Ông cụ nhặt rác “nghiện sách”
Một ngày năm 2014, một ông lão nhặt rác gầy gò, rách rưới xuất hiện trong thư viện thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của tất cả mọi người có mặt ở đó. Sau khi cởi bỏ túi đồ lỉnh kỉnh đang vác trên lưng, ông cụ này đi tới kệ sách, chọn ra vài cuốn rồi đi về phía góc phòng và yên lặng đọc sách.
Trước sự có mặt của ông, một số người ở đó tỏ vẻ hơn khó chịu. Thậm chí, có người còn phàn nàn với nhân viên rằng việc ông cụ kia tới thư viện khiến việc đọc sách của họ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên trước những lời phàn nàn đó, giám đốc thư viện thẳng thừng tuyên bố: “Tôi không có quyền từ chối người khác đến đây nhưng các bạn có quyền ra về”. Vì thư viện vốn là nơi mở cửa miễn phí để phục vụ tất cả mọi người, do đó những người này dù khó chịu nhưng vẫn phải âm thầm chấp nhận.
Những ngày sau đó, ông cụ này vẫn thường xuyên ghé đến thư viện đọc sách bất kể trời nắng hay mưa. Câu chuyện này sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã khơi dậy sự tò mò của nhiều người. Đa số đều tỏ ra thích thú với hình ảnh ông cụ trong bộ quần áo lấm lem đang rửa tay trước khi đọc sách. Nhiều người còn bày tỏ sự ngưỡng mộ và cho rằng hành động tinh tế của ông cụ này đã lan tỏa tình yêu sách tới mọi người.
Đến cuối năm 2015, những người ở thư viện thành phố Hàng Châu không còn thấy ông cụ nhặt rác “nghiện sách” này đến thư viện nữa. Sau khi tìm hiểu, họ vô cùng bất ngờ và đau buồn trước thông tin ông đã qua đời sau một vụ tai nạn giao thông. Cứ ngỡ câu chuyện về ông cụ kỳ lạ này sẽ chìm vào dĩ vãng kể từ đây. Thế nhưng khi con gái của ông thu dọn đồ đạc và tìm thấy chiếc hộp sắt nhỏ - thứ mà ông trân trọng suốt bao năm, những thứ ở trong đó khi được công khai đã khiến tất cả mọi người phải lặng người.
Cũng từ đây, một bí mật được ông cụ này giấu kín suốt 21 năm cuối cùng đã được hé lộ.
Tấm lòng của một nhà giáo đáng kính
Theo Sohu, ông cụ nhặt rác “nghiện sách” này tên là Vi Tứ Hạo, sinh năm 1938 và là một nhà giáo đã về hưu. Tốt nghiệp khoa tiếng Trung của Đại học Sư phạm Chiết Giang, ông được chọn vào đội ngũ biên soạn của Đại học Hàng Châu để tham gia biên soạn cuốn “Từ điển Hán văn”. Ông cũng tham gia giảng dạy ở nhiều trường trung học trọng điểm trong tỉnh và đào tạo ra những thế hệ học sinh xuất sắc cho đất nước.
Sau nhiều năm gắn bó với bục giảng, ông Vi nghỉ hưu vào năm 1999. Vào thời điểm đó, mức lương hưu hàng tháng của ông là hơn 5.600 NDT (hơn 19 triệu đồng), đủ để sống thoải mái đến cuối đời. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn một cuộc sống nhàn nhã bên con cháu, ông Vi quyết định sống một mình và bắt đầu công việc đi nhặt rác từ đó.
Quyết định này của ông Vi khiến cả con cái và họ hàng đều cảm thấy khó hiểu. Tuy nhiên, trước những ánh nhìn đầy ái ngại của mọi người cho mình, ông cụ này vẫn tiếp tục con đường mình đã chọn.
