Cuộc tranh luận giữa ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris diễn ra trong bối cảnh rất gần cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 5/11) và cuộc đua giữa hai ứng viên đang là rất sát sao cũng như còn nhiều ẩn số phía trước.
Bước vào tranh luận trực tiếp hôm 10/9 có những tỷ lệ thăm dò dư luận sát sao nhưng cũng có những sự đảo chiều.
Thứ nhất là đa phần các thăm dò dư luận đều cho rằng bà Kamala Harris dẫn điểm ở cả ở tầm quốc gia, toàn liên bang và một số bang chiến trường. Nhưng cũng có thăm dò dư luận ngay trước tranh luận của New York Times (NYT) lại cho rằng bắt đầu có sự chững lại của bà Kamala Harris và có sự vươn lên, nhỉnh lên của ông Donald Trump.
Hai ví dụ rất điển hình của hai người nổi tiếng về dự đoán bầu cử của Mỹ thì cũng ngược nhau trước tranh luận. Một là Giáo sư sử học Allan Litchman - người bằng công thức của mình, đã dự đoán từ những giữa những năm 1980 cho đến nay, chỉ sai 1 lần trong 10 cuộc bầu cử - cho rằng bà Harris sẽ thắng.
Trong khi đó, chuyên gia về thăm dò dư luận bầu cử tổng thống Mỹ rất có uy tín là ông Nate Silver thì lại dự đoán là ông Trump sẽ thắng và thậm chí là đặt tỷ lệ là 64% cho khả năng ông Trump thắng cử.
Cuộc tranh luận của sự đối lập
Bước vào tranh luận, nhìn vào quá trình vận động tranh cử và tuyên bố chính sách của hai bên thì thấy rõ ràng rằng hai ứng viên bước vào cuộc tranh luận với rất nhiều thứ đối ngược nhau.
Thứ nhất là về tuổi tác, giới tính, phong cách. Trong đó, tuổi tác có một sự đối ngược và đảo chiều so với cuộc tranh luận trước đây giữa ông Trump và Tổng thống Joe Biden: hiện giờ ông Trump lại ở thế già yếu (78 tuổi), trong khi đó, bà Kamala Harris mới 59 tuổi và thể hiện sự năng động.
Về phong cách cá nhân thì rõ ràng bà Harris điềm tĩnh hơn, năng động hơn và có những chuẩn bị cho bầu cử kỹ lưỡng, cả về phong cách, chính sách và cả cách tiếp cận làm sao để có thể chiến thắng ông Trump và tranh thủ cử tri.
Trong khi đó ông Trump vẫn giữ những chính kiến và cách tiếp cận của mình, đó là lời nói hoa mỹ về chủ thuyết nước Mỹ trên hết một cách rất mạnh.
Trước khi bước vào tranh luận, dư luận và cử tri Mỹ đều đã biết về ông Trump. Ông đã trải qua một quá trình tranh cử suốt từ đầu năm cho đến nay và ông đã từng làm một nhiệm kỳ Tổng thống. Ông đã tham gia 3 cuộc tranh cử liên tiếp. Đặc biệt là với cuộc bầu cử năm 2024 này, ngay từ đầu năm ông đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình.
Do vậy, kì vọng và tò mò nhất của cử tri là hướng vào bà Harris.
Bà Harris mới chỉ bắt đầu "xuất hiện" từ ngày 21/7, khi ông Biden rút khỏi cuộc đua. Mặc dù bà có sự hưng phấn và nhanh chóng quy tụ được sự ủng hộ trong đảng, nhưng thực sự là cử tri và dư luận chưa biết nhiều về bà.
Bà chưa tham gia vào các cuộc tranh luận ở tầm liên bang nhiều nên cử tri đặt rất nhiều dấu hỏi và chờ xem bà ấy sẽ trình diễn như thế nào.
Về cuộc tranh luận thì rõ ràng đây là một cuộc tranh luận gay cấn từ đầu đến cuối, về phong cách, về chính sách và cả về chỉ trích cá nhân.
Cuộc tranh luận đã thể hiện sự gay cấn ngay từ lúc đầu khi hai ứng viên đã trình bày ngay chính sách kinh tế rất khác nhau. Bà Harris thì muốn xây dựng một nước Mỹ hướng tới tương lai tươi sáng dựa vào phát triển kinh tế cho tất cả mọi người, dựa vào những giá trị của nước Mỹ và xử lý những vấn đề về xung đột để bảo đảm đoàn kết.
