Trong số Trên Ghế 62 phát sóng ngày 4/1, host Đăng Việt và Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS TS) Đàm Hoàng Phúc sẽ cùng bàn luận về chủ đề: Công nghệ trên xe điện VinFast.
Là một người nghiên cứu sâu về ô tô và có thế mạnh về công nghệ, PGS TS đánh giá thế nào về công nghệ của xe điện VinFast hiện tại?
Trước khi nói về VinFast, chúng ta sẽ nhìn lại lịch sử ngành công nghiệp ô tô. Hiện nay, tôi đánh giá ngành công nghiệp ô tô đang ở một ngã rẽ khi ô tô đang dịch chuyển sang tính công nghệ, kỹ thuật số nhiều hơn. Ngành ô tô đang có khái niệm mới là “software-defined vehicle”, có nghĩa ô tô được điều khiển bằng phần mềm.
Chúng ta có thể tưởng tượng giống như điện thoại thông minh, có nhiều ứng dụng, cài đặt… khác hoàn toàn với điện thoại thông thường trước đây. Điện thoại hiện nay có thể cập nhật phần mềm thường xuyên. Sau mỗi lần như thế, điện thoại có nhiều tính năng mới, giao diện hiển thị khác như một chiếc máy mới.
Và ô tô bây giờ cũng đang theo xu hướng này. Để có thể thực hiện được xu hướng đó, cấu trúc các hệ thống trên ô tô mới sẽ thay đổi rất nhiều. Lúc đó, nền tảng xe điện sẽ giúp cho việc sản xuất xe theo xu hướng mới dễ hơn. Giống như điện thoại thông minh bắt buộc phải có màn hình cảm ứng, ô tô ứng dụng công nghệ software-defined vehicle buộc phải phát triển trên nền tảng xe điện.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, những mẫu xe theo xu hướng mới khác hoàn toàn với cấu trúc điều khiển, khung gầm như trước đây. Hiện nay, khi nhắc đến ô tô chúng ta thường nói xe này động cơ I4 hay V6, dung tích 2.0L hay 3.0L, mạnh bao nhiêu mã lực. Nhưng biết đâu, trong tương lai khi nhắc đến ô tô chúng ta nói rằng xe này dùng RAM gì, Chip gì… giống như khi miêu tả về máy tính.
Khi ngành công nghiệp ô tô đang bước vào ngã rẽ, VinFast chọn con đường này từ những thời điểm đầu. Các hãng xe truyền thống vướng mắc ở quá trình sản xuất cũ nên chưa thể chuyển đổi nhanh được. Trong khi VinFast, Tesla hay một số hãng xe điện khác dù mới bắt đầu nhưng chúng ta đã thấy những kết quả nhất định. Những hãng ô tô mới nổi như VinFast sẽ chọn con đường mới và họ đi sẽ rất nhanh bởi vì họ dựa trên công nghệ.
Vì thế, xe VinFast sẽ là các mẫu xe công nghệ, tương lai sẽ là như thế.
Nhiều chuyên gia nói rằng, đã nhắc đến công nghệ thì kiểu gì cũng sẽ có lỗi. Vậy PGS TS đánh giá như thế nào về xe điện VinFast và cách hãng xử lý khi xe có lỗi?
Thông thường, khi nói đến công nghệ, sẽ bao gồm hai phần, gồm phần cứng và phần mềm. Ô tô công nghệ cũng vậy.
Trước đây, tất cả ô tô chủ yếu chỉ sửa phần cứng. Rất ít người sửa hay cập nhật phần mềm cho ô tô.
Nhưng với ô tô công nghệ, cần nhìn nhận thêm ở góc độ khác. Ở số Trên Ghế 61, chúng ta thống nhất với nhau rằng, VinFast đã có thể sản xuất phần cứng, các bộ phận như thân vỏ, khung gầm hệ thống treo… tại Việt Nam và đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.
Về phần mềm, khi sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính, ai cũng đã quen với việc cập nhật phần mềm mỗi khi có bản mới mà hãng thường gọi là “vá lỗi hoặc nâng cấp”. Với phần mềm, chúng tôi không gọi là “sửa lỗi”. Đây là hai khái niệm khác nhau mà ai cũng cần biết. Phần mềm nói chung cần được nâng cấp theo thời gian. Không chỉ VinFast, tất cả các hãng sản xuất xe điện đều sẽ như vậy. Dần dần, người dùng sẽ có thói quen cập nhật phần mềm cho ô tô điện giống như điện thoại thông minh.
Với ý thứ hai của câu hỏi, tôi đánh giá VinFast không còn là một nhà sản xuất bán xe thông thường mà là một nhà cung cấp dịch vụ. Tính cầu thị của VinFast trong việc phục vụ khách hàng rất tốt. Hãng luôn cố gắng làm hài lòng khách hàng nhất mặc dù vẫn còn tồn tại lỗi trong quá trình vận hành và sử dụng xe.
