Sẽ có cabin điện tử cho các cơ sở đào tạo lái xe tháng 11
Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất cabin học lái xe ô tô đang thực hiện trình tự, thủ tục công bố hợp quy, dự kiến sẽ có sản phẩm cung cấp cho các cơ sở đào tạo lái xe ngay trong tháng 11 này.
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông vận tải triển khai hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư lựa chọn doanh nghiệp cung cấp thiết bị để có thể trang bị cabin học lái xe ô tô ngay khi sản phẩm được doanh nghiệp công bố hợp quy và được đăng tải trên trang thông tin của Cục Đường bộ Việt Nam (https://drvn.gov.vn/).
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo lập kế hoạch đào tạo, bố trí học viên tham gia học thực hành lái xe trên cabin học lái xe ô tô ngay khi được đầu tư, để kịp thời đáp ứng nhu cầu học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của người dân.
Tài xế xe khách bị phạt 17 triệu đồng vì vi phạm nồng độ cồn cao
Vào khoảng 13h52, tại Km1912 đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn 8, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp, tổ công tác thuộc Đội CSGT Đường bộ số 2 (Công an tỉnh Đắk Nông) đang thực hiện kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự ATGT dịp Tết dương lịch và tết Nguyên đán 2023 đã dừng, kiểm tra phương tiện xe khách mang BKS: 74F-000.34 do tài xế Lê Khắc Hùng (SN 1983, trú xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) điều khiển chở theo hơn 20 hành khách.
Qua kiểm tra, công an phát hiện tài xế Hùng vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,268 miligam/1 lít khí thở.
Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm nồng độ cồn đối với tài xế và ra quyết định tạm giữ phương tiện để xử lý theo quy định. Đồng thời liên hệ với các nhà xe khác để di chuyển khách tiếp tục hành trình. tài xế Lê Khắc Hùng bị phạt 17 triệu đồng và bị tước GPLX 17 tháng./.
Hà Nội sẽ làm nút giao giữa vành đai 3,5 và đại lộ Thăng Long
UBND Hà Nội vừa phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng nút giao khác mức giữa vành đai 3,5 và đại lộ Thăng Long. Tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện 4 năm.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư. Mục tiêu của Hà Nội là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch; kết nối và khai thác hợp lý với kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu ùn tắc giao thông, góp phần đẩy nhanh tốc độ hình thành các khu đô thị trong khu vực...
Quy mô dự án xây dựng nút giao gồm các nhánh kết hợp hầm trực thông. Trong đó, hầm chui trực thông theo hướng Lê Trọng Tấn đi quốc lộ 32, tim tuyến trùng với đường Lê Trọng Tấn, bố trí 4 làn xe với tổng chiều dài 975 m.
Ngoài ra, đoạn đi dưới đại lộ Thăng Long thiết kế hầm kín dài 150 m; phía đường Lê Trọng Tấn thiết kế hầm hở dài 157,5 m, tường chắn dài 220 m; phía quốc lộ 32 được thiết kế hầm hở dài 157,5 m và tường chắn dài 200 m.
Phần còn lại của dự án là gờ chắn bánh, cầu nhánh dầm bản bê tông cốt thép dự ứng lực có chiều dài 2.357 m trên 4 nhánh. Bề rộng cầu là 8,8 m, được bố trí hai làn xe cơ giới và tường chắn bê tông cốt thép có chiều dài 619 m trên tổng 8 vị trí sau mố.
HCM xin tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu
Phó chủ tịch UBND TP. HCM Phan Thị Thắng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cung ứng xăng dầu.
Theo UBND TP. HCM, từ ngày 1/10 đến nay, trung bình mỗi ngày có 9% - 20% trong tổng số 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố thiếu hụt tạm thời mặt hàng xăng.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu còn 3-5 ngày (kể cả ngày nghỉ) so với quy định hiện hành là 10 ngày, cần có giải pháp điều hành giá theo biên độ giá xăng dầu tăng/giảm phù hợp với thị trường.
HCM cũng kiến nghị điều chỉnh cách thức áp dụng giá trị trong tính toán giá cơ sở. Hiện chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng đang áp dụng đơn vị tính đồng/lít để tính toán trong giá cơ sở.
Đối với giải pháp duy trì hoạt động chuỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu, TP. HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính rà soát, tính toán các phương án phù hợp để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia kinh doanh có lợi nhuận hợp lý. TP. HCM đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ, đảm bảo mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít…
HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc gia hạn nộp thuế đúng quy định cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong một giai đoạn nhất định.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)