Ông Putin nhận cuộc gọi bất thường sau 2 năm rưỡi
Hãng tin RBC (Nga) ngày 30/10 đưa tin, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên sau gần 2 năm rưỡi không liên lạc.
Tổng thống Vucic cho biết, ông gọi điện cho Tổng thống Putin để bày tỏ cảm ơn vai trò của Nga trong việc giải phóng thủ đô Belgrade của Serbia vào Thế chiến II. Ông nói thêm rằng đây là một cuộc trò chuyện "dài, cởi mở và rất có ý nghĩa".
Cuộc gọi được thực hiện vào ngày 20/10.
Theo Điện Kremlin, ông Vucic và ông Putin điện đàm lần gần nhất vào ngày 29/5/2022. Cuộc gặp cá nhân gần nhất giữa hai nhà lãnh đạo đã diễn ra vào ngày 25/11/2021 khi Tổng thống Serbia công du tới thành phố Sochi, Nga.
Trước đó, vào ngày 7/10 năm nay, ông Vucic đã không chúc mừng sinh nhật ông Putin, khác với thông lệ mà nhà lãnh đạo Serbia này vẫn thực hiện trong nhiều năm qua. Theo luật sư người Serbia Nikola Lakic, nguyên nhân là do ông Vucic lo ngại những phản ứng tiêu cực từ giới lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh Serbia mong muốn gia nhập khối này.
Bên cạnh đó, từ một đồng minh truyền thống của Nga ở Balkan, Serbia giờ đây "đang bán vũ khí và đạn dược cho Ukraine để nhắm vào lực lượng Nga". Theo tờ Financial Times (Anh) và trang tin News.ru (Nga), hàng nghìn tên lửa và đạn pháo của Serbia đã tới tay Ukraine thông qua các bên trung gian.
Thái độ của ông Putin về thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine
RBC cho hay, ngoài mục đích chính của cuộc điện đàm ngày 20/10 như ông Vucic đề cập, một phần nội dung đặc biệt khác trong đó vừa được công bố.
Theo đó, ông Vucic đã thông báo trong cuộc điện đàm với ông Putin về việc ông không thể nhận lời mời của nhà lãnh đạo Nga để tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tổ chức tại Kazan từ ngày 22-24/10. Thay vào đó, Serbia đã cử 4 Bộ trưởng tới sự kiện này.
Trước đó, với mong muốn đưa Serbia gia nhập EU, ông Vucic đã 2 lần từ chối lời mời của ông Putin vào tháng 8 và tháng 9 về việc tham dự Hội nghị BRICS. Tuy nhiên, tới giữa tháng 10, Belgrade bất ngờ đổi ý với lý do "BRICS đang trở nên hấp dẫn với các quốc gia khác và Serbia cũng nên lưu ý".
"Đó là điều mà các quý ông – những người đàn ông thực thụ - vẫn làm trong các hoàn cảnh như vậy, ngay cả khi phía bên kia mong đợi một câu trả lời khác", Tổng thống Vucic nói về cuộc điện đàm. "Sau đó, tôi hỏi ông ấy về tình hình ở Ukraine".
Nhà lãnh đạo Serbia cho biết, ông đã đặt câu hỏi cho Tổng thống Putin về chủ đề ngừng bắn, song "ông chủ" Điện Kremlin "dường như không hứng thú" với chủ đề này.
"Ông Putin đáp lại rằng, tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ được hoàn thành" – Ông Vucic thuật lại.
Tổng thống Serbia đồng thời bày tỏ quan điểm cho rằng lệnh ngừng bắn giữa Nga-Ukraine là "cách duy nhất" để thoát khỏi tình hình hiện nay. Do đó, ông đồng thời kỳ vọng Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu này.
"Sau đó sẽ có những cách để đạt được hòa bình lâu dài, nhưng hãy thực hiện bước đầu tiên này càng sớm càng tốt" – Ông Vucic nói.
Kremlin tái khẳng định điều kiện then chốt để đàm phán với Kiev
Theo RBC, hiện Điện Kremlin chưa đưa ra bình luận nào về thông tin do Tổng thống Serbia Vucic đưa ra. Tuy nhiên, cùng trong ngày 30/10, Kremlin lên tiếng về điều kiện then chốt để đàm phán với Ukraine.
"Các điều kiện then chốt cho đàm phán đã được nêu trong sáng kiến hòa bình của Tổng thống [Putin]" - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, đề cập tới các điều kiện mà ông Putin đã đưa ra vào đầu năm nay, bao gồm yêu cầu quân đội Ukraine rút toàn bộ khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát, đồng thời Kiev phải từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.
Ông Peskov cũng nhắc tới các thông tin do tờ Financial Times đăng tải về "các cuộc đàm phán hòa bình bí mật giữa Nga-Ukraine".
Theo tờ báo Anh, Moscow và Kiev "đang thảo luận sơ bộ" để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình. Kiev quan tâm đến việc tái khởi động các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian và "từng gần đạt được thỏa thuận vào tháng 8 năm nay trước khi cuộc đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk (Nga) làm trật bánh".
FT đồng thời lưu ý, các cơ quan tình báo Nga-Ukraine đã đạt được tinh thần chung để ngừng nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau.
Tuy nhiên, ông Peskov khẳng định "đây là thông tin sai sự thật".
"Ngay cả những ấn phẩm thuộc hàng đáng tin cậy nhất cũng đưa ra thông tin gây hiểu lầm này" – Ông Peskov lưu ý.
Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, nay là thư ký Hội đồng An ninh Nga, Moscow đã nhận được yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc thảo luận vấn đề tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng hai phía vào tháng trước. Ông Shoigu cho biết, Nga sẵn sàng xem xét một thỏa thuận tiềm năng nhưng chính Ukraine đã từ chối.
Minh Nhật