Các sân bay tăng cường kiểm soát vật thể lạ sau sự cố máy bay bị cán đinh, mẻ cánh
Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; các Cảng vụ hàng không miền Bắc, Trung, Nam về kiểm soát vật thể lạ, vật ngoại lai (FOD) trên đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ tàu bay tại các cảng hàng không, sân bay.
Cục HKVN yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, dọn dẹp vệ sinh sân đường, chấp hành nghiêm chỉnh quy trình kiểm tra tình trạng sân đường, khu bay để kịp thời phát hiện, dọn dẹp FOD (trong đó tập trung vào Cảng HKQT Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cảng hàng không đang có hoạt động thi công tại khu bay). Rà soát lại số liệu, chỉ số liên quan đến vật thể lạ, vật ngoại lai; thực hiện quy trình nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro, xác định mức độ cảnh báo đối với các cảng hàng không có sự gia tăng về chỉ số vật thể lạ, vật ngoại lai. Từ đó triển khai cụ thể giải pháp để tăng cường kiểm soát và ngăn chặn FOD tại từng cảng hàng không (bao gồm cả việc nhận diện, xác định từng khu vực có nguy cơ cao, từ đó có các giải pháp, tập trung giải pháp cụ thể theo từng khu vực/phân khu hoặc từng đơn vị cụ thể nếu cần thiết; tăng cường đầu tư trang thiết bị chuyên dùng nhằm phát hiện, loại trừ FOD tại cảng hàng không...).
Yêu cầu được đưa ra sau khi Cảng hàng không quốc tế Nội Bài xác nhận thông tin 3 máy bay cán đinh và mẻ cánh trong những ngày gần đây. Trong đó, ngày 28/6, thợ máy phát hiện lốp của chiếc Airbus A350 chuẩn bị khởi hành từ Nội Bài đi Melbourne (Australia) bị 1 đinh mũ ghim vào. Tiếp đến ngày 30/6, thợ máy sân bay Nội Bài phát hiện lốp số 2 càng trái của chiếc Airbus A321 bay đến từ Phú Quốc bị một đinh vít găm; ngày 3/7, thợ máy sân bay Đà Nẵng phát hiện cánh quạt động cơ của máy bay Airbus A320 bị mẻ sau khi bay từ Hà Nội vào.
Cầu vòm thép 65 tỷ đồng qua hồ Linh Đàm "ế khách"
Cầu vòm thép Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được thông xe tháng 10/2020 và chính thức đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid -19, đây là hạng mục bổ sung của dự án cầu cạn Vành đai 3 dưới thấp vượt hồ Linh Đàm. Cây cầu có dầm, lan can làm bằng sắt hai bên. Hệ thống chịu lực chính của cầu là 2 dàn thép được thiết kế cách điệu dạng hình vòm. Cầu có tổng chiều dài 297,2m mặt cắt ngang rộng 7,5m, bề rộng phần xe chạy là 6m.
Dù thông xe từ tháng 9/2022, song, đến nay cầu vòm thép dành cho xe máy vẫn vắng người qua lại. Theo người dân, lý do vì vị trí đặt cầu nằm dưới vành đai 3 với hành trình di chuyển xa hơn đường bên ngoài, khó tiếp cận; chưa kể phía bên ngoài đã có 2 đường nhánh vượt hồ.
Sau nửa năm khai thác, cầu vẫn chưa đáp đứng được mục đích giảm tải lưu lượng giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, khu vực bán đảo Linh Đàm.
Theo ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết, cây cầu này chính thức được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 12/2022. Đối với bất kỳ dự án nào trước khi đưa vào xây dựng đều có sự đánh giá rất kỹ của liên ngành, bắt đầu từ công tác khảo sát, lưu lượng giao thông. Đối với các công trình giao thông, Sở đều đặt ra mục tiêu khai thác hiệu quả lâu dài. Hiện nay, Sở vẫn thường xuyên rà soát, đánh giá lại tất cả các dự án, các công trình giao thông trên địa bàn Hà Nội để vừa có tổ chức điều tiết giao thông, vừa nâng cao hiệu quả của công trình". Việc đầu tư xây cầu được "dự báo theo nhu cầu của tương lai", đặc biệt là khu vực Hoàng Mai, Linh Đàm với dự báo phát triển dân số rất lớn trong thời gian tới. Do đó, việc "đi trước đón đầu" để xây dựng cầu vòm thép là cần thiết.
Xử phạt hơn 27 nghìn tỷ đồng vi phạm giao thông trong 10 năm
Ngày 6/7, phát biểu tại Hội nghị quán triệt triển khai Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong 10 năm qua (2013 - 2022), Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật TTATGT.
Theo đó, lực lượng công an đã lập biên bản, xử lý trên 40 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt hơn 27.000 tỷ đồng; công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông được chỉ đạo quyết liệt. Các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra, xét xử hơn 41.000 vụ án, khởi tố hơn 42.000 bị can",...
Bên cạnh những yếu tố tích cực đã đạt được như công tác tuyên truyền về ATGT được đẩy mạnh, kết cấu hạ tầng giao thông được nâng cao tạo chuyển biến tích cực về tình hình TTATGT qua từng năm thì vẫn còn tồn tại một số vấn đề như một số địa phương thi công công trình giao thông kéo dài, chưa có biện pháp khắc phục, gây mất ATGT; Ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến cao tốc, cửa ngõ vào đô thị lớn; tình trạng chống người thi hành công vụ có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, mức độ nghiêm trọng, liều lĩnh thể hiện sự coi thường pháp luật, kỷ cương gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ"...
Anh Nguyễn (tổng hợp)