Câu hỏi phỏng vấn rất… thật
Câu chuyện bắt đầu với chàng trai trẻ tên Tiểu Lý (sinh năm 2000, Trung Quốc), mới tốt nghiệp ngành khoa học máy tính và đang tìm kiếm cơ hội việc làm tại một công ty công nghệ danh tiếng. Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên một cách xuất sắc, Tiểu Lý đã được mời tham gia vòng phỏng vấn thứ hai. Tuy nhiên, tại đây, anh đã gặp một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều “cạm bẫy”: “Nếu được nhận việc và có đồng nghiệp hỏi về mức lương, bạn sẽ trả lời thế nào?”.
Tin rằng sự trung thực là nền tảng của làm việc nhóm, Tiểu Lý đã thẳng thắn trả lời: “Tôi nghĩ rằng minh bạch và trung thực là yếu tố rất quan trọng. Nếu công ty không có chính sách bảo mật rõ ràng, tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin lương của mình.” Mặc dù câu trả lời được đón nhận bằng một nụ cười nhẹ, nhưng vài ngày sau đó, Tiểu Lý nhận được thông báo rằng anh không vượt qua vòng phỏng vấn cuối cùng.
Chủ đề được cư dân mạng quan tâm
Kết quả này khiến Tiểu Lý vô cùng thất vọng và bắt đầu suy nghĩ về câu trả lời của mình. Sau khi thảo luận với những người đi trước, anh nhận ra rằng dù thể hiện sự cởi mở và trung thực, câu trả lời của anh lại chưa thể hiện được sự am hiểu và tôn trọng văn hóa công ty.
Trong môi trường công sở, lương thường được coi là thông tin cá nhân. Nhiều công ty thậm chí còn yêu cầu nhân viên không được công khai thảo luận về lương để tránh những bất công và tranh chấp nội bộ. Sự thẳng thắn của Tiểu Lý có thể khiến nhà tuyển dụng cảm thấy anh chưa phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xử lý các thông tin nhạy cảm.
Câu chuyện của Tiểu Lý nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng minh bạch lương sẽ thúc đẩy công bằng, trong khi số khác lo ngại điều này có thể dẫn đến sự so sánh và bất mãn không cần
thiết. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác nhấn mạnh sự khác biệt văn hóa trong việc xử lý thông tin về lương. Có những nơi khuyến khích sự cởi mở, trong khi những nơi khác lại rất khắt khe trong việc bảo mật.
Cuộc tranh luận cũng xoay quanh quyền riêng tư cá nhân. Nhiều người tin rằng việc thảo luận về lương là một phần của quyền riêng tư và nhân viên có quyền quyết định liệu có nên công khai thông tin lương của mình hay không. Thậm chí, ở một số quốc gia và khu vực, việc cấm đoán người lao động thảo luận về lương bị xem là vi phạm quyền lợi của họ.
Trải nghiệm này đã mang lại cho Tiểu Lý một bài học quý giá. Đó là trong môi trường công sở, việc trả lời bất kỳ câu hỏi nào, dù tưởng chừng đơn giản, cũng cần phải cân nhắc đến bối cảnh, văn hóa và kỳ vọng của công ty. Dù thất bại, nhưng đây chắc chắn là kinh nghiệm đáng giá cho con đường sự nghiệp của anh sau này.
Cách trả lời khôn khéo
Cho dù trong công việc hay cuộc sống, bạn khó có thể tránh khỏi những lúc gượng gạo khi bị hỏi về tiền lương. Có người sẽ không muốn tiết lộ, có người lại thẳng thừng kể hết từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, đây không phải cách xử lý thông minh.
Khi đồng nghiệp hỏi về mức lương của mình, đừng trả lời trực tiếp mức lương bạn nhận được. Thay vào đó, hãy sử dụng phương pháp hạ mình khiêm tốn để "giữ bí mật" cho bản thân và giữ thể diện cho đồng nghiệp. Bạn có thể đáp lại rằng: "Lương của tôi không nhiều, chỉ đủ nuôi gia đình, bây giờ tôi vẫn cần tiếp tục làm việc chăm chỉ để tạo ra nhiều hiệu suất cho công ty để mong tăng lương!".
Tốt nhất, chúng ta nên chú ý đến một số vấn đề riêng tư của bản thân ở nơi làm việc, đừng tùy tiện tiết lộ những thông tin quan trọng như lương bổng cho đồng nghiệp khác, việc này sẽ không có lợi cho bạn.
Hơn nữa, việc để đối phương biết lương của bạn cũng vô tình đặt áp lực cạnh tranh cho họ. Điều này hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của bạn về lâu dài.
Thùy Anh (Theo Sohu)