Những thay đổi của hệ tim mạch ở người lớn tuổi
Tuổi tác sẽ gây ảnh hưởng đến đến cấu trúc và chức năng của hệ tim mạch cực rõ ràng. Khi tuổi càng tăng cao, sẽ khiến suy giảm chức năng tim, tiềm tàng dẫn đến giảm dẫn truyền trong tim. Lượng máu để cung cấp cho các cơ quan, đặc biệt là cho tim và não sẽ bị giảm dần.
Các động mạch nhỏ ngoại biên ở người cao tuổi thường có đường kính hẹp lại, từ đó làm giảm lượng máu cung cấp đến các mô tế bào. Điều này làm tăng sức cản, hậu quả dẫn tới tim phải tăng sức bóp nên bị tiêu hao nhiều năng lượng hơn, thường phải tăng đến khoảng 20% so với lúc còn trẻ.
Ở người khỏe mạnh, khi tuổi càng cao thì huyết áp động mạch thường có tăng theo nhưng không vượt quá giới hạn cho phép. Huyết áp tối đa tăng 29 mmHg và huyết áp tối thiểu tăng 8,6 mmHg so với lúc còn trẻ.
Người trên 60 tuổi, ước tính tới 80% sẽ bị ảnh hưởng bởi tăng huyết áp. Người cao tuổi có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mình bằng cách giảm nguy cơ đột quỵ, cơn đau tim, suy tim và tử vong thông qua việc kiểm soát tốt huyết áp. Điều trị tăng huyết áp có thể kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ các biến cố nghiêm trọng như đột quỵ hoặc cơn đau tim.
Có phải cứ trẻ tuổi là ít nguy cơ đột quỵ?
Đột quỵ là một biến chứng sức khỏe nguy hiểm, nó có thể xảy ra ở bất cứ ai và dễ dàng cướp đi tính mạng người bệnh nếu không can thiệp sớm. Người trung niên, cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính, đặc biệt bệnh tim mạch là những đối tượng nguy cơ cao bị đột quỵ. Thế nhưng những năm gần đây, đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng.
Mặc dù số lượng và nguy cơ ít hơn người cao tuổi, tuy nhiên do một số thói quen xấu và tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài, người trẻ vẫn không nằm ngoài nguy cơ có khả năng này.
Theo các thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm đến ⅓ trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Trên thế giới, thông tin từ Hội đột quỵ thế giới 2022 cho biết, mỗi năm có đến hơn 16% các đối tượng bị đột quỵ mới chỉ trong độ tuổi 15 – 49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Theo đó, trong 6,5 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ mỗi năm thì có đến 6% là người trẻ.
Có thể thấy, dù nguy cơ đột quỵ tăng cao khi chúng ta già đi, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc người trẻ tuổi không có nguy cơ bị đột quỵ. Bất kể ai, dù già hay trẻ, đều có thể bị đột quỵ tấn công bất cứ lúc nào.
Bác sĩ Nguyễn Đình Công, Chuyên khoa Tim Mạch (Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh) cho biết: “Trong xã hội hiện đại, người trẻ có nhiều yếu tố tác động nên vẫn có nguy cơ đột quỵ. Ngoài các yếu tố không thể thay đổi được như yếu tố di truyền, gia đình thì còn ra nhiều yếu tố bên ngoài gây ra nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Ví dụ như do lối sống không lành mạnh, giờ giấc làm việc và sinh hoạt không hợp lý, sử dụng nhiều chất kích thích kết hợp với chế độ ăn uống không lành mạnh, nhiều dầu mỡ và ít luyện tập thể dục thể thao.”
Bác sĩ Nguyễn Đình Công
Làm thế nào để phòng tránh nguy cơ đột quỵ ở người trẻ?
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đình Công cho biết: “ Để phòng tránh và hạn chế các nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, cần tuân thủ một số nguyên tắc. Thứ nhất, về chế độ ăn uống, cần giảm bớt khẩu phần ăn, các thức ăn nhanh, dầu mỡ, chiên rán. Cấn luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, hạn chế ngồi lâu một chỗ. Thêm vào đó, nên tránh các thói quen xấu như hút thuốc lá, thức đêm nhiều hay chế độ giờ giấc không hợp lý. Người trẻ cũng nên quan tâm đến việc tầm soát sức khỏe, ít nhất 1 năm/1 lần.”
Tuổi trẻ, đặc biệt là độ tuổi 20 - 30 được đánh giá là giai đoạn giàu sức khỏe, giàu năng lượng, ít bệnh tật nhất. Cũng vì thế mà người trẻ thường có tâm lý chủ quan, không phòng ngừa, tầm soát và điều trị loại bỏ nguy cơ dẫn tới đột quỵ. Tỉ lệ người trẻ tuổi bị đột quỵ đang tăng dần theo từng năm, đây là tình trạng đáng báo động. Giới trẻ nên dành thời gian và tâm sức nhiều hơn để chăm sóc tốt cho sức khỏe của mình.