gửi tiền tiết kiệm với lãi suất cao. Nhận được sự tư vấn nhiệt tình của nhân viên, mẹ cô Giang cảm thấy an tâm và thường gửi thêm vào tài khoản ngay khi nhận được tiền từ con gái. Đến lần cuối gửi tiền, tài khoản đã lên đến 2,1 triệu NDT (khoảng 7,3 tỷ đồng).
Năm 2020, khi vợ chồng cô Giang đang đi công tác thì đột nhiên nhận được tin mẹ cô phải nhập viện do đột quỵ. Vì bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật gấp, cô Giang phải ra ngân hàng tất toán tài khoản tiết kiệm của mẹ. Tuy nhiên sau khi kiểm tra, nhân viên lại nói cả trong thẻ lẫn trong tài khoản tiết kiệm đều không có tiền.
Cô Giang vô cùng bất ngờ vì nếu rút tiền từ trước đó hay chuyển cho ai khác, mẹ sẽ thông báo hoặc nhờ cô thao tác hộ. Người phụ nữ này yêu cầu sao kê giao dịch để biết số tiền này đã đến đâu nhưng nhân viên ngân hàng cho biết chưa thể thực hiện được ngay, cần xin ý kiến cấp trên.
Cô Giang bất lực về nhà vay tiền người thân để nộp viện phí cho mẹ, sau đó quay lại ngân hàng để tìm cách giải quyết số tiền đã biến mất. Giám đốc chi nhánh ngân hàng khẳng định mọi giao dịch của tài khoản này đều bình thường, rút tiền đều đặn khi hết kỳ hạn tiết kiệm và không có dấu hiệu bị hack. Giám đốc khuyên cô Giang nên chờ mẹ bình phục để hỏi chuyện tài khoản, có thể mẹ cô đã rút từ trước nhưng chưa kịp thông báo. Vậy nên phía ngân hàng cho biết sẽ không chịu trách nhiệm về việc này.
Thấy ngân hàng không giải quyết vấn đề, cô Giang quyết định nhờ đến sự can thiệp của cảnh sát. Cơ quan chức năng điều tra từ người trực tiếp lập tài khoản cho mẹ cô Giang, chính là một nhân viên họ Lưu. Những lần mẹ cô Giang đến gửi thêm tiền vào tài khoản, cũng là nhân viên này thực hiện giao dịch.
Ngay khi được triệu tập, nhân viên Lưu đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Mẹ cô Giang thường chỉ đi một mình đến ngân hàng gửi tiết kiệm, không nắm rõ thủ tục và giao toàn bộ thông tin cho nhân viên Lưu xử lý. Người này ngay lập tức làm thân để nhận được sự tin tưởng của mẹ cô Giang, từ đó đề nghị nhận cả số điện thoại và mật khẩu tài khoản để hỗ trợ thiết lập tính năng bảo mật.
Chính vì vậy, Lưu có thể dễ dàng gửi tiền ngắn hạn sau đó tự rút tiền khi kết thúc kỳ hạn. Nhân viên Lưu đã đem tiền của mẹ cô Giang đi đầu tư, dự định sẽ hoàn lại khi có lãi nhưng vì thua lỗ nên không thể trả. Vì ít khi kiểm tra tài khoản và tin tưởng nhân viên, mẹ cô Giang đã không phát hiện được việc bị lợi dụng để lấy tiền.
Cô Giang yêu cầu ngân hàng chịu trách nhiệm hoàn trả tiền, nhưng phía ngân hàng từ chối, cho rằng nhân viên Lưu phải chịu trách nhiệm. Chính vì đã mất gần hết số tiền chiếm đoạt do đầu tư thua lỗ, nhân viên này xin trả góp mỗi tháng cho đến khi xong khoản nợ. Gia đình cô Giang không đồng ý, quyết khởi kiện người này ra toà.
Tòa phán quyết anh Lưu phải bồi thường số tiền đã lấy, ngân hàng có trách nhiệm giám sát. Cuối cùng, ngân hàng tạm ứng toàn bộ số tiền để nhân viên này trả nạn nhân và yêu cầu anh hoàn trả số tiền này trong tương lai. Ngoài việc bồi thường, quản lý họ Lưu còn phải chịu các hình phạt khác theo quy định pháp luật do lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.
Kim Linh (Theo Toutiao)