Có rất nhiều bí quyết để nuôi dạy con thành công, nhưng có một điều mà nhiều phụ huynh "khắc cốt ghi tâm" đó chính là tạo ra sự tương tác tích cực giữa cha mẹ và con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ. Và mối quan hệ thân mật không thể cắt đứt này chính là "cơ sở an toàn" mà nhà tâm lý học Bowlby đã nói đến.
Nếu trẻ có một "cơ sở an toàn", chúng có thể yên tâm khám phá thế giới bên ngoài, không ngại khám phá khả năng của bản thân.
Ví dụ, một đứa trẻ có cảm giác an toàn mạnh mẽ, dù ngày đầu tiên đi nhà trẻ, phải tạm rời xa những người thân quen trong một khoảng thời gian ngắn, có thể chúng sẽ cảm thấy hơi căng thẳng lúc đầu, nhưng sâu bên trong chúng vẫn có khả năng tự an ủi chính mình. Bởi lẽ chúng tin rằng, mình sẽ sớm được trở về "cơ sở an toàn" (nghĩa là bên cạnh bố mẹ), hiện tại chúng chỉ tạm thời xa bố mẹ mà thôi.
Lúc đầu trẻ chỉ có thể rời xa vòng tay bố mẹ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng theo thời gian, chúng có thể đi xa hơn vượt ngoài vùng an toàn mà bản thân đã vạch ra. Trẻ càng lớn lên trong một tâm trạng bình yên, tâm lý của chúng càng bền vững, khả năng giải quyết vấn đề càng mạnh mẽ, và sự phát triển bản thân càng tốt.
Tình yêu, là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Nhưng tình yêu, không thể nhìn thấy hay chạm vào được, nếu không nắm bắt tốt, trẻ có thể sẽ thiếu thốn tình cảm, hoặc bị chiều chuộng quá mức. Nếu trẻ xuất hiện một trong 5 biểu hiện dưới đây, điều đó cho thấy trẻ đang thiếu thốn tình cảm nghiêm trọng, cha mẹ cần phải thực sự lưu tâm!
1. Có nhiều hành vi "thăm dò"
Những đứa trẻ "thăm dò" là những đứa trẻ có nhiều hành động nhằm gây chú ý từ cha mẹ. Chúng "thăm dò" để kiểm tra thử xem cha mẹ có mắng chúng hay không, sau đó dựa vào phản ứng của phụ huynh để thay đổi hành vi của bản thân. Điều này thường xảy ra khi cha mẹ quá bận rộn nên không thể để tâm nhiều đến con cái.
Ví dụ:
- Cố tình ném đồ chơi, bắt được cái gì ném cái đấy.
- Thích làm trò. Cha mẹ càng ngăn cản, chúng càng làm.
- Nói tục để thu hút sự chú ý của cha mẹ.
- Cảm thấy cha mẹ thiên vị anh chị em, để cha mẹ chú ý đến mình, có thể sẽ bắt nạt anh chị em hoặc nói những điều không tốt về họ.
2. Thích "yêu cầu" cha mẹ
Trẻ không nhận được đủ tình thương yêu sẽ vô thức yêu cầu cha mẹ làm việc cho mình, như một cách để xác nhận liệu cha mẹ có yêu mình không. Xuất hiện một hoặc hai lần biểu hiện này thì không có gì đáng nói, nhưng nếu yêu cầu của trẻ đối với cha mẹ tăng đột biến, điều này cho thấy trẻ đang ở trên bờ vực của sự thiếu thốn tình cảm.
Ví dụ:
- Mẹ ơi, lấy cho con ly nước từ tủ lạnh.
- Con muốn uống sữa chua, mua ngay bây giờ cho con đi.
- Cuối tuần đưa con đi mua quần áo, đồ chơi nhé mẹ.
Nếu bạn từ chối, chúng sẽ nổi giận, thậm chí nhìn bạn bằng ánh mắt đầy oán trách.
3. Tính tấn công rất mạnh
Nếu trẻ em thường xuyên thiếu đi sự gắn kết với gia đình, hạch hạnh nhân (trung tâm cảm xúc của não) rất nhạy cảm, chỉ cần một chút kích thích không bình thường, trẻ sẽ có phản ứng và biểu hiện tính tấn công rất mạnh. Điều này là do trẻ phải sống lâu dài trong môi trường căng thẳng và không an toàn, hình thành một hệ thống phòng vệ cực kỳ nhạy cảm.
Chính vì chúng cảm thấy không có ai bảo vệ mình, nên khi vấn đề xảy ra, chúng thường tự nhận mình là nạn nhân, rất sợ phải thừa nhận lỗi lầm hay khuyết điểm của bản thân. Khi mọi việc không tiến triển suôn sẻ theo như ý chúng muốn, chúng sẽ đổ lỗi cho người khác, rồi thì chuyện nhỏ hóa chuyện lớn.
Ví dụ:
- Một đứa trẻ hai ba tuổi, chỉ vì người khác chạm vào đồ chơi của mình mà la hét dữ dội, thậm chí để xả bực tức trong lòng mà chạy nhảy khắp nơi và làm mình làm mẩy. Lớn hơn một chút, khi chơi bóng với trẻ khác, nhiều em chỉ vì không giành được bóng mà sẵn sàng tấn công đối phương.
4. Quá ngoan ngoãn
Nhiều trẻ vì không cảm nhận được tình yêu thường từ cha mẹ nên sẽ cố gắng làm mọi cách để làm vui lòng cha mẹ, kể cả phải ép bản thân cũng không sao. Vì vậy, trẻ sẽ trở nên ngoan ngoãn, cha mẹ bảo gì, chúng sẽ làm theo đó, ngay cả khi gặp khó khăn cũng không dám tìm kiếm sự giúp đỡ từ cha mẹ.
Vì làm như vậy không phải vì thích, mà là muốn có được sự chú ý và công nhận từ cha mẹ và người khác, cuối cùng vì sống quá mệt mỏi mà sụp đổ.
Tại sao một số trẻ em ban đầu học hành rất chăm chỉ, nhưng về sau đột nhiên không muốn đi học? Bởi vì chúng luôn muốn làm vui lòng cha mẹ, nhưng cha mẹ lại không cho chúng sự chú ý và phản hồi nên chúng mất đi động lực.
5. Thói quen tự ti
Trẻ thiếu thốn tình cảm thường kèm theo tự ti bởi vì chúng khó chấp nhận thất bại. Vì sợ bị chỉ trích nên chúng thường có thói quen tự phủ nhận bản thân nhằm bảo vệ cho lòng tự trọng của mình.
Nếu trẻ gặp phải vấn đề, chúng sẽ thường nói "con không thể làm được", "dù thế nào con cũng không thể làm được". Khi tâm trạng bất ổn bùng phát, chúng thậm chí còn nảy sinh một số suy nghĩ phủ nhận bản thân, như "con sinh ra đã là một sai lầm", "sự hiện diện của con chỉ gây thêm sự lãng phí".
Tất nhiên rồi, không có cha mẹ nào hoàn hảo, nhưng khi chúng ta bắt đầu nhận thức, hiểu được nguyên nhân đằng sau những thứ cảm xúc bất an đang ẩn sâu bên trong trẻ, và cố gắng thay đổi, đấy chính là sự bắt đầu của quá trình chữa lành.
Theo news.qq
Đông