HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HOSE: EIB) tái bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc làm Tổng giám đốc của Eximbank thêm nhiệm kỳ 3 năm kể từ ngày 8/9.
Theo công bố thông tin bất thường của Eximbank gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ngày 6/9/2022, Eximbank công bố ngày 5/9/2022, HĐQT đã có Quyết định bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc, sinh năm 1969, giữ chức danh Tổng Giám đốc Eximbank. Thời hạn bổ nhiệm là 3 năm.
Trước đó, ngày 8/9/2021, Hội đồng Quản trị Eximbank đã bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ chức vụ Tổng Giám đốc của ngân hàng sau hơn 2 năm bỏ trống.
Ông Lộc là tiến sĩ kinh tế, đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại Eximbank. Trước khi được bổ nhiệm vị trí người đứng đầu trong ban điều hành, ông Lộc đã giữ các vị trí như Phó phòng, Trưởng phòng, trợ lý Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc thường trực, Quyền Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc.
Như vậy, sau một thời gian dài các vị trí Lãnh đạo cấp cao thường thay đổi, xáo trộn theo các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và ĐHĐCĐ bất thường liên tục bất thành, vị trí Tổng Giám đốc điều hành ở Eximbank có thêm một nhiệm kỳ ổn định, đầy kỳ vọng, gắn cùng dấu ấn của đợt "thay máu" khi cuộc đua quyền sở hữu lợi ích chi phối tại các nhóm cổ đông được xem là ngã ngũ. Eximbank theo đó, dưới "thời" ông Trần Tấn Lộc, cũng đang ghi nhận có những chuyển biến kinh doanh tích cực.
Trong 1 năm qua, hoạt động kinh doanh của Eximbank đã có những chuyển biến tích cực. Báo cáo tài chính quý II/2022 cho thấy Eximbank thu về lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong quý I/2022, ngân hàng ngày cũng ghi nhận tăng trưởng đột biến với lợi nhuận 809 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ và cao hơn 60% so với lợi nhuận cả năm trước của ngân hàng. Với mức lợi nhuận này, Eximbank đã thực hiện được 76% kế hoạch năm (2.500 tỷ đồng).
Năm 2022, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, tăng đến 107,5% so với năm trước. Tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng gần 8%, dư nợ tín dụng bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tăng 10% đạt 127.149 tỷ đồng.
Huy động vốn tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 7,4%. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1,7%.
Bảo Khánh (T/h)