Thời gian gần đây, người dân không còn quá xa lạ với với việc những chiếc ô tô lưu thông trên đường dán băng keo che biển số, sửa số, lắp biển giả, thậm chí độ luôn biển số lật bằng điện tự động.
Xe biển lật "vô tư" đi trên đường
Trong những trường hợp này, hầu hết đều nhằm mục đích “né” camera phạt nguội. Dẫu biết hành vi này là vi phạm quy định, nhiều chủ xe vẫn bất chấp, "thà chịu phạt" nếu "chẳng may" bị cảnh sát giao thông phát hiện. Những hành vi này khiến lực lượng chức năng khó xử lý qua hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường. Ngoài ra, một số xe lắp biển giả dẫn đến tình trạng “xe giả vi phạm, xử phạt xe thật”.
Anh Trần Đức Nam (người dân sống tại Nghệ An) cho hay, đây là hành vi cố ý trốn tránh trách nhiệm pháp lý, làm mất bình đẳng trong tham gia giao thông của người và phương tiện. Ngoài ra, khi một phương tiện không có biển số, hoặc biển bị sửa sẽ gây hậu quả khó lường, đơn cử nếu xảy ra tai nạn bỏ chạy sẽ khiến việc xác minh khó khăn hơn.
Việc các tài xế có hành vi dán biển, sửa biển ngày càng phổ biến, đặc biệt tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã vào cuộc rất quyết liệt nhằm hạn chế tối đa nhất tình trạng này.
Ghi nhận tại Hà Tĩnh, nhiều tài xế còn “độ” thêm hệ thống biển lật tự động, nhằm giấu đi biển số thật hoặc đổi thành biển giả khác đang được các chủ xe “đầu tư” vào xe mình. Những chiếc biển lật này rất dễ mua qua các trang mạng, bán hàng online… với mức giá từ 3 đến 5 triệu đồng.
Đơn cử, chiều 10/10, một chiếc ô tô Hyndai Santafe mang biển kiểm soát 38A – 192.79 được “độ” hệ thống biển lật tự động “vô tư” lưu thông trên trên đường Trần Phú, TP.Hà Tĩnh.
Liên hệ với chủ xe này theo đăng ký tại Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Tĩnh. ông Nguyễn Danh Xuân (62 tuổi, trú tại Hà Tĩnh, chủ ô tô mang BKS 38A - 192.79) cho hay, xe của ông sử dụng trước giờ không lắp hệ thống biển lật gì. Tuy nhiên, đôi lúc con của ông sử dụng. "Tôi sẽ kiểm tra lại", vị chủ xe này cho hay.
Không chỉ ngoài đường, PV còn ghi nhận tại bãi đỗ xe của một chung cư tại Hà Tĩnh cũng “không thiếu” xe mang biển “độ” như vậy.
Ngoài ra, việc dùng băng dính dán che biển, nhằm sửa số sai lệch hay dùng bùn đất bôi lên biển số nhằm camera không thể nhận diện được cũng rất phổ biến, chỉ khi lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra mới xử lý được.
Trước đó, khoảng 12h ngày 30/9 trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), một tài xế lưu thông trên đường cũng phát hiện 1 chiếc xe Lexus 570 màu đen, di chuyển theo hướng Nam - Bắc có hành vi dùng đất bôi lên mặt biển số nhằm "né" phạt nguội.
Cần xử lý nghiêm
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Việt Hùng, (văn phòng luật sư Kinh Đô, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi dùng biển đăng ký giả, che biển, dán biển hoặc chỉnh sửa thông tin trên biển số xe đều cho thấy động cơ không minh bạch. Tình trạng này đang gây phiền toái, bức xúc cho chủ phương tiện mang biển số thật và khó khăn, phức tạp cho các cơ quan chức năng.
Để khắc phục tình trạng này, theo Luật sư Hùng, trước tiên, cơ quan chức năng phải có giải pháp về mặt công nghệ để nhận dạng và phát hiện những trường hợp làm sai lệch biển số, tránh xử lý oan người dân. Mặt khác, cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm hành vi này trong thời gian tới.
Theo quy định từ ngày 1/1/2022 của Nghị định 123/2021/NĐ-CP mới được ban hành, hành vi gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng đối với xe ô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt đến 6 triệu thay vì 1 triệu đồng như trước đây.
Cụ thể, Tại Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng khi: Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; Gắn biển số không rõ chữ, số; Gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; Sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Đồng thời, khoản 10 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; Gắn biển số không rõ chữ, số; Gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; Sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.
Còn đối với trường hợp là cán bộ, công nhân viên chức thì ngoài việc xử lý vi phạm theo quy định, cơ quan chủ quản cán bộ đó cũng cần có hình thức kỷ luật, răn đe nhằm tránh tạo tiền lệ xấu về sau.
Quỳnh Nguyên