Samsung vừa công bố Galaxy Quantum5, một mẫu smartphone được phát triển cùng với nhà mạng SK Telecom. Ngoài ra, Samsung cũng hợp tác với ID Quantique (IDQ), công ty cung cấp chip mã hóa lượng tử, nhằm cung cấp khả năng bảo mật mạnh mẽ cho Quantum5.
Điểm đặc biệt của Galaxy Quantum5 là chip tạo số ngẫu nhiên lượng tử (QRNG), sử dụng vật lý lượng tử để tạo ra các số thực sự ngẫu nhiên, được sử dụng trong quá trình mã hóa và giải mã dữ liệu nhạy cảm như sinh trắc học và mật khẩu. Việc sử dụng các số thực sự ngẫu nhiên từ một chip độc lập giúp hạn chế khả năng bị ảnh hưởng và thao túng từ bên ngoài, điều mà các phương pháp tạo số ngẫu nhiên truyền thống dễ gặp phải.
Ngoài chip lượng tử QRNG bổ sung, Galaxy Quantum5 về cơ bản là một chiếc Galaxy A55 thông thường. Một số điểm nổi bật về thông số kỹ thuật bao gồm khung viền nhôm và thân máy mặt trước và mặt sau bằng kính cao cấp với khả năng chống nước và bụi IP67, màn hình của máy là Super AMOLED 6,6 inch, tần số quét 120Hz, loa âm thanh nổi, camera chính 50MP, camera siêu rộng 12MP và camera macro 5MP ở mặt sau. Máy được trang bị chip Exynos 1480, RAM 8GB và bộ nhớ trong 128GB có thể mở rộng. Pin 5.000 mAh đảm bảo thời lượng sử dụng với hỗ trợ sạc nhanh 25W.
Samsung Galaxy Quantum5 có ba tùy chọn màu sắc: Xanh, Tím, và Xanh nước biển. Giá bán lẻ là 618.200 KRW, tương đương 11,5 triệu đồng. Sản phẩm được bán độc quyền bởi nhà mạng SK Telecom tại Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, Galaxy A55 5G hiện đang được bán với mức giá 9,99 triệu đồng. Trong một số đợt sale lớn trên các sàn thương mại điện tử như Shopee và Lazada, mức giá của máy có thể giảm còn hơn 8 triệu đồng.
Vào năm 2020, thương hiệu Vsmart cũng từng giới thiệu một chiếc smartphone có chip bảo mật lượng tử mang tên Aris. Dòng sản phẩm này tích hợp chip bảo mật lượng tử Quantis QRNG IDQ250C2 dành riêng cho smartphone, với ưu điểm là kích thước nhỏ, tốn ít năng lượng. Giống với Samsung, đây cũng là sự hợp tác của Vsmart với công ty ID Quantique của Thụy Sĩ, giúp tăng cường bảo mật dữ liệu cá nhân của người dùng. Chip QRNG tạo ra các chuỗi ngẫu nhiên thực sự, không thể giải mã ngược, nhờ vào công nghệ tính toán lượng tử vượt trội, đảm bảo khả năng bảo mật cao hơn so với các chip truyền thống.
Đáng tiếc, ở thời điểm hiện tại, thương hiệu Vsmart của người dùng Việt đã không còn trên thị trường.