Không được dừng tổ chức sát hạch và tiếp nhận hồ sơ đào tạo GPLX
Trước tình trạng một số địa phương, cơ sở đào tạo dừng tiếp nhận hồ sơ và tổ chức sát hạch GPLX cho học viên do chưa khai thác được thiết bị DAT, mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đã có yêu cầu chấn chỉnh vấn đề này.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, do khối lượng dữ liệu quản lý DAT và nhu cầu khai thác của các đơn vị trên phần mềm hệ thống thông tin DAT của Cục ĐBVN tăng cao trong thời gian qua đã dẫn đến khó khăn trong việc kết nối, truyền và khai thác dữ liệu quản lý DAT.
Để khắc phục tình trạng trên, Cục ĐBVN đã khẩn trương phối hợp với đơn vị hỗ trợ kỹ thuật nâng cấp hạ tầng hệ thống thông tin, phần mềm quản lý, khai thác và đưa vào vận hành từ ngày 26/6/2023. Bên cạnh đó, Cục ĐBVN yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ô tô tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký học lái xe và tổ chức đào tạo lái xe theo đúng quy định để đáp ứng nhu cầu đào tạo lái xe của người dân. Phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị nâng cấp phần mềm quản lý để kết nối với phần mềm hệ thống thông tin DAT của Cục ĐBVN xong trước ngày 01/7/2023 theo cấu trúc truyền dữ liệu đã được Cục ĐBVN cung cấp đến các đơn vị.
Các Sở GTVT tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ sát hạch lái xe và các nguyên vật liệu phục vụ việc in GPLX theo quy định để tổ chức sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời phối hợp với cơ sở đào tạo thực hiện việc rà soát, kiểm tra toàn bộ dữ liệu các phiên học để phê duyệt các phiên học hợp lệ và truyền dữ liệu lên hệ thống thông tin DAT của Cục ĐBVN để hệ thống tự động tổng hợp dữ liệu quản lý DAT, phục vụ nhiệm vụ duyệt danh sách học viên đủ điều kiện tham dự kỳ sát hạch của Sở GTVT.
Đồng thời, Cục ĐBVN giao Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái là đầu mối, Phòng Khoa học công nghệ môi trường và hợp tác quốc tế phối hợp hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cơ sở đào tạo và Sở GTVT trong quá trình thực hiện việc kết nối, truyền và khai thác dữ liệu DAT.
Các vướng mắc liên quan đến đào tạo các địa phương liên hệ đến số điện thoại 0979542015 và 0912357257 để được hướng dẫn.
Những hãng xe được hưởng lợi lớn từ chính sách giảm 50% phí trước bạ từ 1/7
Theo tính toán, dựa trên tỷ trọng nội địa hóa và doanh số bán hàng, từ ngày 1/7/2023 tới đây cho hết tháng 12/2023, nhiều hãng xe lớn trong nước sẽ được hưởng lợi lớn về giá, bao gồm Kia, Hyundai, Ford, Toyota,...
Trong đó, Kia tuy là thương hiệu không nằm trong nhóm chiếm thị phần lớn nhất thị trường song với việc 100% xe được sản xuất, lắp ráp tại khu kinh tế mở Chu Lai (xe CKD) sẽ là đơn vị được hưởng lợi nhất từ chính sách này. Theo VAMA, cộng dồn 5 tháng đầu năm 2023 đã có 13.951 xe Kia lắp ráp bởi tập đoàn Thaco bán ra thị trường. Toàn bộ số xe này đều ở dạng CKD và là đối tượng được giảm 50% lệ phí trước bạ.
Tiếp theo là Hyundai. Theo TC Group, tổng sản lượng bán hàng ô tô Hyundai cộng dồn 5 tháng đầu năm đạt 22.903 chiếc, trong đó nhóm các mẫu xe lắp ráp trong nước chiếm tỷ trọng 75,9%, đạt tổng cộng 17.394 chiếc.
Honda là thương hiệu tiếp theo sở hữu tỷ trọng xe lắp ráp bán ra thị trường cao với 75,8%, đạt 6.118 xe CKD trên tổng sản lượng bán hàng 8.069 chiếc.
Kế đến là Ford. Theo thống kê của VAMA, đã có 14.302 xe Ford được bán ra thị trường trong 5 tháng đầu năm nay và tỷ trọng xe CKD chiếm 60,9%. Hai mẫu xe Ford đang rất được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng là Territory và đặc biệt là "vua bán tải" Ranger.
Tỷ trọng xe CKD bán ra thị trường đầu năm nay của Toyota chỉ chiếm 48,6%. Tuy nhiên, với tổng doanh số top đầu lên tới 21.547 chiếc bán ra trong đó có 10.486 chiếc xe CKD cũng sẽ giúp Toyota Việt Nam hưởng lợi lớn từ chính sách.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ, nguồn thu ngân sách từ loại lệ phí này trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ hụt khoảng 8.000 – 9.000 tỷ đồng. Đây chính là số tiền mà các doanh nghiệp ô tô, trong đó chủ yếu là các hãng xe lớn nêu trên, được nhà nước "gánh" đỡ trong bối cảnh thị trường khó khăn.
TP.HCM sắp khởi công một loạt dự án giao thông lớn
Sau khi khởi công đường Vành đai 3 - dự án lớn nhất ở phía Nam, sắp tới TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm chiến lược gồm dự án đường Vành đai 4, Vành đai 2 đoạn còn lại, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Hiện nay, các dự án này đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, chuẩn bị các thủ tục đầu tư.
Về dự án đường Vành đai 4 đoạn qua TP.HCM dài khoảng 17km từ đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai, theo lãnh đạo Sở GTVT, các đơn vị đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu phương án điều chỉnh hướng tuyến để giảm chi phí giải phóng mặt bằng và phát huy hiệu quả khai thác quỹ đất.
Với dự án xây dựng cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 với mức đầu tư 5.300 tỷ đồng. Hiện, Sở GTVT đề xuất về nội dung trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư một số công trình trọng điểm.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 20.889 tỷ đồng. Dự án đã được Thủ tướng chấp thuận bổ sung dự án vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành Giao thông vận tải theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM. Dự án dự kiến khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2027.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)