Cuộc sống hiện đại với nhiều vấn đề đã khiến trẻ em phải đối mặt với những thay đổi cảm xúc phức tạp hơn bao giờ hết. Từ áp lực học tập, kỳ vọng của gia đình, đến những mối quan hệ xã hội, tất cả đều có thể tác động đến tâm lý của trẻ. Trẻ có thể cảm thấy lo lắng, buồn bã, tức giận, cô đơn, hoặc thậm chí là có những biểu hiện nặng hơn. Việc giúp trẻ hiểu và quản lý cảm xúc của mình là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các bậc phụ huynh.
Mới đây, trong một hội nhóm trên Facebook, một phụ huynh Hà Nội đã chia sẻ với các thành viên câu chuyện mà gia đình mình đang gặp phải. Theo đó, con vị này đang học lớp 9 và mắc chứng trầm cảm. Khi mới biết được thông tin này, cả gia đình đã rất sốc.
Cụ thể hơn, trong một lần vô tình, nữ phụ huynh đã phát hiện con mình đang có hành động tự làm đau bản thân. Vết thương tuy không sâu vì may mắn được ngăn cản kịp thời, nhưng cùng lúc đó người mẹ cũng thấy một lượng lớn thuốc ngủ ở trong phòng của con.
Quá hoảng sợ, vị phụ huynh này đã đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý để điều trị và được biết do con quá áp lực chuyện học tập nên mới tự làm đau bản thân. Người mẹ chia sẻ thêm, cũng chỉ vì lo cơm áo gạo tiền muốn con có cuộc sống tốt hơn nên không để ý con nhiều, cứ nghĩ con ổn vì mỗi ngày vẫn nói chuyện tâm sự, hỏi han việc học với con bình thường. Thi thoảng lúc con xem điện thoại nhiều, chị cũng nhắc con cất đi để tập trung học hơn. Tuy nhiên, chị không biết con đã phải trải qua những gì mà phải dẫn đến những hành động không chút suy nghĩ như vậy.
"Giờ em cũng không biết nên làm thế nào để giúp con khoảng thời gian này, giá như em để ý đến cảm xúc của con hơn thì đã không ra nông nỗi này!", nữ phụ huynh đau khổ nói.
Bên dưới phần bình luận, dân mạng cũng thể hiện sự đồng cảm với người mẹ và cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bị trầm cảm, điều quan trọng là phụ huynh cần đồng hành cùng cảm xúc của con để đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
- Thương con, em bớt chút thời gian chăm sóc con. Chỉ có cha mẹ mới giúp con vượt qua thôi em ạ. Chị đã từng như vậy, con chị có nỗi đau về thể xác, không được may mắn trong các cuộc phẫu thuật khiến con bị trầm cảm. Chị sợ và phải bỏ tất cả chỉ để dành thời gian đưa con đến những chỗ vui vẻ, rủ bạn bè của con đến nhà chơi,... và đồng hành với con thôi.
- Tìm hiểu sâu hơn để biết nguyên nhân chuẩn xác mới có phương án chị ạ. Mong con nhanh chóng phục hồi phong độ trở lại như trước đây.
- Thương gia đình bạn quá, bố mẹ nên dành nhiều thời gian để nói chuyện với con hơn. Giai đoạn này dù khó khăn về kinh tế mẹ cũng phải gác lại công việc để ở bên con nhiều hơn, cả nhà chi tiêu, ăn uống ít đi cũng được. Suy cho cùng sức khỏe của con là quan trọng nhất. Bệnh lý về tinh thần khó chữa lắm, rất cần sự động viên và chia sẻ của cả nhà.
