Mùa Đông năm Kiến An thứ 13 (năm 208), một trận đại chiến uy chấn thiên hạ thời Tam Quốc nổ ra: Đại chiến Xích Bích, giữa một bên là liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị và một bên là vạn binh của Tào Tháo.
Sử liệu và các nhà sử gia hiện đại nói không ít về trận chiến nổi tiếng nhất trong “ba trận đánh lớn” thời Tam Quốc này khi liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị giành chiến thắng một cách ngoạn mục.
Không chỉ giúp hình thành thế chân vạc, tạo bàn đạp cho việc hình thành tam quốc về sau: Tào Ngụy - Đông Ngô - Thục Hán, đại chiến Xích Bích còn làm nổi bật tài thần cơ diệu toán của Khổng Minh Gia Cát Lượng; chứng minh rằng kẻ yếu vẫn có thể đánh bại kẻ mạnh, số ít vẫn có thể thắng số nhiều áp đảo (50.000 liên quân của Tôn-Lưu đối đầu hơn 200.000 quân Tào).
Ngọn gió Đông Nam định mệnh mùa Đông năm ấy đã thổi bùng lên biển lửa dữ dội, thiêu rụi toàn bộ chiến thuyền của Tào Tháo bên bờ sông Dương Tử, đốt cháy cả giấc mộng thống nhất thiên hạ của Tào trong thời gian ngắn, khiến ông phải trở lại phương Bắc "án binh bất động" suốt 2 năm rồi mới thúc ngựa đánh Mã Siêu và Nam chinh đánh Tôn Quyền về sau.
Trong đại chiến Xích Bích, tổn thất của Tào Tháo thấy rất rõ; tài năng của Gia Cát Lượng cũng sáng tỏ với người đời; nhưng sau đại chiến Xích Bích kết thúc nổi lên một chiến tướng uy dũng đến mức được thiên hạ tôn tụng là cao thủ số một trong Tam Quốc. Chiến tướng đó là ai?
Đó chính là "Hổ uy tướng quân" Tử Long Triệu Vân.
Trang thông tin Sohu (của Trung Quốc) đã lấy trận Xích Bích làm cột mốc để phân tích võ nghệ "hữu dũng" của Triệu Vân, để chứng minh cho nhận định: Triệu Vân là cao thủ số 1 Tam Quốc sau năm 208 - thời điểm Xích Bích nổ ra. Từ đó về sau, Tử Long ngày càng chứng minh cho thiên hạ thấy những chiến tích hơn người của mình.
Trước khi đại chiến Xích Bích nổ ra, nhiều người còn nghi ngờ tài năng võ thuật của Triệu Vân. Đơn cử, trong trận đánh năm 200 được Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả, Triệu Vân giao đấu 60 hiệp với tướng Văn Xú của Viên Thiệu nhưng bất phân thắng bại. Về sau, Văn Xú đụng độ Quan Vũ, hai bên mới giao đấu 3 hiệp thì Văn Xú quay ngựa bỏ chạy liền bị Quan Vũ truy sát tận cùng, vung một đao đã giết chết được tướng tài của Văn Thiệu.
Trong trận Trường Bản diễn ra vào tháng 10 năm 208 giữa Lưu Bị và Tào Tháo, mặc dù Triệu Vân vang danh thiên hạ khi đơn thương độc mã xông thẳng vào quân Tào cứu ấu chúa (Lưu Thiện - con trai Lưu Bị) và gia quyến Lưu Bị, thì người đời vẫn chỉ ca ngợi sự dũng cảm, lòng trung thành hơn người của Triệu Vân mà không nhắc đến võ công cái thế của Tử Long.
Bản lĩnh tuyệt vời của Triệu Vân khiến Tào Tháo cũng phải khâm phục mà gọi là “hổ tướng”. Tuy nhiên, việc Tào Tháo đánh giá Triệu Vân là “hổ tướng” so với việc Tào Tháo đánh giá Quan Vũ là “thánh”, hiển nhiên Triệu Vân có chút thua kém.
