Bão Yagi đổ bộ những ngày qua đã gây ra không ít thiệt hại về tài sản cho người dân. Trên các diễn đàn mạng xã hội, hình ảnh ô tô bị cây đè, cột điện đổ, bảng hiệu rơi trúng, bị ngập nước… gây hư hỏng nặng khiến nhiều người xót xa. Điều này cũng đặt ra câu hỏi liên quan tới vấn đề bảo hiểm.
Ông Trần Hoàng Mạnh Việt, Giám đốc kinh doanh Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life chia sẻ trên báo Dân trí, cho biết việc xe hư hỏng do mưa bão, ngập lụt không phải lỗi của con người nên không thể xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với cá nhân cụ thể nào trong trường hợp này. Việc chịu trách nhiệm bồi thường và mức giá trị bồi thường cho chủ xe thực hiện theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết giữa chủ xe và công ty bảo hiểm.
Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Sự kiện bảo hiểm quy định tại Khoản 10 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khi sự kiện đó xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.
"Bên mua bảo hiểm ô tô bị thiệt hại vật chất do thiên tai cần kiểm tra trường hợp này thuộc phạm vi bảo hiểm trong hợp đồng đã ký kết với công ty cung cấp bảo hiểm hay không", ông Việt nói.
"Trong hợp đồng bảo hiểm ký kết giữa 2 bên có thỏa thuận sự kiện xe bị hư hại do thiên tai là cơ sở được bồi thường và không thuộc các trường hợp loại trừ thì khách hàng có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường khi sự kiện đó xảy ra", ông nói thêm.
Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, phía doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với khách hàng và các bên có liên quan thu thập một bộ hồ sơ bồi thường bảo hiểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đó.
Cũng theo chuyên gia này, thông thường, loại hình bảo hiểm vật chất xe ô tô sẽ có phạm vi bồi thường cho chủ xe những thiệt hại về vật chất xảy ra do những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe trong những trường hợp như: đâm va, lật, đổ, rơi; hỏa hoạn, cháy, nổ; tai họa bất khả kháng do thiên nhiên; mất cắp, mất cắp toàn bộ xe…
Theo các chuyên gia, mặc dù bảo hiểm sẽ chi trả bồi thường cho chủ xe, tuy nhiên cũng có những trường hợp dễ bị loại trừ như cây đè khi đỗ trên đoạn đường cấm.
Tương tự, đối với những trường hợp xe ngập nước do thiên tai bão lũ, đây cũng là tình huống bất khả kháng do thiên tai gây ra, vì vậy, bảo hiểm sẽ phải chi trả toàn bộ thiệt hại, nếu chủ xe đã tham gia gói bảo hiểm tự nguyện.
Để được hưởng toàn bộ quyền lợi bảo hiểm, chủ xe cần tuân thủ một số quy định và quy trình nhất định. Khi xe gặp phải các tình trạng kể trên, chủ xe cần sớm thông báo ngay lập tức cho công ty bảo hiểm để chuyên viên có thể giám định hiện trường. Việc này giúp xác minh chính xác nguyên nhân và mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, từ đó bảo hiểm có cơ sở để chi trả đầy đủ 100% chi phí sửa chữa.
Nếu không kịp thời thông báo cho bảo hiểm và tự ý đưa xe về garage hoặc xưởng dịch vụ, mức chi trả có thể bị giảm xuống chỉ còn 70-80%.
Đối với loại phương tiện đang gia tăng nhanh chóng gần đây là xe điện, theo các chuyên gia, trong bối cảnh mưa bão, nguy cơ hư hỏng pin và các bộ phận điện tử của xe điện trở nên rõ rệt hơn. Bảo hiểm cho xe điện, đặc biệt là hư hỏng pin, cũng sẽ được áp dụng tương tự như bảo hiểm thủy kích đối với xe sử dụng động cơ đốt trong.
Anh Nguyễn (tổng hợp)