Các thương hiệu Nhật Bản chiếm tới 90% thị trường ô tô trong nước tại “quê nhà”, khiến cho những nhà sản xuất ô tô mang thương hiệu Mỹ lâm vào khó khăn. Một trong những yếu tố mang tính quyết định sống còn chính là mối quan hệ đặc biệt giữa khách hàng và đại lý.
Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo từ trang tin ô tô Carscoops cho biết, một đại lý từ một thương hiệu Nhật Bản sẽ xây dựng mối quan hệ với khách hàng của họ bằng cách đưa xe demo đến nhà của khách hàng, cung cấp dịch vụ rửa xe rửa miễn phí, xử lý các chính sách bảo hiểm và thường xuyên “tương tác” với các khách hàng của mình.
Sự hiếu khách này đã giúp các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản luôn chiếm vị trí số 1 ở thị trường nội địa, đồng thời ngăn cản các đại lý Mỹ phát triển tại đây khi không có được loại dịch vụ độc đáo này.
Ở thị trường Hoa Kỳ, thương hiệu nội địa vẫn chiếm vị trí thống trị nhưng với thị phần nhỏ hơn, các thương hiệu như: Big Three -GM, Ford, FCA chiếm đến 45% thị phần và các thương hiệu Nhật Bản chỉ chiếm 39%.
Trên thực tế, Ford đã rút khỏi Nhật Bản, nơi mà hãng đã bán được 5.000 chiếc/năm trong khi GM có 28 đại lý trong nước và chỉ bán được 1.000 chiếc vào năm 2016.
Trong một bảng số liệu trên trang ô tô Autocar cho thấy rằng, hiện xe xuất khẩu từ EU sang Nhật tăng 5% trong giai đoạn 2013 – 2016 (251.115 xe), trái với mức giảm 15% từ Mỹ (19.933 xe). Các thương hiệu như Mercedes và BMW đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng trưởng lần lượt là 60% và 23% trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2016.
Mới đây, hãng xe Đức BMW cũng ra quyết định chi 675 triệu USD để đầu tư lại hệ thống các đại lý tại Nhật Bản, một thị trường “khó chiều nhưng cũng đầy tiềm năng” này. Theo chia sẻ của ông Peter Kronschnabl, CEO của tập đoàn BMW Nhật Bản: “Tại Nhật Bản, sự chu đáo, tận tâm và thân thiện là yếu tố quyết định thành công”.
Nguồn: Carscoops
Phúc Đạt