Khi món quà tri ân thầy cô thành gánh nặng
Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày tri ân những người lái đò thầm lặng, đáng lẽ phải là dịp để thầy trò gửi trao những tình cảm chân thành, những lời chúc tốt đẹp. Thế nhưng, thực tế cho thấy, việc quà cáp, biếu xén ngày 20/11 đang dần biến tướng, trở thành gánh nặng cho cả phụ huynh lẫn giáo viên.
Tâm sự trên báo Dân trí, cô Lê Hồng Thanh, giáo viên ở tiểu học ở TP.HCM trải lòng, cô rất buồn lòng mỗi khi dịp 20/11, việc quà cáp, tri ân lại trở thành gánh nặng với nhiều phụ huynh, nhiều gia đình.
Ở đó nhiều ông bà bố mẹ đối mặt với áp lực khi phụ huynh trong lớp vận động "đi" thầy cô, rất khó để từ chối. Ngoài ra, cũng không ít người xem việc tặng quà cho thầy cô là một trách nhiệm phải làm.
Với người thầy, cầm một món quà, cầm chiếc phong bì cũng trở nên nặng nề, điều tiếng… Cô Thanh biết một vài đồng nghiệp của mình cứ đến dịp 20/11 là tìm cách "trốn" để từ chối nhận quà.
Bên cạnh đó, cô Thanh cũng bày tỏ, việc quà cáp thầy cô trở nên nặng nề xuất phát từ hai yếu tố. Một là phụ huynh "phú quý sinh lễ nghĩa", tặng quà với suy nghĩ lấy lòng giáo viên. Và thứ hai không phải không có những trường hợp giáo viên vòi vĩnh…
Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM chia sẻ, từ nhiều năm nay, ông luôn trao đổi thẳng với Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyệt đối không vận động phụ huynh đóng góp để tặng quà, tri ân cho giáo viên.
Nhà trường cũng nhắc giáo viên nếu biết có trường hợp Ban đại diện phụ huynh vận động đóng góp tri ân là phải lên tiếng ngăn cản ngay.
Người này thẳng thắn cho hay, việc này để giảm áp lực cho phụ huynh và cũng để bảo vệ đội ngũ giáo viên. Món quà vật chất đôi khi không đáng bao nhiêu nhưng gây mệt mỏi cho phụ huynh và mang tiếng cho thầy cô.
Món quà tặng nào cũng tốt, miễn xuất phát từ sự biết ơn
Cùng nêu quan điểm về quà tặng thầy cô dịp 20/11, báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học và Mầm non (Trường Đại học Hùng Vương) cho rằng, việc dùng tiền để biếu, tặng thầy cô giáo là rất nhạy cảm và tế nhị. Nếu cha mẹ sử dụng tiền bạc không đúng đắn để đối xử với thầy cô, thì rất có thể đến một lúc nào đó con trẻ sẽ dùng đồng tiền để thay thế tình yêu chúng dành cho cha mẹ.
"Vấn đề không dừng lại ở việc có nên tặng phong bì hay không, mà lớn hơn là cách phụ huynh cảm ơn người thầy dạy con của mình như thế nào. Làm sao để những đứa trẻ có thể học được bài học về lòng biết ơn, cách tri ân đúng đắn từ những hành động của người lớn".
Cô Mai Hà, giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho rằng, món quà tặng thầy cô dù bằng hình thức nào cũng tốt, miễn là nó xuất phát từ sự biết ơn, tôn trọng của học sinh và phụ huynh với giáo viên.
Theo cô Hà, những món quà vật chất nếu có chỉ nên là những món quà đơn giản do chính tay học sinh làm hay các em tự để dành tiền mua như những tấm thiệp, cây bút, quyển sách…bằng tấm lòng thật sự kính trọng và thương yêu.
"Học sinh đang ngồi học trên ghế nhà trường không nên và tuyệt đối không được tặng quà giáo viên bằng phong bì hay những phần quà đắt tiền xa xỉ. Đó là hình ảnh cực kỳ phản cảm, làm mất đi sự cao quý của nghề giáo trong mắt đồng nghiệp, phụ huynh và ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, đạo đức học sinh".
Gắn bó với nghề giáo hơn 30 năm, cô Nguyễn Thị Lợi, một giáo viên về hưu ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tâm sự: "Niềm vui của nhà giáo mỗi dịp 20/11 là có những học trò cũ gửi thiệp về chúc mừng, có em gọi điện hỏi thăm hay chỉ là vài dòng tin nhắn.
Niềm vui được nhận quà vì thế không nằm ở giá trị món quà nhiều hay ít mà phụ thuộc vào tấm lòng người tặng. Đối với chúng tôi, món quà quý giá nhất đó là nhìn các lứa học trò của mình trưởng thành, mạnh khoẻ, trở thành những con người có ích cho xã hội".
Tặng quà 20/11 nên xuất phát từ tấm lòng, sự chân thành, tránh biến thành gánh nặng cho phụ huynh và tiếng xấu cho thầy cô. Chỉ khi đó, ngày lễ tri ân thầy cô mới thực sự ý nghĩa và trọn vẹn.