Tất cả sự nghi ngờ về võ nghệ của Triệu Vân đã hoàn toàn biến mất sau năm 208. Một Triệu Vân uy dũng, can trường, bất khả chiến bại đã được thể hiện tròn vẹn nhất trong rất nhiều trận đánh uy chấn thiên hạ sau này.
Sức mạnh của Triệu Vân áp đảo ra sao?
1/ Áp đảo Trương Phi
Trương Phi là cao thủ duy nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa đơn đả độc đấu Lữ Bố trong 100 hiệp bất phân thắng bại nên phần nhiều thiên hạ cho rằng Trương Phi là chiến tướng có thể thay thế vị trí "Chiến thần mạnh nhất Tam Quốc" của Lữ Bố sau khi Lữ Bố chết tại thành Hạ Bì năm 199 dưới tay Tào Tháo.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã khác kể từ sau năm 208.
Sau trận Xích Bích, Lưu Bị chiếm được Kinh Châu. Khi ấy, Gia Cát Lượng bày kế cho Lưu Bị đánh chiếm Linh Lăng (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay). Lưu Bị liền phái Trương Phi, Triệu Vân lên đường.
Trong chiến dịch Linh Lăng, Trương Phi và Triệu Vân liên thủ đánh tướng Hình Đạo Vinh - tướng dưới trướng của Lưu Hiền vốn là con trai của thái thú Linh Lăng, là Lưu Độ.
Hình Đạo Vinh - nổi tiếng với sức địch muôn người - khi hay tin các tướng của Lưu Bị mang binh mã đến xâm chiếm thì dẫn hơn vạn quân ra nghênh chiến. Hình Đạo Vinh ngạo mạn vác búa xông vào đối phương thì gặp Trương Phi.
Hai bên đánh được 3 hiệp thì Hình Đạo Vinh quay đầu bỏ chạy. Đêm đó, khi Hình Đạo Vinh âm mưu cướp trại của Khổng Minh thì bị Triệu Vân lao ra ứng chiến. Chỉ trong chưa đầy 1 hiệp, Triệu Vân phóng lao giết chết Hình Đạo Vinh.
Chiến tích này cho thấy võ công và khả năng tốc chiến trong đêm của Triệu Vân nhỉnh hơn Trương Phi khi cả hai đối đầu cùng một đối thủ.
Năm 212-214, Lưu Bị mở chiến dịch Tây Xuyên, chiếm đánh Ích Châu do Lưu Chương cai quản - cứ điểm quan trọng dựng nên cơ đồ nhà Thục Hán sau này.
Khi ấy, Bàng Thống chủ quan khinh địch nên rơi vào ổ phục kích của Trương Nhiệm - tướng dưới trướng của Lưu Chương - cuối cùng trúng tên mà chết.
Gia Cát Lượng thấy vậy, huy động Trương Phi, Triệu Vân tiến đánh Ích Châu, trả thù cho Bàng Thống. Trương Phi hung hãn tiến đánh Trương Nhiệm nhưng bị tướng của Lưu Chương bao vây và không thể đột phá. Triệu Vân thấy vậy thúc ngựa ứng cứu. Kết quả, Triệu Vân nhanh chóng bắt sống Trương Nhiệm. Vì Trương Nhiệm không chịu khuất phục nên Lưu Bị sai quân chém đầu. Cuối cùng, Lưu Bị chiếm được Tây Xuyên. Chiến dịch đại thắng.
Hai chiến tích nổi trội này của Triệu Vân phần nào cho thấy sự dũng mãnh, võ nghệ cao cường, tốc chiến tốc thắng của Triệu Vân áp đảo Trương Phi cỡ nào.
2/ Khiến tướng của Tào Tháo chưa đánh đã sợ
Quay lại trận Trường Bản năm 208, Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả rằng, khi Tào Tháo chứng kiến tài năng võ nghệ của Triệu Vân khi đơn thương độc mã lao vào vạn binh Tào mà cứu Lưu Thiện thì vô cùng ngưỡng mộ, bèn hạ lệnh cho các tướng Tào Ngụy bắt sống Triệu Vân.
