Theo đó, UBND TP HCM mới đây có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án của Công ty TNHH Mercedes – Benz Việt Nam.
Cụ thể, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc sắp xếp và xử lý lại tài sản công đối với khu đất ở số 693, đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, được thực hiện sau thời điểm thuê đất thêm 5 năm (tính đến ngày 14/4/2030); đồng thời cho Mercedes-Benz Việt Nam được thuê đất ở khu đất nêu trên thêm 5 năm kể từ ngày 14/4/2025.
Việc này nhằm tiếp tục thực hiện dự án mà không thông qua thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, không đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.
Hơn nữa, theo UBND TP HCM, việc tiến hành chấm dứt ngay dự án theo thời hạn cũ (tức ngày 14/4/2025) được cho là có nguy cơ làm giảm thu ngân sách địa phương. Ngoài ra, các cơ quan chưa chuẩn bị phương án thu hồi đất và lựa chọn nhà đầu tư với khu đất này. Dự án này còn có tác động lớn đến quan hệ đối ngoại với các quốc gia đối tác.
Công ty Mercedes-Benz Việt Nam có trách nhiệm đóng tiền thuê đất tại số 693, đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP HCM, theo quy định của pháp luật hiện hành.
Doanh nghiệp đứng sau nhà máy Mercedes – Benz làm ăn ra sao?
Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) được thành lập do Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco - chiếm 30% vốn điều lệ) liên doanh với Nhà đầu tư nước ngoài là Mercedes-Benz AG Group (chiếm 70% vốn điều lệ) vào năm 1995.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Samco phát hành ngày 28/3/2024, được kiểm toán bởi Công ty TNHH kiểm toán AFC Việt Nam, giá trị khoản đầu tư dài hạn vào liên doanh MBV ở thời điểm ngày 31/12/2023 là 958 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn góp.
Dựa trên báo cáo tài chính này, tổng giá trị của liên doanh MBV cùng thời điểm kiểm toán đạt xấp xỉ 3.193 tỷ đồng, tương đương khoảng 135 triệu USD (theo tỷ giá hiện tại).
Dù MBV không công bố doanh số tại Việt Nam, nhưng dữ liệu bán lẻ từ các nhà phân phối được thống kê riêng cho thấy, liên doanh này có sản lượng tiêu thụ khoảng từ 6.000 - 6.500 xe mỗi năm trong giai đoạn từ 2021 – nay. Trong đó bao gồm xe lắp ráp và xe nhập nguyên chiếc.
Vào tháng 3/2020, nhân kỷ niệm 25 năm hoạt động của liên doanh tại Việt Nam, lãnh đạo MBV lần đầu tiên tiết lộ doanh số kỷ lục kể từ khi liên doanh hoạt động là mốc 6.800 xe bàn giao cho khách hàng vào năm 2019.
Nhà máy Mercedes - Benz Việt Nam hiện có khoảng 800 lao động. Trong giai đoạn từ 2017 - 2021, công ty đạt doanh thu hơn 9.000 tỷ đồng mỗi năm và đóng góp cho ngân sách TP HCM hơn 5.500 tỷ đồng.
Nhà máy MBV ở TP.HCM hiện đang lắp ráp 4 dòng xe gồm C-Class, E-Class, GLC. Trong số đó, mới nhất là mẫu xe Mercedes-AMG C 43 4MATIC được lắp ráp tại Việt Nam kể từ tháng 7/2023.
Trên thực tế, nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Mercedes-Benz Việt Nam được hình thành vào năm 1996 và chính thức đi vào hoạt động năm 1997, với công suất 60 xe/tháng. Thông tin này được đề cập tới trong báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường dự án nhà máy lắp ráp ô tô Mercedes-Benz Việt Nam năm 2022 và được đăng trên website Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM.
Năm 2005, nhà máy này nâng công suất lên 12.000 xe/năm. Đến năm 2013, nhà máy bổ sung xưởng nhúng tĩnh điện, với công suất 5.285 xe/năm. Sau đó, năm 2014, nhà máy bổ sung xưởng lắp ráp xi tải công suất 720 sản phẩm/năm. Tuy nhiên, xưởng này hiện đã ngừng hoạt động.
Theo Quyết định của Thủ tướng số 844 năm 1995, Quyết định số 871 năm 1999 và hợp đồng thuê đất số 727 năm 1996 ký với UBND TP.HCM, nhà máy trên hoạt động trên khu đất có diện tích hơn 104.000 m2.
Công ty MBV được cấp phép hoạt động đầu tư tương ứng thời hạn sử dụng đất 30 năm, kể từ tháng 4/1995 và hết hạn vào năm 2025.
Vào năm 2021, công ty này đề nghị gia hạn thêm 5 năm để chủ động tính toán kế hoạch sản xuất và sẽ di dời đến chỗ mới vào năm 2030. Tuy nhiên, trong mấy năm qua, TP.HCM vẫn chưa giải quyết được vì các vướng mắc trong văn bản pháp luật hiện hành và định khi hết hạn liên doanh phải thu hồi và sắp xếp lại đất.
Trước đó, theo Báo Tuổi trẻ, vào ngày 17/8, tại buổi làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM đã nói về vướng mắc liên doanh giữa Mercedes-Benz Group AG (MBG AG) với Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) về dự án nhà máy trên.
Cụ thể, đến năm 2025 dự án này sẽ hết hạn sau 30 năm liên doanh. Công ty MBG AG đã xin gia hạn thêm 5 năm nữa, nhưng vì quy định khi hết thời hạn liên doanh phải thu hồi, sắp xếp lại đất, nên TP.HCM vẫn chưa giải quyết được.
Kết luận tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng sự vô lý khi chưa giải quyết được việc gia hạn dự án của liên doanh trên. Thực tế các địa phương rất mong có dự án ô tô, bởi vì trung bình một dự án ô tô ít nhất đóng góp ngân sách cho địa phương 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách phù hợp, tháo gỡ.