Như báo Người Đưa Tin đã có thông tin từ trước, dự thảo về việc xem xét lại mức thuế, phí với dòng xe bán tải khiến nhiều luồng thông tin cho rằng, việc này sẽ dẫn đến việc tăng giá bán xe trong thời gian tới.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc phụ trách dòng xe du lịch của công ty ô tô Trường Hải cho biết, mặc dù có thông tin mấy ngày qua dòng xe bán tải “nóng” lên bởi khả năng tăng giá, tuy nhiên trên thực tế, lượng bán xe bán tải của hãng không thay đổi nhiều.
Ông này phân tích, việc bán xe phải phụ thuộc vào nhu cầu của người dùng là chủ yếu, việc tăng thuế, phí đối với dòng xe này chỉ là một yếu tố tác động. Ngoài mục đích chở hàng, chỉ một bộ phận nhỏ người mua sử dụng theo mục đích "chơi xe" theo sở thích.
Hiện nay, doanh nghiệp cũng chưa biết được mức thuế, phí sẽ tăng lên là bao nhiêu nên cũng sẽ rất khó đánh giá ảnh hưởng đối với thị trường thời gian tới. “Tăng thuế, phí 1%, 5%, 10% hay 50% cũng là tăng. Tăng nhiều, tăng ít thì còn phải đợi khi có quyết định chính thức mới biết được giá xe sẽ tăng như thế nào?”.
Được biết, Trường Hải hiện là một trong những doanh nghiệp nhập khẩu có doanh số bán xe ô tô bán tải thuộc diện "topten" trong thời gian vừa qua với dòng xe bán tải Mazda có giá phải chăng, tiện lợi.
Dòng xe bán tải Mazda của Trường Hải hiện đang "làm mưa làm gió" trên thị trường. |
Cũng với những nội dung có liên quan, đại diện Ford Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin. Hiện nay, có đến 3 mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là 15%, 20%, 25% áp dụng tùy theo dung tích xi lanh đối với dòng xe bán tải (pick up).
Đây là loại thuế gián thu, việc tăng thuế suất TTĐB sẽ trực tiếp “đánh” vào người tiêu dùng và theo đó sẽ làm tăng chi phí vận chuyển cho các loại hàng hóa và dịch vụ mà các tổ chức, doanh nghiệp khách hàng đang sử dụng dòng xe này với mục đích kinh doanh vận tải. Vì vậy, việc tăng thuế này sẽ ít nhiều ảnh hưởng bất lợi về mặt chi phí cho các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam so với các doanh nghiệp khác ở các quốc gia trong khu vực.
Hơn nữa, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 7 năm 2016 bây giờ lại sửa đổi sẽ tạo ra tâm lý bất an trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh của rất nhiều công ty và người tiêu dùng.
Nếu cho rằng cần phải hạn chế sử dụng dòng xe bán tải vì hiện các dòng xe này đang được nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất trong nước thì cũng không hợp lý, vì hiện nay không có dòng xe bán tải nào được sản xuất trong nước để cạnh tranh (xe bán tải được hưởng CEPT với mức thuế suất 5% từ 2009). Và thực tế là nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp Việt Nam với dòng xe này là có (bởi tính tiện dụng và đa năng của dòng xe này), nếu vì mục tiêu tăng thuế suất thuế TTĐB để hạn chế sử dụng dòng xe này sẽ không hiệu quả vì người tiêu dùng không thể lựa chọn dòng xe chở người để chở hàng và thêm lần nữa tạo bất lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp khách hàng trong nước của Việt Nam.
Còn theo một số chuyên gia trong lĩnh vực ô tô-xe máy, tâm lý chung của người tiêu dùng trước những thông tin về việc tăng giá, nhiều người sẽ tranh thủ lúc giá xe chưa tăng để “xuống tay” mua vội. Tuy nhiên, từ dự thảo đến khi có quyết định chính thức cũng như việc tăng thuế, phí phải có lộ trình, thời gian, người tiêu dùng không nên quá vội vàng đổ xô đi mua sẽ tạo thành những cơn sốt ảo. Như vậy, tưởng "nhanh chân" sẽ có lợi nhưng sự thật sẽ thành “lợi bất cập hại”.
Đ.Huệ