Rò rỉ dự thảo hiệp ước hòa bình của Nga
Theo trang tin EurAsia Review ngày 5/11, Systema - đơn vị điều tra về Nga của Đài RFE/RL (được Quốc hội Mỹ tài trợ) tuyên bố đã có được bản dự thảo nói về đề xuất hiệp ước của Nga trong giai đoạn đầu cuộc xung đột với Ukraine.
Tài liệu này đã làm sáng tỏ các mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, những mục tiêu mà ông chưa bao giờ công khai từ bỏ và đã nhiều lần khẳng định sẽ đạt được.
Theo đó, trong giai đoạn đầu các cuộc đàm phán hòa bình, diễn ra vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2/2022, Moscow đã đề xuất một hiệp ước với các điều kiện một chiều.
Những điều kiện này gần như buộc Ukraine trở thành một quốc gia trung lập với quân đội nhỏ và yếu, không có sự bảo vệ từ các quốc gia NATO và không có cơ hội giành lại quyền kiểm soát Crimea hoặc Donbass.
Nói cách khác, Kiev sẽ phải công nhận sự độc lập hoàn toàn của các khu vực Donetsk và Luhansk, bao gồm cả những địa bàn lớn vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev vào thời điểm đó.
Systema cho hay, bản dự thảo có tiêu đề "Hiệp ước về giải quyết tình hình tại Ukraine và Trung lập hóa Ukraine" được đề ngày 07/3/2022, tức là 11 ngày sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" và 1 tuần sau khi các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga bắt đầu.
Bản dự thảo được soạn thảo tại Moscow và trao cho phái đoàn Ukraine vào ngày hôm đó, tại vòng đàm phán thứ ba, ở một thị trấn trong rừng Belavezha ở Belarus. Đây là tài liệu đầu tiên được biết đến nêu rõ các điều kiện của Nga cho một thỏa thuận hòa bình sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự toàn diện.
Systema cho biết, họ có được bản thảo từ "một nguồn Ukraine quen thuộc với các cuộc đàm phán, và một nguồn Nga gần gũi với các cuộc đàm phán xác nhận tính xác thực của nó". Cả hai nguồn đều phát biểu với điều kiện giấu tên vì không được phép thảo luận công khai về vấn đề này.
Các cuộc đàm phán bắt đầu từ ngày 28/02/2022, vào thời điểm các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở phía nam, phía đông và phía bắc của Ukraine, tiến gần đến thủ đô Kiev sau khi tràn qua biên giới từ Nga và Belarus. Một số phiên họp được tổ chức trực tiếp, trong khi các phiên khác diễn ra trực tuyến.
Quá trình này bị đình trệ vào cuối tháng 4 cùng năm, khi các bên tranh cãi về các điểm bất đồng lớn.
Các điều kiện trung lập
Theo Systema, đề xuất của Nga đặt ra các điều kiện về trung lập cho Ukraine, một trạng thái mà Kiev dường như sẵn sàng chấp nhận vào thời điểm đó.
Bản dự thảo yêu cầu Ukraine thu hẹp quân đội xuống không quá 50.000 quân, ít hơn khoảng 5 lần so với quy mô vào năm 2022, và sẽ cấm Ukraine phát triển hoặc triển khai tên lửa có tầm bắn trên 250 km. Moscow cũng sẽ có quyền cấm các loại vũ khí khác của Kiev trong tương lai.
Dự thảo cũng yêu cầu dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt mà Ukraine hoặc phương Tây đã áp đặt lên Nga kể từ năm 2014, khi Nga giành quyền kiểm soát Crimea và cuộc xung đột ở Donbass diễn ra.
Ngoài ra, Ukraine phải công nhận Crimea thuộc về Nga và các khu vực Donetsk, Luhansk là độc lập. Kiev đồng thời phải chi trả kinh phí cho việc tái thiết ở Donbass.
Lập trường cứng rắn
Theo ông Eric Ciaramella - chuyên gia cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace (trụ sở ở Washington D.C), với dự thảo hiệp ước mà Nga đưa ra, lực lượng Nga sẽ vẫn ở lại trên lãnh thổ Ukraine, và không có cách nào để Kiev tự bảo vệ hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ an ninh từ phương Tây.
Trước đó, vào đầu năm nay, tờ New York Times (Mỹ) đã công bố tài liệu mà họ có được trong giai đoạn sau của các cuộc đàm phán Nga-Ukraine, bao gồm các bản dự thảo hiệp ước ngày 17/3 và 15/4.
Những bản dự thảo này cho thấy các bên đã đạt được tiến triển ở một số vấn đề khi các cuộc đàm phán tiếp diễn - và khi Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga ở phía bắc.
Ví dụ, tình trạng của Crimea sẽ được đưa vào các cuộc đàm phán trong tương lai, và các yêu cầu của Nga về thay đổi luật liên quan đến ngôn ngữ, cũng như các tranh chấp lịch sử gay gắt đã dần trở nên mờ nhạt.
Quan trọng hơn, các bên đang thảo luận về việc đảm bảo an ninh cho Ukraine, trong đó có đề cập tới vai trò của các quốc gia phương Tây, mặc dù cách thức mà họ tham gia vào vẫn là một vấn đề gây tranh cãi lớn.
Tuy nhiên, ông Ciaramella cho biết, những điều khoản cơ bản trong bản dự thảo mà Systema có được và các bản dự thảo mà NYT công bố "ít có sự thay đổi".
Các bản thảo sau đó vẫn bao gồm một số yêu cầu chính của Nga, chẳng hạn như cấm vĩnh viễn Ukraine gia nhập NATO, điều mà cả Kiev và liên minh phương Tây đều không sẵn sàng chấp nhận.
NATO đã nhiều lần tuyên bố rằng Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên của khối, và Tổng thống Volodymyr Zelensky đang thúc đẩy để có được một lời mời nhanh chóng theo đúng "Kế hoạch chiến thắng" mà ông đã trình bày trước người dân Ukraine và các quốc gia ủng hộ Kiev trong những tuần gần đây.
Đáng lưu ý, ở ít nhất một khía cạnh, các điều kiện hòa bình do Nga đưa ra còn trở nên cứng rắn hơn so với thời điểm ngày 7/3/2022.
Tháng 9/2022, ông Putin tuyên bố 5 vùng lãnh thổ, bao gồm Crimea, Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhya và Kherson "đã trở thành những phần không thể trách rời của Nga".
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, việc Nga kiểm soát cách lãnh thổ này là "điều kiện tiên quyết" cho bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào.
Lưu Bình