VinFast có lẽ là hãng xe đầu tiên Việt Nam phục vụ khách hàng gần như 24/7 khi xưởng dịch vụ mở cả cuối tuần đến 9-10 tối. Đây cũng là hãng ô tô có nhiều trạm bảo dưỡng nhất với hơn 100 trạm dịch vụ trải dài từ Bắc vào Nam. Hãng cũng có xe dịch vụ lưu động, có thể xử lý các sự cố ở những nơi cách xa trạm dịch vụ. Tổng đài hotline của VinFast phục vụ tốt. Như vậy, VinFast có đầy đủ các phương thức dịch vụ, giúp đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Được biết, PGS TS đang sử dụng một chiếc VinFast VF 8. Vậy ông đã bao giờ phải cập nhật công nghệ trên chính chiếc xe của mình chưa?
Chiếc VinFast VF 8 này đã nâng cấp phần mềm nhiều lần. Mỗi lần có bản mới, hãng sẽ thông báo để tôi mang xe đến xưởng dịch vụ tiến hành cập nhật mới. Quá trình này diễn ra đơn giản, tôi chỉ cần mang xe đến xưởng dịch vụ chính hãng để các kỹ thuật viên thực hiện và quay lại nhận xe khi đã hoàn thành.
Sau mỗi lần cập nhật, tôi cảm giác như mình được sử dụng một chiếc xe mới. Xe có nhiều tính năng hơn, các phần mềm hoạt động mượt mà hơn… giúp tôi cảm thấy hứng thú hơn.
Là một người nghiên cứu sâu về ô tô và có nhiều công trình nghiên cứu về ô tô. Vậy với xe điện nói chung, VinFast nói riêng, PGS TS đã từng có những thử nghiệm như thế nào?
Với xe điện, tôi đã nghiên cứu rất nhiều và rất sâu. Thậm chí, tôi còn hướng dẫn cho sinh viên đại học hoặc cao học của mình nghiên cứu rất rất sâu về xe điện, thực hiện những đề tài được các báo quốc tế công bố.
Chiếc VinFast VF 8 của tôi nhiều lúc trở thành công cụ để các bạn sinh viên thực hành. Xe phục vụ cho việc nghiên cứu, thử nghiệm, lắp đặt các thiết bị… trong quá trình làm việc.
Vậy các bạn sinh viên hiện nay đánh giá như thế nào về công nghệ trên xe điện VinFast, thưa PGS TS?
Như tôi đã nói, thực ra cấu trúc hệ thống điện và hệ thống điều khiển trên xe VinFast đang tiếp cận theo hướng công nghệ. Cho nên, nền tảng đó sẽ quyết định sau này có thể nâng cấp và cập nhật hay không, giúp chiếc xe sẽ ngày càng tốt lên. Điều này giúp người tiêu dùng không phải trả thêm chi phí phần cứng. nữa.
Đối với ô tô truyền thống, chỉ khi mua đời mới, người dùng mới có thêm các tính năng mới so với xe trước đó. Đi kèm với đó giá bán của xe thường cũng tăng lên. Trong khi xe điện VinFast từ đời trước đến đời sau chỉ cần cập nhật phần mềm là người dùng đã có thể sử dụng những tính năng mới nhất. Nhờ đó, xe đời trước và đời sau chỉ phân biệt nhau qua hình dáng bên ngoài, trong khi các tính năng có thể giống nhau. Đó là những gì mà khách hàng nhận được.
Vậy nếu tư vấn cho một người mua xe mới, PGS TS sẽ đưa ra lời khuyên chọn xe nào: xe xăng, xe điện hay xe hybrid?
Đây là một bài toán có nhiều lời giải. Mỗi người giải sẽ có một quan điểm khác nhau.
Khi chuyển lên từ xe xăng sang xe điện, chúng ta phải thay đổi thói quen, khi thay đổi thói quen chúng ta sẽ phải tự cân đối được. Lúc mới mua xe, tôi hiểu rằng xe sạc hơi khó vì nhà không có trạm sạc. Nhưng tôi thay đổi thói quen bằng cách khi sạc thì đi tập thể dục, đưa vợ con đi chơi hay làm những việc khác. Đến bây giờ, mỗi lần đi đổ xăng cho xe của vợ tôi thấy bị lãng phí thời gian xếp hàng.
Tuy nhiên, điều này có thể đến từ điều kiện công việc của tôi phù hợp với cách sử dụng xe điện. Trong khi đó, nếu mà ai thường xuyên phải đi xa và luôn cảm thấy lo lắng thì có thể chuyển sang lựa chọn xe xăng hoặc xe hybrid.
Hoặc, những người quan tâm đến môi trường, sẵn sàng thay đổi thì sẽ có xu hướng chuyển sang xe điện. Trong một thống kê của Deloitte sau khi phỏng vấn 1.000 người, trên 50% người Việt đang quan tâm đến môi trường. Như vậy, tôi cho rằng việc thay đổi nhận thức và dịch chuyển sang xe điện sẽ diễn ra nhanh chóng. Bởi vì khi đã quan tâm, mọi người sẽ chuyển đổi, từ ý thức đến hành động.
Cảm ơn Phó giáo sư, Tiến sĩ rất nhiều vì những thông tin vừa rồi.
Chương trình Trên Ghế được phối hợp thực hiện bởi Đài Truyền Hình TP Hồ Chí Minh & Công ty Cổ Phần VCCorp; đơn vị hợp tác thực hiện AutoPro; đơn vị khai thác thương mại AdWheel; đơn vị đồng hành Giovanni.
Thùy Trag