Còn ông Donald Trump cho rằng hình ảnh một nước Mỹ dưới thời bà Kamala Harris và ông Joe Biden là một nước Mỹ đen tối cần phải được thay đổi, bao gồm những thất bại về kinh tế, giá cả và lạm phát, câu chuyện liên quan đến đối ngoại, những cuộc khủng hoảng diễn ra dưới thời kỳ của ông Joe Biden và bà Harris như là ở Trung Đông hay Ukraine và đặc biệt xoáy vào câu chuyện rút quân khỏi Afghanistan.
Thứ hai, là trên các vấn đề quan trọng chủ chốt thì nổi lên một số nội dung. Đó là kinh tế, trong đó có lạm phát và giá cả; vấn đề nhập cư, trong đó kiểm soát biên giới, có vấn đề công ăn việc làm và tội phạm; vấn đề về phụ nữ, đặc biệt là vấn đề về nạo phá thai; vấn đề đối ngoại, liên quan đến Trung Đông và Ukraine. Ngoài ra là một loạt những vấn đề khác như là vấn đề chủng tộc, biến đổi khí hậu…
Và có thể thấy là hai bên khác biệt nhau, rất đối lập nhau về quan điểm trên những vấn đề chủ chốt này.
Về kinh tế thì bà Harris đưa ra chương trình Kinh tế hướng tới cơ hội cho mọi người thông qua câu chuyện đánh thuế vào những tập đoàn lớn nhưng có điều chỉnh. Mặc dù không nói chi tiết trong buổi tranh luận nhưng trong chính sách của bà Harris, mức thuế này sẽ là 28% so với mức hiện tại là 21% từ thời kỳ Trump.
Trước đó, trong tranh cử thì ông Biden muốn nâng lên là 39% vào các tập đoàn lớn và người giàu. Đồng thời cung cấp thêm trợ cấp và tín dụng để hỗ trợ cho việc nuôi con, mua nhà, giảm chi phí sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày.
Trong khi đó, ông Donald Trump nhấn mạnh thời kỳ kinh tế dưới thời ông cầm quyền phát triển một cách mạnh mẽ, tạo ra nhiều công ăn việc làm, lạm phát được kiểm soát.
Cộng với một nội dung nữa là chính sách kinh tế của ông sẽ hướng tới giảm thiểu những trở ngại cũng như giảm thuế cho các tập đoàn và các doanh nghiệp lớn để từ đó tạo ra động lực sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tạo công ăn việc làm và trả lương cho cho người dân để từ đó họ có thể trang trải cho cả cuộc sống lẫn phúc lợi xã hội.
Thậm chí ông nhắm vào việc giảm thuế cho các doanh nghiệp, cho các tập đoàn lớn, từ mức hiện nay 21% xuống 15%.
Hai bên cũng cọ xát trên một loạt các vấn đề mà cử tri quan tâm, như về nhập cư, kiểm soát biên giới, phụ nữ và quyền nạo phá thai, hay các giá trị dân chủ. Đối ngoại cũng là vấn đề được chú ý trong tranh luận lần này.
Trong câu chuyện về Gaza: bà Harris về cơ bản giữ lập trường tương tự như của ông Biden với những điều chỉnh nhất định. Tức là, ủng hộ quyền tự vệ của Israel, ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Nhưng bà tỏ ra bất bình rất lớn trước việc gây ra thảm họa nhân đạo đối với người Palestine và kêu gọi phải có giải pháp đình chiến ngay.
Trong khi đó, ông Trump cho rằng kể cả Ukraine lẫn ở Gaza, việc nổ ra những cuộc xung đột này chính là do sự thất bại và sự yếu kém trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden và Harris.
Ông cũng nhấn vào thời điểm khi ông còn cầm quyền, nước Mỹ ở thế mạnh và đã áp đặt lên cho các nước khác như thế nào.
Những lần bỏ lỡ cơ hội của ông Trump
Theo dõi cả quá trình đó và qua phản ứng của dư luận thì dường như là kết quả phiên tranh luận ngày 10/9 có sự thuận lợi hơn nghiêng về phía bà Harris.
