Ngày 27/10, ông Phan Thanh Nghiệm, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị này cùng các ban ngành liên quan vừa khoanh vùng cảnh báo nguy hiểm sau khi tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá nguyên nhân một hố sụt lún bất thường tại vườn nhà ông Hồ Bình Hiền ở bản Km41 (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy).
Theo ông Hiền, sau nhiều ngày mưa lớn, khu đất chỗ vườn nhà trồi sụt lạ thường. Một thời gian sau thì bất ngờ xuất hiện có nhiều nước trong xanh, đường kính miệng hố tới 4,2m, sâu tới 12m. Hố này chỉ cách móng nhà bếp của ông Hiền khoảng 3m và cách Tỉnh lộ 10 đi qua xã Ngân Thủy khoảng 100m về phía Tây Bắc.
Nhận được tin báo, Sở KH-CN tỉnh Quảng Bình phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy và các chuyên gia địa chất đã trực tiếp đến hiện trường khảo sát, đánh gia nguyên nhân gây nên hiện tượng này.
Theo nhận định, khu vực nhà ông Hiền có tầng phủ chủ yếu là đất sét và sét pha với bề dày khoảng từ 7-20m, mặt đá gốc (đá vôi) ở độ sâu không đồng đều từ 7-20m, trên nền cấu trúc địa chất là hệ Devon và hệ tầng Cô bai, bao gồm đá vôi và đá vôi xen Dolomit.
Nền đất này dạng đất sườn tích, một ít tàn tích được tạo thành trên nền đá vôi ở phía dưới. Khi nền đá vôi phía dưới hố sụt này bị quá trình karst hóa tạo thành các hố, hang, hốc rỗng… khi có mưa lớn tạo dòng chảy lớn trong các hang, hốc gây sụt lún tầng đất phía trên xuống.
Sau khi nắm tình hình, Đoàn khảo sát đã kiến nghị dùng cát, sạn lấp đầy hố sụt, để hố cát này lắng đọng tự nhiên trong một thời gian, khi cát sạn tụt xuống thì tiếp tục lấp đầy… đến một thời gian ổn định thì hoàn thiện lại công trình. Sau đó, tiếp tục theo dõi quá trình sụt lún, nếu giải pháp nói trên không tạo ra sự ổn định bề mặt mà vẫn tiếp tục sụt lún thì đề nghị báo cáo cơ quan có liên quan để nghiên cứu giải pháp tiếp theo.
Hiện, chính quyền xã Ngân Thủy đã khoanh vùng khu vực xảy ra hố sụt lún và cảnh báo nguy hiểm.
Xuân Hương