Al Jazeera đã phát hành một video, ghi lại cảnh các hệ thống phòng không của Iran phản ứng với cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel hôm 26/10. Đoạn phim cho thấy những tia chớp trên bầu trời đêm của Tehran, với một số tên lửa dường như phát nổ giữa không trung. Các chuyên gia cho biết, những tia chớp như vậy là những lần đánh chặn thành công. Loại cảnh quay này trước đây đã được nhìn thấy trên Tel Aviv, nơi Iron Dome của Israel đã đánh chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Hệ thống S-300PMU-2
Mặc dù Iran vận hành một loạt các hệ thống phòng thủ tầm xa được phát triển trong nước, nhưng hệ thống S-300PMU-2 từ thời Liên Xô được Nga chuyển giao vào năm 2016, đã thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Hệ thống này bao gồm 16 bệ phóng di động, radar thu thập mục tiêu 96L6E, radar theo dõi mục tiêu 30N6E2, radar quản lý chiến đấu 64N6E2 và một số thành phần hỗ trợ.
S-300PMU-2 đi vào hoạt động từ năm 2004, ban đầu được sản xuất để xuất khẩu sang Trung Quốc. Kể từ đó, nó đã được xuất khẩu sang các quốc gia khác. Hệ thống này cung cấp khả năng phòng không nhiều lớp trước nhiều loại tên lửa khác nhau.
Trong cuộc tấn công gần đây của Israel, một địa điểm gây chú ý là căn cứ không quân gần Tehran, nơi chứa các đơn vị S-300 và tên lửa đạn đạo do Nga sản xuất. Một câu hỏi quan trọng được đưa ra là, liệu các đơn vị S-300PMU-2 của Iran có được trang bị tên lửa đất đối không 48N6DM tiên tiến hay không, loại tên lửa chính được trang bị cho các hệ thống S-400 của Nga.
Tên lửa 48N6DM được đánh giá cao vì khả năng chống tên lửa tiên tiến, nhờ các cảm biến vượt trội và tốc độ vượt Mach 14, nó có thể đánh chặn được cả các mục tiêu siêu thanh đạt tốc độ trên Mach 8. Trung Quốc đã từng thử nghiệm thành công loại tên lửa này đối với các mục tiêu di chuyển nhanh hơn Mach 8 ở tầm bắn 250 km, với khả năng này thì ít tên lửa phóng từ trên không nào của Israel và cả trên thế giới có thể vượt qua.
Vào năm 2020, một số báo cáo cho biết Iran đã mua tên lửa mới cho các đơn vị S-300 của mình, được cho là 48N6DM, mặc dù điều này vẫn chưa được xác nhận. Trong khi đó, sự quan tâm của Iran trong việc mua S-400 cũng đã giảm từ sau năm 2020, các chuyên gia suy đoán rằng S-300 của Iran có thể đã được nâng cấp bằng tên lửa mới hơn.
Nếu không có tên lửa 48N6DM, tùy chọn tầm xa tiêu chuẩn của S-300PMU-2 là 48N6E2, có tầm bắn 200 km nhưng thường không thể đánh chặn tên lửa bay nhanh hơn Mach 5. Tuy nhiên, khả năng này đủ để chống lại tên lửa không đối đất của Israel, vì tên lửa nhanh nhất trong kho vũ khí của Israel bay với tốc độ chỉ hơn Mach 3 một chút.
Một lợi thế khác của S-300PMU-2 nằm ở khả năng kết nối mạng với các tài sản phòng không khác, bao gồm các hệ thống tầm ngắn và tầm trung bổ sung như Tor-M1 của Nga và hệ thống Khordad 3rd do Iran sản xuất. Các hệ thống này có thể chia sẻ dữ liệu cảm biến và hỗ trợ nhau trong quá trình phòng thủ.
S-300PMU-2 cũng có thể kết nối với radar tầm xa Rezonans-NE do Nga cung cấp, được tối ưu hóa để cảnh báo phòng không về máy bay tàng hình và tên lửa hành trình tầm thấp từ khoảng cách xa, cho phép các đơn vị S-300 tập trung cảm biến chính xác vào nơi có thể phát sinh các cuộc tấn công.
Chiến lược của Iran
Các đơn vị S-300PMU-2 mà Iran mua từ Nga ban đầu dự định xuất khẩu sang Syria, tuy nhiên dưới áp lực của phương Tây, Nga đã hủy bỏ thỏa thuận, từ chối cung cấp cho Damascus các hệ thống phòng không tầm xa này. Iran cũng đã chứng kiến Nga rút khỏi một số thỏa thuận vũ khí, bao gồm thỏa thuận sản xuất xe tăng T-72 được cấp phép vào những năm 1990. Điều này đã khiến Iran phải tập trung vào việc phát triển hệ thống phòng không bản địa.
Thay vì theo đuổi việc mua các hệ thống phòng không của Nga, Iran đã đầu tư vào các hệ thống phòng không nội địa. Đáng chú ý nhất trong số này là Bavar-373, đã liên tục tiến bộ kể từ khi được triển khai vào giữa những năm 2010. Vào tháng 4/2024, Iran báo cáo rằng một biến thể mới của tên lửa Sayyad-4B đã giúp mở rộng phạm vi tấn công của Bavar-373 lên 300 km.
Các nhà phân tích tin rằng, sự phát triển của Bavar-373 được hưởng lợi từ công nghệ S-300 và chia sẻ công nghệ với các đồng minh như Trung Quốc và Triều Tiên. Cả hai quốc gia đều đã phát triển các hệ thống phòng không tiên tiến, có thể cạnh tranh với S-400 của Nga ở một số khía cạnh hiệu suất.
Do công nghệ S-300PMU-2 đã có từ hơn hai thập kỷ trước, nên rất có khả năng các hệ thống mới hơn của Iran như Bavar-373 hiện đã vượt trội hơn hệ thống của Nga, đặc biệt là khi công nghệ tên lửa của Iran liên tục được cải tiến.
Quang Hưng