Clip: Di Anh
Hôm nay (ngày 2/1) - ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Tết dương lịch 2025 và cũng là ngày thứ 2 Nghị định 168/2024 của Chính phủ quy định "xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe" có hiệu lực, các phương tiện di chuyển trên đường cũng như tại những nút giao đã có trật tự và nề nếp hơn.
Các phương tiện di chuyển chậm khi đèn tín hiệu chuyển sang vàng. Tuy nhiên, vẫn còn một vài trường hợp chưa chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, điều khiển xe máy đi ngược chiều hay thậm chí dắt bộ khi thấy có phóng viên tác nghiệp. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng - thay vì 1- 2 triệu đồng như trước đây và trừ điểm giấy phép lái xe.
“Khách hối quá nên em mới đi như vậy đó. Từ nay em cũng phải cẩn thận thôi ạ.” - một shipper (người vận chuyển hàng) chia sẻ khi bị xử phạt do vi phạm quy định an toàn giao thông.
Với mức xử phạt trên, nhiều tài xế xe công nghệ, shipper - những người do tính chất công việc thường xuyên phải di chuyển ngoài đường cũng rất “rén” và cẩn trọng hơn trong việc chấp hành các quy định của luật an toàn giao thông.
Chị Tâm Nguyễn (Quận 3, TP.HCM) - một shipper cho hay, bản thân đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt kể từ thời điểm quy định được ban hành:
“Không chen với vượt như hồi trước, đỡ hơn nhiều đó. Tóm lại sáng giờ mình chạy vòng vòng thấy ít lắm. Lâu lâu mới có người vượt thôi. Cũng rén á, nó khá lớn so với lương nên cũng có ít người dám vượt. Đôi khi mình gấp đơn cũng chạy chen, hoặc những giây cuối, đèn vàng thì mình qua luôn nhưng giờ phải dừng thôi à.”
Cùng quan điểm với chị Tâm Nguyễn, anh Lê Tú (TP.HCM) cũng cho biết, số tiền phạt khá cao so với tiền lương của một shipper nên nhiều người cũng cố gắng chấp hành theo đúng quy định.
“Số tiền phạt khá cao với lương một shipper nên cố tránh vượt đèn đỏ thôi. Mình cứ chấp hành theo đúng quy định của nhà nước thì đâu có bị phạt nhiều như vậy. Trước đây mình cũng từng bị xử phạt lỗi vượt đèn đỏ. Khi ấy tối về khuya rồi nên vượt, còn có 3 - 4 giây nên mình bị xử phạt 900.000 đồng và giữ bằng lái 2 tháng. Sau đó thì mình cũng rút kinh nghiệm không chạy nhanh nữa, dừng đúng đèn đỏ.” - Anh Tú cũng chia sẻ trải nghiệm trước đó của bản thân và rút ra kinh nghiệm cho mình trong quá trình làm việc. Dù là ban ngày hay đêm, vẫn cần đảm bảo các quy định của pháp luật để bảo vệ cho chính mình và những người xung quanh.
Đồng tình với việc nâng cao mức xử phạt với các vi phạm nghiêm trọng trong tham gia giao thông, cô Ngọc (quận 1, TP.HCM) cho biết, bản thân cũng cảm thấy an toàn hơn khi di chuyển trên đường.
“Trước đây đủ thứ nguy hiểm, người trẻ thì đỡ được chứ lớn tuổi như cô làm sao đỡ nổi mấy cái người đi chặn đầu, vượt đèn đỏ bất ngờ đó.”
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Nghị định mới quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đã xử lý nghiêm khắc những hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, thể hiện ý thức coi thường pháp luật khi tham gia giao thông với việc nâng mức phạt tiền rất cao, thậm chí tịch thu phương tiện đối với một số hành vi như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy xe lạng lách, đánh võng.
Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mức phạt tiền được nâng từ 4 triệu - 6 triệu đồng lên 18 triệu - 20 triệu đồng, vi phạm nồng độ cồn ở mức từ 0,25mg - 0,4mg/l khí thở hoặc từ 50mg - 80mg/100ml máu sẽ được tăng mức xử phạt thêm 2 triệu đồng (từ 16 - 18 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng).
Một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành.
Các quy định về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... cũng được cụ thể hóa với mức phạt tăng mạnh 2 - 3 lần so với hiện hành.
Mức phạt đối với hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông tăng vọt từ 400 - 600.000 đồng lên 20 - 22 triệu đồng.
Đặc biệt, mức phạt cao nhất với các hành vi vi phạm an toàn giao thông có thể lên tới 70 triệu đồng. Cụ thể, người điều khiển ô tô lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau, dùng chân điều khiển vô lăng khi xe đang chạy trên đường bộ sẽ bị phạt 40 - 50 triệu đồng (mức cũ 10 - 12 triệu đồng). Nếu hành vi này dẫn đến tai nạn giao thông, tài xế sẽ bị phạt 50 - 70 triệu đồng.
Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông mức xử phạt cũng nâng cao hơn so với hiện hành như không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng (hiện là 800.000 đồng - 1 triệu đồng); điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, mức phạt 6 - 8 triệu đồng thay vì 4 - 5 triệu đồng như hiện nay.
Hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h cũng bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng thay vì mức cũ là 4 - 5 triệu đồng. Đi ngược chiều của đường một chiều hiện có mức phạt 1 - 2 triệu đồng, theo Nghị định 168 sẽ nâng lên thành 4 - 6 triệu đồng…
Phạm Trang - Ảnh, Clip: Di Anh