Trong quá trình tranh luận bà Harris có đôi phút lúng túng ban đầu nhưng đã nhanh chóng kiểm soát được và giành được thế chủ động dẫn dắt cuộc tranh luận.
Sự dẫn dắt của bà Harris thể hiện được ở 2 điểm: Bà đã nói được những điểm mạnh của bà, nhất là những tuyên bố về chính sách. Thứ hai là bà tránh được những điểm yếu dễ bị đối phương tấn công như là câu chuyện về nhập cư, câu chuyện lạm phát và giá cả, hay cả câu chuyện là bà có khuynh hướng thiên tả. Bà Harris cũng dẫn dắt và tạo ra cái bẫy để ông Trump bị vướng vào.
Với ông Trump, nếu nhìn lại với các cuộc tranh luận thông thường và những vận động tranh cử của ông ấy thì rõ ràng là ông có kiểm soát hơn trong cách tiếp cận và cách trình bày.
Ông Trump có được giai đoạn đầu là bình tĩnh và nhấn được vào những vấn đề chính sách thuộc vào điểm yếu của bà Harris, trong đó có vấn đề về kinh tế. Nhưng khi bị rơi vào bẫy của bà Harris thì ông sa đà vào những lời lẽ khoa trương "kiểu Trump" và không nêu được những điểm yếu của đối thủ.
Ông đã lỡ cơ hội để nói được những điểm yếu của đối thủ mà đi vào tranh luận những điểm cụ thể nhưng không gây tác động ấn tượng cho cử tri.
Chẳng hạn như trong vấn đề kinh tế, ông đã bỏ lỡ cơ hội buộc bà với vấn đề giá cả đang lên cao. Ông Trump có đề cập đến việc bà Harris có một chương trình kinh tế mới, và đặt câu hỏi tại sao trong thời kỳ 3,5 năm làm Phó tổng thống, bà không thực hiện?
Ở nội dung này, đáng lẽ phải theo đuổi tiếp, "truy" bà Harris đến cùng. Hay là câu chuyện về nhập cư thì có rất nhiều những tệ nạn liên quan đến nhập cư nhưng không được nhấn vào.
Ông cũng bỏ lỡ thêm một cơ hội khi không "truy" tiếp bà Harris về vấn đề đối ngoại.
Bên cạnh đó, ông Trump lại vào quá sa đà vào vào những chi tiết "bẫy" mà đối thủ giăng ra như là các cuộc vận động tranh cử có số người bao nhiêu rồi những câu chuyện tranh cãi nhau rất là chi tiết liên quan đến nạo phá thai…
Rõ ràng trong cuộc tranh luận này, bà Harris đã được đánh giá là đã chủ động hơn và có phần thắng thế hơn.
Trong các thăm dò dư luận ngay sau cuộc tranh luận này, cao nhất là của CNN cho rằng phần thắng thuộc về bà Harris là 63% và 37% cho ông Trump. Đây là một sự đảo chiều so với cuộc tranh luận ngày 27/6 giữa ông Trump và ông Biden khi ông Trump được 67% và ông Biden 33%.
Nhiều bình luận khác thăm dò dư luận khác của các báo khác cũng đều đánh giá phần thắng là thuộc về bà Harris (từ hơn 50 % trở lên, còn ông Trump chỉ được hơn 30%).
Tác động của cuộc tranh luận với cuộc đua vào Nhà Trắng
Cuộc tranh luận này thực sự là được rất nhiều cử tri và dư luận Mỹ quan tâm, khác hẳn với cuộc tranh luận lần trước. So với cuộc tranh luận lần trước, hai ứng cử viên là ông Biden và ông Trump đều đã quá quen mặt và già nua.
Trong khi đó, cuộc tranh luận lần này có một bên rất mới, lại là nữ, trẻ, năng động đối lại với một bên là ứng viên đã cũ. Một bên là bà Kamala Harris được cho là thiếu kinh nghiệm trong chính trường cũng như là trong tranh luận với một ông Trump được cho là cựu trào trong trong truyền hình và truyền thông.
Với những đòn chỉ trích và thường là bất ngờ, khó dự đoán của ông Donald Trump thì bà Harris sẽ ứng phó ra sao?
