Chiều 27/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức sự kiện giới thiệu “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”. Đây là chương trình nằm trong dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024”.
Muốn quản lý được thì phải nhìn thấy được
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, quan điểm quản lý đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT nhiều lần nhấn mạnh, đó là muốn quản lý được thì phải nhìn thấy được. Nhìn thấy được là phải có các công cụ để đo, rà quét bằng công nghệ và nhìn thấy được là phải trao cho cộng đồng bộ công cụ, để mọi người đều nhìn thấy và cùng chung tay xử lý.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết, nhiệm vụ xây dựng Cẩm nang về phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên mạng là một phần trong nhóm các giải pháp quản lý nhà nước của Bộ TT&TT về vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, cẩm nang là công cụ hết sức quan trọng, bởi nó trao cho cộng đồng, cho người sử dụng mạng Internet, khi tham gia vào không gian số hàng ngày, có công cụ để cùng nhận biết, ứng xử phù hợp và góp phần chung tay loại trừ tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
“Tham gia vào không gian số, một việc quan trọng là cần trang bị cho người dùng công cụ để nâng cao sức đề kháng, nhận biết được tin giả để không chia sẻ, phát tán nó. Cẩm nang cũng giúp nhận biết trong việc phát tán tin giả, đâu là hành vi cố tình, được tổ chức với dụng ý xấu, trục lợi từ việc đó”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Công cụ để toàn dân tham gia phòng, chống tin giả
Giới thiệu về Cẩm nang, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Lê Quang Tự Do cho hay, mục tiêu Bộ TT&TT hướng tới khi xây dựng ấn phẩm này là nâng cao nhận thức về trách nhiệm trên không gian mạng cho người dùng Internet ở Việt Nam.
Cẩm nang cũng cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật có xu hướng tăng trên không gian mạng hiện nay.
Cẩm nang được xây dựng căn cứ các quy định của pháp luật, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ TT&TT, các quy trình xử lý thông tin của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC); cũng dựa trên các vấn đề thực tế mà người sử dụng thường gặp khi tương tác trên môi trường mạng và tham khảo các tài liệu nghiên cứu, kinh nghiệm thực tế của một số nước và các nguyên tắc cộng đồng của các nền tảng xuyên biên giới lớn.
Về mặt hình thức trình bày, cẩm nang đáp ứng yêu cầu có tính ứng dụng cao, dễ dàng tiếp cận với người sử dụng. Còn về nội dung, Cẩm nang được trình bày thành 2 phần, trong đó phần đầu tóm tắt ngắn gọn, dễ hiểu, dễ sử dụng, là những kỹ năng cơ bản để người sử dụng có thể nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả khi gặp một tin giả, tin sai sự thật.
Phần tiếp theo đi vào những kiến thức cụ thể như khái niệm tin giả trên không gian mạng; Hướng dẫn nhận biết tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; tác động của tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; trách nhiệm của người dùng và nhà cung cấp dịch vụ khi hoạt động trên không gian mạng; quy trình rà quét, phát hiện và xử lý tin giả trên không gian mạng; các quy định xử phạt; những câu hỏi thường gặp.
Ngoài bản in, Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng còn có bản điện tử trên Cổng thông tin điện tử Cục PTTH&TTĐT tại địa chỉ abei.gov.vn
Bộ tài liệu “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” được phát hành theo sách in và sách điện tử do Nhà xuất bản TT&TT phát hành. Song song đó, cẩm nang cũng được phổ biến trên các mạng xã hội lớn qua hình thức các video clip ngắn, dễ hiểu.
Người dùng Internet hiện có thể truy cập vào cổng thông tin điện tử của Cục PTTH&TTĐT tại địa chỉ abei.gov.vn để xem, tải bản điện tử của Cẩm nang. Đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng cho biết, Cẩm nang sẽ liên tục được cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với sự thay đổi trong chính sách quản lý cũng như để ứng phó với những tình huống mới trên không gian mạng./.
Theo Đức Huy/Mic.gov.vn