Theo đó, đường ven biển tỉnh Quảng Bình có tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng, đi qua 16 xã phường của 6 huyện, thị xã, thành phố; ảnh hưởng đến 1.083 hộ dân, tổ chức và 21 trang trại nuôi trồng thủy sản.
Mặc dù khởi công từ cuối tháng 1/2022, đến nay dự án vẫn còn vướng mặt bằng. Hiện Dự án đang thi công đồng loạt 7/7 gói thầu của Dự án với phạm vi mặt bằng được bàn giao thi công liên tục là 70,2/80km, đạt tỷ lệ 87,8%; cơ bản các hạng mục cầu cống, công trình thoát nước, nền đường, móng đường đang thi công.
Một số huyện có tỷ lệ giải phóng mặt bằng chậm như TP Đồng Hới đạt 66,3%, huyện Lệ Thủy đạt 81,93%, huyện Quảng Trạch đạt 87,8%; các địa phương còn lại đều đạt tỷ lệ 95 - 97%.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là dự án có khối lượng GPMB lớn, phức tạp nên sau hơn 2 năm triển khai, đến nay dự án đường ven biển vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB làm ảnh hưởng đến tiến độ, gây khó khăn cho các nhà thầu trong triển khai phương án thi công.
Cụ thể, hiện dự án đang gặp vướng đối với các phạm vi có chuyển mục đích sử dụng rừng, trang trại nuôi trồng thủy sản. Công tác tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, di dời lăng mộ trên tuyến cũng chưa hoàn thành.
Trước tình hình khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết triệt để giải phóng mặt bằng đường ven biển.
Theo đó, ngày 19/8, ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo triển khai, việc triển khai thực hiện các tiến độ, chất lượng đề ra; công tác giải ngân vốn cũng được các chủ đầu tư thực hiện đảm bảo.
“Tuy nhiên vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, cụ thể là giải phóng mặt bằng các trang trại nuôi trồng thủy sản, lăng mộ, nhà và tài sản của người dân, xây dựng khu tái định cư để di dời dân” ông Phú nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa ra những nội dung cần khẩn trương tập trung thực hiện. Trong đó, đối với trang trại nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, Sở NNPTNT, Sở Tài chính hội đồng thẩm định tính liên hoàn của tài sản trang trại nuôi trồng thủy sản trong và ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng; Hội đồng thẩm định về công tác định giá các loại vật tư, máy móc, thiết bị nuôi trồng thủy sản không có trong bảng giá đền bù của UBND tỉnh chủ trì họp Hội đồng trước ngày 26/8 để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh theo nhiệm vụ được giao.
Để có cơ sở hai Hội đồng cấp tỉnh nêu trên họp, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Hội đồng cấp huyện họp, gửi kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp.
Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh để có hướng giải quyết.
Về vấn đề tái định cư, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu UBND huyện Lệ Thủy chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 khu tái định cư ở xã Ngư Thủy Bắc hoàn thành trước ngày 30/08 và ở xã Ngư Thủy hoàn thành trước ngày 31/10.
UBND huyện Bố Trạch khẩn trương phê duyệt quy hoạch chi tiết khu tái định cư xã Đồng Trạch và triển khai các thủ tục tiếp theo, đảm bảo xây dựng trước ngày 31/10. UBND huyện Quảng Trạch chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành khu tái định cư trước ngày 30/9.
Với các vướng mắc khác, huyện Lệ Thủy khẩn trương rà soát, tính toán cụ thể chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn gửi Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; chỉ đạo UBND xã Ngư Thủy giải quyết tranh chấp đất đai giữa 6 hộ dân theo thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 20/8.
Huyện Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền vận động để các hộ dân đồng thuận nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Huyện Quảng Trạch chỉ đạo hoàn thiện phương án để công khai và thực hiện các thủ tục phê duyệt phương án bồi thường đối với đoạn tuyến đi qua địa phận Giáo xứ Xuân Hòa, xã Quảng Xuân trước ngày 20/8.
Việc giải quyết các vướng mắc nhằm kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí trong năm 2024, đặc biệt là giải ngân toàn bộ 100% kế hoạch vốn nguồn ngân sách trung ương trước ngày 31/10.
Được biết, do thiếu mặt bằng thi công nên tiến độ giải ngân nguồn vốn của dự án đường ven biển chậm. Hiện tại, dự án chỉ mới giải ngân được hơn 14 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024 (chưa bao gồm kế hoạch vốn 2023 kéo dài), đạt tỷ lệ 6%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương gần 1,7 tỷ đồng (đạt 1%); nguồn ngân sách địa phương gần 12,2 tỷ đồng (đạt 17,4%).
Đường ven biển tỉnh Quảng Bình là dự án trọng điểm, khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối thông suốt về hạ tầng giao thông và đóng vai trò quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là du lịch, dịch vụ biển, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo. Đồng thời, kết nối vùng ven biển của Quảng Bình với vùng kinh tế tổng hợp Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình.
Xuân Hương