Vì vậy, cử tri họ rất quan tâm và nếu như trước đây chỉ hơn 50 triệu người theo dõi tranh luận thì cuộc tranh luận lần này có gần 70 triệu người xem truyền hình theo dõi.
Về kết quả, phần thắng được đánh giá là nghiêng về bà Harris và trên thực tế đã tạo ra đà hưng phấn mới để bà đi vận động tranh cử, nhưng liệu phần thắng trong tranh cử này có làm thay đổi hoặc đảo chiều những lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới hay chưa thì tất cả các nhà bình luận, thăm dò dư luận đều cho rằng chưa thể xác định được.
Sau tranh luận, thăm dò dư luận về độ chênh giữa hai ứng cử viên này vẫn nằm trong khoảng 3 điểm % và vẫn nằm trong sai số có thể có. Cho nên, cuộc tranh cử sắp tới, cuộc đua sắp tới vẫn tiếp tục là rất sít sao.
Với ông Trump thì đương nhiên phần thắng không không nghiêng về phía ông ấy, nhưng đồng thời là ông Trump lại có lượng cử tri nòng cốt và rất nhiệt huyết ủng hộ.
Tuy không rộng rãi nhưng người ủng hộ ông Trump rất trung thành và sự trung thành này kéo từ đầu năm đến nay và kéo từ nhiệm kì một của ông ấy.
Do vậy, cuộc tranh luận này kết quả có tốt hay xấu thì chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động, mở rộng thêm số lượng cử tri ủng hộ ông Trump còn sẽ không ảnh hưởng đến lực lượng nòng cốt ủng hộ ông Trump, những người ủng hộ thuyết MAGA (Make America Great Again) của ông.
Với bà Harris, kỳ vọng của cử tri là qua cuộc tranh luận này hiểu rõ bà và chính sách cũng như cách lãnh đạo của bà trong tương lai với tư cách là một tổng thống nước Mỹ thì bà lại chưa làm rõ được điều đó.
Vậy thì chắc chắn là chặng đường phía trước vẫn sẽ là một kỳ bầu cử rất sát sao, cả hai phía cho đến nay vẫn chưa thể chắc chắn có được 270 phiếu đại cử tri để có thể trúng cử, dù phần thắng cuộc tranh luận này có nghiêng về bà Kamala Harris.
Trong các cuộc thăm dò dư luận, bà Harris vẫn chỉ nắm chắc trong tay khoảng 230 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump có thể ít hơn một chút. Như vậy mỗi một bên dù nhỉnh hay thấp hơn đều vẫn chưa đủ 270 phiếu đại cử tri để đắc cử.
Như vậy, cả hai sẽ phải tập trung vận động sát sao vào những bang chiến trường, vào những cử tri còn chưa quyết định ở các bang chiến trường này. Cho đến nay thì người ta tính đến 7 bang chiến trường bao gồm Pennsylvania, Wiscosin, Michigan, Arizona, Bắc Carolina, Georgia và Nevada.
Hiện tại, bà Kamala Harris đang dẫn điểm và có thể có cơ hội nhỉnh hơn qua các cuộc thăm dò dư luận. Số cử tri ủng hộ ông Trump, tuy chưa thể mở rộng, nhưng lại là những người trung thành trong 8 năm qua, trong khi tập hợp lực lượng của bà Harris mới được củng cố trong vòng 2 tháng qua, sau khi ông Biden rút. Tỉ lệ những người ủng hộ sẽ đi bầu trên thực tế vào ngày 5/11 là điều mà cả hai ứng viên đều rất quan tâm.
Kinh nghiệm từ 2 cuộc bầu cử gần đây, bao gồm cả năm 2016 ông Trump thắng hay là năm 2020 ông Biden thắng, cho thấy với các bang chiến trường này, phần thắng có đạt thì chỉ chênh nhau có khi cũng chỉ vài chục ngàn phiếu phổ thông.
Cuộc bầu cử tới là rất sát sao, bất cứ một sự thay đổi nào ở những bang tranh chấp cũng có thể dẫn đến những kết quả quan trọng cho các ứng viên, 10.000, 20.000, 30.000 phiếu là có thể đảo chiều cuộc đua.
Đại sứ Phạm Quang Vinh