Theo đó, trong quý I/2024, dự thu ngân sách của tỉnh là 1.400 tỷ đồng, ước tính GRDP tăng 6,11%; tình hình phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 2,85%, ngành công nghiệp duy trì ở mức ổn định. Ngành du lịch thu hút được gần 1 triệu lượt khách, tăng gần 50% so với cùng kỳ.
Song song với việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Bình cũng đẩy nhanh các dự án trọng điểm của quốc gia đi qua địa bàn và dự án quan trọng của địa phương. Theo đó, các địa phương, đơn vị phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án Nhà ga hành khánh T2 và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Ðồng Hới trong quý II; tập trung giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng hạng mục tuyến nước ngọt thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch.
Tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư; tâp trung hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; triển khai có hiệu quả Luật Ðấu thầu 2023 và các văn bản hướng dẫn.
Đối với các dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn, tỉnh tích cực phối hợp trong giải phóng mặt bằng các dự án: Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình, Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Cải tạo đường sắt khu vực Đèo Khe Nét...; đẩy nhanh thủ tục đấu nối các dự án giao thông quan trọng, thủ tục thực hiện các dự án mới.
Tại huyện Quảng Ninh, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, công trình tuyến đường chính khu đô thị Dinh Mười và vùng phụ cận huyện Quảng Ninh có tổng mức đầu tư trên 157,3 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch vốn đã bố trí 86,1 tỷ đồng. Hiện, công trình đang triển khai thi công, kế hoạch vốn năm 2023 đã giải ngân đạt 100%, kế hoạch vốn năm 2024 bố trí cho dự án 4,8 tỷ đồng.
Dự án Hạ tầng và đường giao thông kết nối Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch vốn đã bố trí 34,4 tỷ đồng. Đến nay, Dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, tỷ lệ vốn đã giải ngân 50,75% so với số vốn bố trí.
Công trình đường cứu hộ, cứu nạn xã Trường Xuân đi xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, Dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp.
Ở huyện Lệ Thủy, Dự án cầu Lộc Thủy - An Thủy và đường hai đầu cầu là dự án có tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, Dự án đã phê duyệt 08 phương án giải phóng mặt bằng và chi trả trên 20 tỷ đồng. Hiện còn 10/18 hộ dân phía xã An Thủy sẽ được phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng trong năm 2024, trong đó có 10 hộ thuộc diện tái định cư.
Theo ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, sau khi đã đi kiểm tra thực địa các dự án đầu tư công trên địa bàn các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung phối hợp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng; có kế hoạch, phương án cụ thể để cân đối, giải ngân nguồn vốn đầu tư công đúng tiến độ đề ra; tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh bố trí nguồn vốn phù hợp đối với từng dự án...
Bên cạnh đó, ông Phú cũng yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư, đơn vị thi công tiếp tục phối hợp, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra.
Xuân Hương