Khi trở thành cha mẹ, bất kỳ ai cũng muốn con cái ngoan ngoãn và đối tốt với mọi người. Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn mong con mình giỏi giang, có IQ cao, sau này thành người có ích cho xã hội.
Trên thực tế, những đứa trẻ có chỉ số IQ hay EQ cao thường bộc lộ sớm. Cha mẹ hoàn toàn có thể quan sát được thông qua những thói quen, hành động và cả lời nói của chúng.
Các nhà khoa học từng thực hiện một cuộc khảo sát với 241 trẻ em có chỉ số IQ từ 160 - 237+ dựa trên Thang trí tuệ Stanford-Binet. Kết quả chỉ ra hơn 91% trẻ thông minh đều có khả năng ngôn ngữ tốt và sớm hơn những đứa trẻ thông thường. Điều này cho thấy ngôn ngữ và chỉ số IQ của trẻ em có sự liên quan mật thiết với nhau.
Ngoài ra, thông qua việc giao tiếp hàng ngày, người lớn có thể dễ dàng nhận biết sự thông minh và sáng dạ vượt trội của con mình. Dưới đây là 8 câu nói bộc lộ rõ nhất chỉ số IQ ấn tượng của trẻ em trong quá trình sinh hoạt và giao tiếp với cha mẹ.
1. Tại sao vậy ạ?
Trong quá trình lớn lên, trẻ em sẽ tiếp xúc và làm quen với những sự vật, hiện tượng mới mẻ. Nếu chúng thường xuyên đặt cho cha mẹ các câu hỏi tại sao hay cần sự lý giải về những sự vật, hiện tượng xung quanh, thì đó chính là những biểu hiện cho trí thông minh vượt trội.
Việc trẻ hỏi quá nhiều đôi khi có thể thiến người lớn cảm thấy mệt mỏi, phiền hà. Tuy nhiên, bạn nên cảm thấy vui mừng vì chúng đang có ý thức học hỏi và khám phá. Nói cách khác, những đứa trẻ như vậy không chỉ tò mò mà còn có sự phát triển về tư duy, suy nghĩ và khả năng quan sát. Hơn nữa, khi trẻ hỏi câu này có nghĩa là chúng đang khao khát được hồi đáp và giao tiếp. Đó chính là một biểu hiện rõ ràng của chỉ số EQ cao.
2. Có cần con giúp không ạ?
Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, việc cha mẹ nhận được lời đề nghị giúp đỡ của con trẻ là điều không mấy lạ lẫm. Tuy nhiên, hành động này của trẻ lại bộc lộ nhiều khía cạnh tích cực về cả IQ lẫn EQ.
Việc một đứa trẻ chủ động giúp đỡ ai đó chính là cách chúng thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với mọi người. Không những vậy, chúng còn có sự quan sát, theo dõi và phân tích vấn đề rồi sau đó khéo léo đề xuất giải pháp để hỗ trợ. Những trẻ em này khi lớn lên có thể trở thành con người độc lập, tự tin và có trách nhiệm.
3. Con làm được mà!
Ở mỗi độ tuổi, con người lại có khả năng thực hiện những công việc khác nhau, sao cho phù hợp với sức lực và giới hạn của bản thân.
Với trẻ em, người lớn thường lo sợ chúng không làm được việc, từ đó dẫn đến tâm lý e ngại khó khăn hay đùm bọc thái quá. Chính vì vậy, khi một đứa trẻ nói chúng có thể làm được, nhiều cha mẹ thường gạt bỏ và không cho con làm những điều mà chúng muốn.
Trên thực tế, những trẻ em hay nói bản thân có thể làm được việc thường có cá tính mạnh mẽ, độc lập và thích thể hiện bản thân. Điều này cho thấy chúng có khả năng ứng biến với môi trường xung quanh, mạnh dạn thử nghiệm và thích chinh phục những khó khăn, thử thách.
Do đó, nếu trẻ muốn tự mình làm một việc nào đó, các bậc cha mẹ nên khuyến khích, động viên con. Bạn tuyệt đối không nên vội vàng ngăn cản hay khiến con nản chí.
4. Con cảm ơn!
Lời cảm ơn tuy đơn giản nhưng lại hàm ẩn nhiều ý nghĩa sâu xa. Với trẻ em, đó không chỉ là cách chúng bày tỏ lòng biết ơn, sự cảm mến mà còn cho thấy sự quan tâm, chủ động trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là bài học quan trọng mà các bậc làm cha mẹ nên dạy cho con trong những giai đoạn đầu đời.
5. Cha/ mẹ có nghĩ là…
Trong sinh hoạt hàng ngày, nếu trẻ bất ngờ đặt cho ca mẹ câu hỏi ‘‘cha/mẹ có nghĩa là…’’ thì có nghĩa chúng đang muốn lắng nghe ý kiến và nhận định của người lớn về một vấn đề. Điều này cho thấy trẻ có những phát triển vượt trội về trí não, khả năng tư duy phản biện và tiếp thu thông tin.
Chính vì vậy, cha mẹ nên tích cực tiếp nhận câu hỏi và vấn đề mà con đưa ra, từ đó giúp con giải thích các thắc mắc một cách dễ hiểu nhất.
6. Theo con thì…
Bạn đừng quá bất ngờ khi một đứa trẻ chủ động phản biện ý kiến và đưa ra quan điểm của riêng mình. Trẻ càng sớm có nói ra những điều này thì chứng tỏ chúng càng thông minh và tự tin. Đó chính là những tín hiệu tốt mà cha mẹ nên vui mừng, ủng hộ.
7. Con thích…
Tương tự như câu nói ‘‘theo con/ con nghĩ…’’, việc trẻ nói ra những điều mà chúng mong mỏi là vô cùng bình thường và cần được tôn trọng. Đa số những đứa trẻ dám nói điều này thường rất thông minh và có chính kiến.
Khi con chủ động nói ra những mong mỏi của bản thân, cha mẹ nên bày tỏ sự quan tâm, lắng nghe và có những phản hồi phù hợp. Mặt khác, phụ huynh cũng cần nhìn nhận các yêu cần và mong muốn của con một cách khách quan, từ đó đưa ra những phương án giải quyết phù hợp. Bạn không nên chiều chuộng, để con có được những gì chúng muốn một cách dễ dàng vì đó là một thói quen rất có hại.
8. Cha/mẹ có ổn không?
Một đứa trẻ biết quan tâm tới người khác là thường là người khéo léo và có IQ cũng như EQ cao. Ví dụ, khi con thấy cha mẹ gặp vấn đề liền chủ động hỏi han tình hình, sức khỏe thay vì quan tâm đến những điều xung quanh. Đó chính là biểu hiện của sự ân cần, nhạy bén khi quan sát vấn đề. Lúc này, các bậc phụ huynh nên tích cực đón nhận sự quan tâm của con và để con giúp đỡ trong khả năng của bản thân.
Tổng hợp
Khuê Hiền