Nhưng cả các tướng lĩnh cấp cao như Trương Liêu, Hứa Chử hay Văn Sính cũng không chủ động nhận lệnh, phần lớn do tự biết mình không thể địch nổi sức mạnh của Triệu Vân nhà Thục Hán.
Sau khi Lưu Bị chiếm được Tây Xuyên, Tào Tháo lập tức tìm đối sách nhằm chiếm quyền kiểm soát Đông Xuyên. Hai thế lực Tào Tháo và Lưu Bị vì thế mà nổ ra trận Hán Trung từ năm 217 đến năm 219. Các tướng/quân sư tham chiến cùng Lưu Bị khi ấy có Gia Cát Lượng, Triệu Vân, Trương Phi, Hoàng Trung, Mã Siêu.
Sau khi Hoàng Trung thua liên tiếp Trương Cáp, Lưu Bị buộc phải điều động Triệu Vân đến chi viện. Nghe danh Triệu Vân, tướng lĩnh và binh lính Tào Tháo chưa đánh đã run sợ. Kết quả, Triệu Vân chiếm được ải Dương Bình của quân Tào Tháo.
Năm 219, Lưu Bị phái Hoàng Trung dẫn theo cánh quân cướp lương thảo của Tào Tháo. Hoàng Trung và Triệu Vân liên thủ cướp lương. Theo kế hoạch, Hoàng Trung đánh trước rồi mới nhờ Triệu Vân chi viện. Đợi mãi không thấy Hoàng Trung về, Triệu Vân cho người thám thính thì biết Hoàng Trung bị quân Tào bao vây.
Nhận thấy Hoàng Trung đang gặp nguy hiểm, Triệu Vân xông thẳng ra chiến trường khi chưa kịp huy động quân, đánh quân Tào mạnh đến mức ngay cả các tướng cấp cao của Tào hợp sức cũng không địch nổi. Quân Tào từng nghe danh Triệu Vân, nay tận mắt chứng kiến sự dũng mãnh không gì cản nổi của chiến tướng này liền khiếp sợ không dám lại gần.
Các trận chiến mà quân Tào Tháo đối đầu Triệu Vân đều cho thấy uy danh của Triệu Vân vang chấn thiên hạ đến mức khiến hàng nghìn bính lính và tướng lĩnh cấp cao của Tào chưa đánh đã lui, chỉ sợ hãi bỏ chạy hòng bảo toàn tính mạng. Điều này còn cho thấy Triệu Vân mạnh hơn Hoàng Trung rất nhiều.
Mã Siêu - về sau quy hàng Lưu Bị - cũng thuộc Ngũ hổ tướng Thục Hán mà có đôi phần e ngại sức mạnh của Triệu Vân. Cách đánh tốc chiến tốc thắng, tả xung hữu đột của Triệu Vana khiến một người dày dặn kinh nghiệm chiến trường như Mã Siêu cũng phải kiêng dè.
Gặp gỡ rồi theo phò tá Lưu Bị, Triệu Vân chưa từng để mình bị thương hay thất bại. Chiến tướng dũng mãnh nhà Thục Hán tận trung, tận nghĩa đến độ khiến Lưu Bị cũng phải động lòng. Cả đời Triệu Vân chưa từng giữ chức vụ cao nhưng Lưu Bị phải tin tưởng lắm mới để Hổ tướng này bên cạnh làm tướng hộ vệ.
Dù là chính sử hay tiểu thuyết dã sử, Triệu Vân vẫn nổi tiếng là chiến tướng tài năng và tận trung bậc nhất lịch sử Trung Hoa. Đó là lý do, Triệu Vân (cùng với Quan Vũ) là hai võ tướng duy nhất thời Tam Quốc được thờ cúng tại Lịch đại Đế Vương miếu.
Tham khảo: Baidu, Sohu, 163, Tam Quốc Diễn Nghĩa
Trang Ly