Ban ngày, ông Vi thường đến thư viện đọc sách. Đêm xuống, ông mới ra ngoài đi nhặt rác. Với một cây sào dài và hai chiếc túi da rắn, ông Vi đi khắp các con phố và ngõ hẻm ở Hàng Châu để lượm nhặt những thứ người khác đã bỏ đi nhưng vẫn còn tận dụng được. Chia sẻ về lý do chỉ đi nhặt rác vào ban đêm, ông Vi từng cho biết: "Tôi không muốn ‘cạnh tranh’ với những người vô gia cư thực sự. Họ cũng cần phải sống. Tôi không thể làm ảnh hưởng đến họ."
Năm 2014, khi câu chuyện về “ông già nhặt rác đọc sách ở thư viện” trở nên viral trên mạng xã hội, các đơn vị truyền thông đã tìm đến ông Vi để phỏng vấn và đưa tin. Song sự nổi tiếng bất đắc dĩ này không ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của ông cụ. Để tránh lộ danh tính, trong các cuộc phỏng vấn, ông Vi đã đổi tên thành Chương Giai. Do đó, mọi thông tin mà mọi người biết được về ông cụ này gần như bằng không.
Ngày 18 tháng 11 năm 2015, trong lúc đang đi nhặt rác, ông Vi bị một chiếc xe taxi mất lái tông vào và được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau hơn 20 ngày nằm điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, đến ngày 13 tháng 12 cùng năm, ông Vi qua đời dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa.
Để chu toàn hậu sự cho người cha đã khuất, 3 người con của ông Vi đã đến nơi ở của ông cụ để thu dọn đồ đạc. Nhìn thấy căn nhà nhỏ chỉ có 1 cái tủ sách, 1 chiếc giường gỗ, vài bộ quần áo cũ và một vài đôi giày đã biến dạng, họ đã không thể kiềm lòng mà bật khóc thành tiếng. Trong suốt thời gian ở một mình, ông Vi dường như đã sống rất tằn tiện với bản thân. Ngay cả chiếc điện thoại duy nhất để liên lạc với các con cũng bị ông bỏ xó vì cho rằng dùng nó rất tốn tiền.
Trong số những vật dụng mà ông cụ để lại, có một chiếc hộp sắt cũ kỹ khiến con gái của ông chú ý tới. Bên trong chiếc hộp là một chồng giấy biên lai chuyển tiền và những lá thư cảm ơn từ khắp mọi miền đất nước được ông cụ cất giữ gọn gàng. Sau khi đọc kỹ nội dung bên trong, con gái ông sững sờ trước sự thật đã được cha mình giấu kín suốt 16 năm qua.
Hoá ra, trong gần 2 thập kỷ, ông Vi đã dành toàn bộ lương hưu và khoản tiền kiếm được từ việc đi nhặt rác để giúp nhiều trẻ em nghèo được đến trường. Tất cả những khoản quyên góp này đều được ông cụ thực hiện dưới cái tên Nguỵ Đinh Triệu. Không những thế, ở đáy hộp sắt, con gái ông còn tìm thấy một tờ giấy đăng ký hiến xác được viết tay rất chỉn chu từ hơn 10 năm trước. Xem đến đây, tất cả 3 người con của ông Vi cuối cùng cũng hiểu được ý nghĩa sâu xa đằng sau những quyết định tưởng chừng như “điên khùng” của cha mình.
Câu chuyện về tấm lòng cao cả của cựu thầy giáo Vi Tứ Hạo sau khi được chia sẻ đã chạm đến trái tim của nhiều người. Để tưởng nhớ những cống hiến to lớn của ông, Chính quyền thành phố Hàng Châu đã tạc tượng ông và đặt trong thư viện thành phố Hàng Châu. Vi Tứ Hạo chính là tấm gương sáng đại diện cho một nhân cách cao cả trong xã hội, xứng đáng để thế hệ trẻ ở đất nước tỷ dân học tập và noi theo.
(Theo Sohu)
Ánh Lê