Hà Nội quá tải đổi giấy phép lái xe máy
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ đầu tháng 10, tại 2 địa điểm giải quyết thủ tục hành chính cấp, đổi giấy phép lái xe của sở số lượng người dân đến làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe môtô các hạng từ vật liệu bìa sang vật liệu thẻ nhựa (PET) tăng đột biến.
Thống kê cho thấy, trong hai tuần vừa qua, số lượng người dân đến làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe trung bình khoảng 700 người/ngày tại cả hai địa điểm, tăng khoảng 50% so với các tháng trước, dẫn đến tình trạng quá tải tại các địa điểm tiếp nhận hồ sơ.
Theo tìm hiểu của phía Sở Giao thông Vận tải nguyên nhân của tình trạng này là do người dân nghe thông tin đề xuất đưa vào dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông yêu cầu bắt buộc người có giấy phép lái xe môtô, ôtô bằng vật liệu bìa được cấp trước ngày 1/7/2012 phải đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET, từ đó lo ngại thời gian tới nhu cầu đổi sẽ tăng cao gây khó khăn nên đã tranh thủ làm sớm.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, tại mỗi địa điểm Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã bố trí thêm máy móc, trang thiết bị để mở thêm 1 cửa, bố trí 1 cán bộ tăng cường tại mỗi địa điểm để tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe.
Trường hợp số lượng, nhu cầu giải quyết trong ngày vượt quá năng lực phục vụ, cán bộ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ hướng dẫn công dân lấy vé đặt lịch hẹn giải quyết, công dân đã đăng ký lịch hẹn đến đúng thời gian hẹn sẽ được giải quyết luôn, không phải xếp hàng, chờ đợi; tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình (mức độ 4) trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay hiện không có quy định nào bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe giấy sang PET. Người dân muốn đồng bộ trên tài khoản định danh điện tử mức 2 (VneID) thì có thể đi đổi giấy phép lái xe, còn không thì vẫn dùng giấy phép lái xe giấy bình thường.
Nguy cơ tái diễn ùn tắc kiểm định do thiếu đăng kiểm viên
Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có 271/288 TTĐK với 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động (17 TTĐK và 103 dây chuyền không hoạt động) với công suất phục vụ số lượng phương tiện đến kiểm định trung bình đạt yêu cầu tối thiểu một tháng là 626.400 phương tiện (trong khi số lượng phương tiện kiểm định ở tháng cao nhất trong thời gian tới (tháng 7/2024) là 503.276 phương tiện).
Theo lãnh đạo Cụ Đăng kiểm, do việc phân bố mật độ các TTĐK không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo trong thời gian sắp tới khi các phương tiện thuộc nhóm đối tượng được áp dụng áp dụng chu kỳ kiểm định mới theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT, được tự động áp dụng chu kỳ mới theo quy định tại Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT...".
Hiện tại có khoảng 700 đăng kiểm viên tại các TTĐK bị khởi tố, trong đó một số đơn vị hầu hết các ĐKV đều bị khởi tố. Phần lớn ĐKV bị khởi tố, được tại ngoại đã và đang tham gia hỗ trợ tích cực cho hoạt động kiểm định XCG (gần 300 ĐKV), bên cạnh đó còn có một số lượng lớn các ĐKV xin nghỉ việc và tự ý bỏ việc.
Theo đó, với khoảng 300 ĐKV bị khởi tố nêu trên đang làm việc tại 81 TTĐK của 31 tỉnh, thành phố (không tính đến số lượng ĐKV bị khởi tố, tạm giam trong số 17 TTĐK đang dừng hoạt động) khi bị đưa ra xét xử sẽ có 21 TTĐK của 9 tỉnh, thành phố bị dừng hoạt động.
Cụ thể: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh; trong đó có những tỉnh, thành phố không còn TTĐK hoạt động như Bắc Kạn, Hòa Bình và một số tỉnh, thành phố không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp như: Hà Nội, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh.
“Theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, trường hợp TTĐK có từ 2 ĐKV trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian 3 tháng.
Theo đó sẽ có 69 TTĐK tại 24 tỉnh, thành phố buộc phải tạm dừng hoạt động và sẽ ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương này nếu không chủ động có phương án chủ động sắp xếp. Trong đó có những tỉnh, thành phố không còn TTĐK hoạt động như: Hòa Bình, Thái Bình hoặc còn rất ít TTĐK hoạt động như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế…”.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, việc nguy cơ xảy ra ùn tắc phương tiện kiểm định tại 31 tỉnh, thành phố, có thể sẽ còn tăng lên ở nhiều tỉnh, thành phố khác do phương tiện ở các địa phương bị ùn tắc, ùn ứ di chuyển đến địa phương không bị ùn tắc để kiểm định.
Sửa "lỗ hổng" mới quy định về điều kiện xe kinh doanh vận tải
Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải về ô tô. Trong đó, bộ này đề xuất siết việc cấp và thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.
Theo Bộ GTVT, Nghị định 10/2020 có quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Tuy nhiên, chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, thực tế Nghị định 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với ô tô trước đây đã đưa ra quy định xe bị tước phù hiệu, biển hiệu hai tháng sau mới được cấp lại phù hiệu mới. Tuy nhiên khi sửa đổi Nghị định 10/2020, nội dung này bị loại ra.
“Do không quy định thời gian xin cấp lại sau khi bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nên doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại. Quy định tụt lùi so với trước. Đây thực sự là “lỗ hổng” cần phải sớm có biện pháp khắc phục”, ông Cường nhìn nhận.
Để vá “lỗ hổng” này, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 22, theo hướng bổ sung quy định về thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký xử phạt, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu. Sở GTVT không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30-60 ngày (tùy trường hợp thu hồi) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu.
Các trường hợp quá thời hạn trên, đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, Sở GTVT tiếp tục đăng tải quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, biển hiệu trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng tải, đơn vị kinh doanh vận tải vẫn không nộp, Sở GTVT cập nhật vào chương trình quản lý kiểm định để cảnh báo xe liên quan đến vi phạm bị xử lý thu hồi phù hiệu, biển hiệu.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nếu như chúng ta quy định thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu 30 ngày thôi thì xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng, ngay lập tức đánh vào lợi ích kinh tế của chủ xe. Đây cũng là lời răn đe, cảnh báo đối với chủ doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với tài xế và xe.
Trước nhiều ý kiến đóng góp vào bản dự thảo nghị định mới, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đường bộ rà soát các quy định, không để tình trạng quy định mới tụt lùi so với quy định cũ. Song song đó, tăng chế tài, xử phạt đối với các nhà xe để xe vi phạm nhiều lần; để nhân viên lái xe của mình vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng.
Thành Đô (tổng hợp)