- Áp lực từ trường lớp, thầy cô về việc thi cử cuối cấp, thậm chí cả gia đình nữa. Như con mình là mẹ phải sát sao cùng con từ chuyện ăn, học, bạn bè, tham gia ban phụ huynh, luôn có mặt trong các buổi liên hoan, dã ngoại cùng lớp, cùng lầy lội vui chơi với con khi có thể, cuối tuần cùng con đi bộ, đi chơi công viên chỗ nhiều cây xanh ấy, tâm sự như bạn, vừa hiểu con, vừa hạn chế thiết bị công nghệ, vừa giúp con giảm stress…
Thế nên mình nghĩ bạn nên thu xếp công việc để gần con hơn, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, cùng học với con. Đồng hành là cổ vũ, là khen ngợi, là không quá kỳ vọng, giờ thì chấp nhận sức con đến đâu thì đến, đỗ thì tốt, không thì không sao để con bớt căng thẳng mẹ ạ. Phải ôm và nói với con rằng mẹ luôn tin và yêu con dù con có như thế nào, vì thế nên con cứ cố gắng trong khả năng của con,... Kiểu vậy bạn nhé.
Cha mẹ không chỉ là người sinh thành, mà còn cần phải là người bạn luôn đồng hành với con trước những khó khăn, áp lực từ môi trường xung quanh, cần đặt mình vào vị trí của con, lắng nghe và thấu hiểu những gì con nói để có thể định hướng một cách tốt nhất.
Phụ huynh cần làm gì khi nhận thấy con đang gặp áp lực?
Đầu tiên, cha mẹ cần phải luôn thường xuyên quan tâm, chú ý đến cảm xúc và biểu hiện của con. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi được thấu hiểu và hỗ trợ, trẻ sẽ tự tin hơn trong việc khám phá thế giới xung quanh, xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh và đạt được những thành công trong học tập. Ngược lại, việc bỏ qua hoặc không quan tâm đến cảm xúc của con có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực về lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ.
Thứ hai, cần tạo một không gian an toàn, thoải mái, đáng tin cậy để con được chia sẻ. Cha mẹ hãy trở thành người bạn đồng hành, lắng nghe con một cách chân thành và không phán xét. Thay vì vội vàng đưa ra lời khuyên, hãy đặt những câu hỏi mở như "Con cảm thấy thế nào về điều đó?" để khuyến khích con bộc lộ suy nghĩ một cách tự nhiên. Việc xác nhận cảm xúc của con, ví dụ như "Mẹ hiểu con đang rất lo lắng" sẽ giúp con cảm thấy được thấu hiểu và an tâm hơn. Khi con biết rằng mình luôn có một nơi để chia sẻ, trẻ sẽ tự tin hơn trong việc đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
Thứ ba, cách hiệu quả nhất để vượt qua áp lực chính là hỗ trợ con tìm giải pháp. Cha mẹ có thể giúp con chia nhỏ những mục tiêu lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn, dễ thực hiện. Điều này sẽ giúp con cảm thấy tiến bộ từng bước và giảm bớt áp lực. Bên cạnh đó, việc cùng con lập kế hoạch cụ thể sẽ giúp con quản lý thời gian hiệu quả hơn. Nếu áp lực của con quá lớn, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ giáo viên, chuyên gia tâm lý hoặc các tổ chức tư vấn. Sự giúp đỡ từ bên ngoài sẽ giúp con có thêm góc nhìn và giải pháp để vượt qua khó khăn.
Và cuối cùng, cha mẹ cần phải chú ý chăm sóc bản thân cho con, khuyến khích con dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và tham gia các hoạt động vui chơi. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng, giúp con có đủ năng lượng và giảm căng thẳng. Cha mẹ cũng nên cố gắng giảm thiểu những xung đột không cần thiết, tạo ra một không gian sống hòa thuận và ấm áp. Việc dành thời gian chất lượng cho con, cùng con trò chuyện, vui chơi sẽ giúp con cảm thấy được yêu thương và quan tâm, từ đó giảm bớt căng thẳng và áp lực. Khi gia đình là nơi con luôn muốn quay về, trẻ sẽ tự tin hơn trong việc đối mặt với những thử thách bên ngoài.
Trang Vũ