Nội dung chính
- Chị Diệu (53 tuổi, ở Tiền Giang) chưa học hết lớp 1.
- 10 năm trước, chị bắt đầu có những bài thơ đầu tiên.
- Ông xã là người chép thơ cho chị Diệu. Nếu không đọc thơ ra, người phụ nữ sẽ gặp chuyện khó tả.
Sáng tác trăm bài thơ dù không biết chữ
“Ta sống cho ta trọn kiếp người. Tâm hồn an lạc mãi vui tươi. Thế gian tạm bợ ta chẳng luyến. Danh lợi hèn sang ta chẳng màng. Dù ta phú quý hay cơ hàn. Nhiều tiền lắm bạc ở thế gian. Cũng như mây gió trôi bèo nước. Tâm sống an nhàn thoáng lạc quan”, chị Diệu (53 tuổi, ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) tự đọc bài thơ của mình một cách đầy tâm huyết.
Nghe những vần thơ lai láng này, không ai nghĩ nó lại được sáng tác bởi một người phụ nữ chưa học hết lớp 1.
Bắt đầu từ cách đây 10 năm, chị Diệu bất ngờ gặp hiện tượng lạ. Thỉnh thoảng, trong đầu chị như có những dòng thơ chảy xuống, thôi thúc chị phải đọc, viết ra được, bất kể ngày hay đêm, đang ở trong nhà hay ngoài đường.
Chị Diệu kể, chị chưa học hết lớp 1. Trước đây khi vừa đi học được mấy tháng, chị phải nghỉ để ở nhà phụ mẹ trông em, dưới chị có 7 người em. Bản thân chị Diệu nhiều năm không biết chữ. Cho đến khoảng 2-3 năm về trước, chị mới bắt đầu được chồng dạy. Tuy nhiên, người phụ nữ này cũng chỉ đọc, viết được những chữ đơn giản, những chữ khó thì đọc, viết sai.
Vào một buổi chiều của năm 2014, chị Diệu bỗng dưng thấy khó chịu trong người liền nói chồng: “Anh lấy giấy bút đi. Em đọc cái này cho anh viết”. Anh Sáu - chồng chị Diệu tỏ ra khó hiểu, nhưng vì chiều chị, anh cũng lấy giấy bút ra viết cho vợ vui. Đó là ngày bài thơ đầu tiên của chị Diệu ra đời.
Những ngày sau, tình trạng này lại tiếp tục xảy ra. Mỗi khi cảm nhận có nguồn thơ đang “chảy” xuống, chị Diệu lại gọi chồng ra viết hộ.
Thỉnh thoảng vào ban đêm, hai vợ chồng đang ngủ, chị Diệu bật dậy gọi chồng nhờ viết thơ giùm, bởi nếu không viết ra thì chị không thể nào nằm ngủ được. Sợ vợ mất ngủ sẽ ốm, anh Sáu lại dậy viết thơ cho vợ.
Có lúc chị Diệu bảo thôi bỏ đi, ghi thơ chẳng được lợi ích gì nhưng anh Sáu vẫn bảo chị giữ lại, tiếc cái công nửa đêm dậy viết. Anh gom lại thành 3-4 quyển cho vợ rồi phô tô ra để lưu trữ, đến nay cũng có quyển còn, có quyển đã thất lạc.
Thơ "xuống" bắt buộc phải viết ra, nếu không sẽ xảy ra điều khó tả
10 năm trôi qua cho đến hiện tại, anh Sáu vẫn luôn túc trực bên vợ, cần giờ nào là có giờ ấy. Có hôm đi qua lò mổ trâu hay ngang qua chùa, chị Diệu cũng bảo chồng dừng lại viết. Vì không có giấy, anh Sáu chỉ viết tạm vào chân rồi về nhà chép lại.
Thông thường, chị Diệu sẽ tùy cảnh sinh thơ, nhiều nhất có lần ra 2-3 bài thơ cùng lúc. Thơ ở đâu cứ tự tuôn ra chứ chị không hề suy nghĩ trước.
“Thơ như từ đâu chảy xuống người, bắt buộc tôi phải đọc ra, nếu không là sẽ khó chịu trong người. Tôi không biết phải diễn tả cảm giác khó chịu đó như thế nào cho mọi người hiểu. Chỉ biết rằng khi đọc được bài thơ đó ra thì tôi mới thấy nhẹ, khỏe người”, chị Diệu bộc bạch.
Khả năng đặc biệt của chị Diệu được nhiều người biết đến, truyền tai nhau. Anh Sáu tiết lộ chị Diệu được nhiều nhà thơ ở Tiền Giang mời gia nhập các CLB thơ nhưng chị đều từ chối.
Lam Giang
Nguồn: Độc lạ Bình Dương