"Thế giới chưa bao giờ chứng kiến tốc độ tăng trưởng năng lượng sạch như Trung Quốc đã làm"
Năm 2024, thế giới chứng kiến Trung Quốc thực hiện những bước đi chưa từng có trên hành trình chuyển đổi xanh, tờ Daily China (Trung Quốc) đưa tin ngày 6/1.
Tờ báo này cho biết, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đạt được các mục tiêu dài hạn về khí hậu vào năm 2024, dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu với tốc độ tăng trưởng chưa từng có trên toàn cầu.
Đây là dẫn chứng:
01. Theo Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA), trong 3 quý đầu năm 2024, công suất lắp đặt mới để sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo trên cả nước này đã tăng lên 210 triệu kilowatt. Điều này đánh dấu mức tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% tổng công suất phát điện mới.
Đáng chú ý, NEA cho biết tổng công suất mới từ sản xuất điện gió và năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã vượt quá 200 triệu kilowatt.
02. Tại hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 12/2024, Cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc Vương Hồng Chí cho biết, tổng công suất phát điện hạt nhân đang vận hành và đang xây dựng của Trung Quốc đứng đầu thế giới.
Ông Vương Hồng Chí cho biết, vào năm 2024, 11 cơ sở điện hạt nhân mới đã được phê duyệt, nâng tổng số 102 tổ máy điện hạt nhân đang vận hành hoặc đang xây dựng trên cả nước, với tổng công suất lắp đặt là 113 triệu kilowatt.
Vào năm 2025, Trung Quốc sẽ "bật đèn xanh" cho một loạt dự án điện hạt nhân ven biển và dần dần thúc đẩy việc xây dựng các dự án khác. Đến cuối năm 2025, công suất điện hạt nhân đang hoạt động ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 65 triệu kilowatt.
03. Một báo cáo gần đây của Wood Mackenzie, một công ty tư vấn năng lượng có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho biết Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Nước này đang trên con đường hướng tới việc sử dụng 50% năng lượng từ năng lượng carbon thấp bao gồm thủy điện, năng lượng mặt trời, gió, hạt nhân và năng lượng tái tạo vào năm 2028.
"Chưa bao giờ thế giới chứng kiến tốc độ tăng trưởng hoặc chuyển đổi của hệ thống năng lượng sạch mà Trung Quốc hiện đang đạt được. Dự kiến đến năm 2025, công suất năng lượng mặt trời và gió lắp đặt của Trung Quốc sẽ vượt cả châu Âu và Bắc Mỹ" - Malcolm Forbes-Cable, phó chủ tịch phụ trách thượng nguồn và quản lý carbon tại Wood Mackenzie, cho biết.
Wood Mackenzie cũng ghi nhận sự chuyển đổi đáng kể trong lĩnh vực vận tải của Trung Quốc. Đến năm 2034, xe điện chạy pin sẽ thống trị doanh số bán xe chở khách, đạt 66% thị phần.
Năng lượng sạch - Lời đáp cho bài toán toàn cầu
Chuyên gia từ Hiệp hội Nghiên cứu Chuyển đổi Năng lượng Quốc tế cho biết: "Đạt được mức trung hòa carbon trong một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng những nỗ lực đáng kể của quốc gia này đang bắt đầu mang lại thành quả".
Tiến trình này đang thúc đẩy sự lạc quan về tương lai vì nó đẩy nhanh quá trình khử carbon và đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người.
Dù còn nhiều thách thức phía trước, rõ ràng Trung Quốc đang nắm trong tay thành tích về chuyển đổi năng lượng sạch mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải ấn tượng và "thèm khát".
Bởi hành trình chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch không phải chỉ ngày một ngày hai; trong khi biến đổi khí hậu - một chủ đề đã thống trị các cuộc họp toàn cầu trong nhiều năm, đã trở thành hiện thực hơn là một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.
Năm 2024 được đánh dấu bằng những thách thức chưa từng có về khí hậu, với nhiệt độ phá kỷ lục và các sự kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt trở thành chuẩn mực mới. Nhân loại năm 2024 chứng kiến một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan tàn khốc, bao gồm cháy rừng ở Canada và Amazon; đợt nắng nóng ở Pháp, Mali và Mexico; lũ lụt chết người ở Tây Ban Nha, Nepal và Sudan; cùng các cơn bão hủy diệt ở Mỹ, Đông Nam Phi, Đông Nam Á...
Vào đầu tháng 12/2024, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu (EU) đã thông báo rằng năm 2024 gần như chắc chắn sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận, vượt qua các kỷ lục có từ năm 1940. Năm 2024 cũng được coi là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá giới hạn 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, một ngưỡng quan trọng được thiết lập bởi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận này nhằm mục đích "duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ xuống còn 1,5 độ C".
"Từ giờ trở đi, mỗi năm có thể là năm nóng nhất được ghi nhận, nhưng cũng là năm mát nhất mà chúng ta sẽ thấy trong tương lai" - Teng Fei, phó giám đốc Viện Năng lượng, Môi trường và Kinh tế của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nhận định.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 11 bởi Carbon Brief, một trang web về khí hậu có trụ sở tại Vương quốc Anh, 74% trong số gần 750 sự kiện và xu hướng thời tiết cực đoan có khả năng xảy ra nhiều hơn hoặc nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Một số sự kiện được coi là hầu như không thể xảy ra nếu không có tác động của con người lên nhiệt độ toàn cầu.
Carbon Brief cho biết, lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch và xi-măng tăng khoảng 0,8% vào năm 2024, đạt mức kỷ lục 37,4 tỷ tấn CO2 (GtCO2). Sự gia tăng lớn này là do lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch liên tục tăng và lượng khí thải sử dụng đất cao bất thường vào năm 2024.
Chưa bao giờ thế giới cần tất cả các chính phủ chung tay hành động khẩn cấp để bảo vệ chính con người và hành tinh này như thế.
Việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là thách thức mà cả các nước đang phát triển và phát triển đều phải đối mặt. Đặc biệt đối với các nước đang phát triển, điều cần thiết là họ phải xác định được các cơ hội tăng trưởng kinh tế trong quá trình chuyển đổi xanh.
Nếu không làm luôn, làm hiệu quả, sự tàn khốc của khí hậu sẽ khiến chính chúng ta phải hứng chịu dài lâu.
Tham khảo: China Daily, Chinadaily HK, Carbon Brief
Trang Ly