Ngày 8/3, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp tăng thu, điều hành ngân sách năm 2024. Tại Hội nghị này, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, năm 2023 số thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh không hoàn thành dự toán, chỉ đạt 5.655,6 tỉ đồng; đạt 91,9% so với dự toán trung ương giao; đạt 80,8% so với dự toán địa phương; giảm 32,26% so với năm 2022.
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, việc hụt thu ngân sách đã ảnh hưởng lớn đến quá trình chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; tạo áp lực cho việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra.
Về nguyên nhân hụt thu ngân sách năm 2023, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như thị trường bất động sản trầm lắng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, thị trường, các yếu tố đầu vào, xuất nhập khẩu… thì do các nguyên nhân chủ quan như: Cơ cấu nguồn thu ngân sách trên địa bàn chưa bền vững; một số địa bàn, lĩnh vực, sắc thuế vẫn còn để thất thu thuế; hiện tượng gian lận, trốn thuế, khai sai thuế phải nộp còn xảy ra; nợ thuế còn ở mức cao và có xu hướng tăng…; sự phối hợp trong công tác thu ngân sách ở một số ngành, địa phương chưa được nhịp nhàng, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục, thị trường, giá cả.
Trên cơ sở đánh giá chính xác nguyên nhân hụt thu ngân sách năm 2023 và nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận, đưa ra giải pháp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm soát và phát triển nguồn thu cho ngân sách.
Đa số ý kiến các đại biểu tập trung về giải pháp điều chỉnh sớm các kế hoạch về đấu giá, quyền sử dụng đất; kiên quyết thu hồi các dự án không đảm bảo tiến độ; nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đăng ký đầu tư; tạo cơ hội cho các dự án phát triển tại tỉnh; điều hành chi đầu tư phải nắm được tiến độ thu; có chế tài đủ mạnh trong xử lý thu hồi nợ động thuế…
Như "dự án treo" Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình, sau nhiều lần được gia hạn, cam kết thực hiện, dự án này của Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa vẫn không triển khai, Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Bình đang xin ý kiến để thu hồi.
Từ đó dẫn đến năm 2023 số hụt thu lớn so với dự toán HĐND tỉnh Quảng Bình giao là 751 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hụt thu 585 tỷ đồng, ngân sách các huyện hụt thu 188 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh tham mưu UBND tỉnh các giải pháp thu NSNN trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành, địa phương thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 theo kế hoạch đề ra, tập trung xử lý nợ đọng thuế, chống thất thu thuế...
Đồng thời đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp rà soát các dự án còn nợ về xây dựng cơ bản để tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp NSNN; theo dõi diễn biến nguồn thu tiền sử dụng đất trên địa bàn để kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp phù hợp, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất năm 2024; rà soát các dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án chậm tiến độ còn nợ NSNN để tham mưu xử lý thu hồi theo quy định...
Xuân Hương