Ngày 4/3, vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo trẻ 2022 đã diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là cuộc thi sáng tạo dành cho sinh viên nhằm khuyến khích khả năng tư duy, rèn luyện và nâng cao các kỹ năng trong đa dạng lĩnh vực.
Với chủ đề “Sáng tạo vì Cuộc sống, cuộc thi năm 2022 hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế…
Tại vòng chung kết, 5 đội thi xuất sắc nhất đã trải qua phần thi thuyết trình và tranh biện. Top 5 đội thi xuất sắc nhất bao gồm:
Đội thi BinCase với dự án: aLight - Máy chiếu cảm ứng tiện lợi sử dụng công nghệ đồng bộ tần số quét và xử lý hình ảnh có chọn lọc. Thiết bị “máy chiếu cảm ứng” của nhóm được thiết kế để biến mọi mặt phẳng, từ mặt bàn, mặt tường, sàn nhà, bảng viết… thành một màn hình cảm ứng có thể tương tác được.
Đội thi IRONMAN với dự án “Exoskeleton Suit”. Dự án này được sáng tạo từ mong muốn giúp ích cho cuộc sống của những người không may gặp khó khăn trong việc di chuyển. Dựa trên kết quả phân tích từ thuật toán xử lý kết hợp với cơ cấu tự thăng bằng, thiết bị điều khiển sẽ phát đi tín hiệu phù hợp tới 4 chiếc xi lanh điện, tạo nên chuyển động cho các bộ phận cơ học của chân robot một cách tự nhiên nhất. Bộ phận xử lý Arduino sẽ kết hợp chuyển động cơ học của khung robot với chuyển động tự nhiên của chân người để tạo nên một khối đồng bộ thống nhất và di chuyển theo đúng ý định của người sử dụng.
Đội thi I-Tech với dự án “Ứng dụng IoT trong giám sát và quản lý hàng hoá vận chuyển trong Logistics”. Đây là sản phẩm là ứng dụng mô hình truyền dữ liệu không dây thông minh trong việc theo dõi thời gian thực của môi trường trong container lạnh chở thực phẩm. Sản phẩm ứng dụng công nghệ IOT vào quá trình vận chuyển trong Logistic, nhằm cảnh báo sự cố và tối ưu hóa rủi ro, cũng như chi phí vận chuyển.
Đội thi The F.I.R.S.T với dự án “Tàu USV tự hành thông minh”. Sản phẩm này được ra đời với mục đích giúp khảo sát địa hình lòng sông hồ, tự động hóa mọi công việc nằm trong vấn đề quản lý chất lượng môi trường trên phạm vi rộng; giúp quản lý được một vùng sông nước lớn. Đây đều là các công việc quan trọng trong khảo sát và quản lý chất lượng môi trường.
Đội thi TRAIVI BKCIM với dự án “Tận thu xà cừ ngọc trai”. Theo đại diện đội thi, hiện nay, việc khai thác lớp xà cừ từ vỏ của trai cũng như một số động vật thân mềm khác theo cách thủ công còn gặp nhiều khó khăn như: quy trình còn thô sơ, nhiều nguy hiểm và ảnh hưởng độc hại tới sức khỏe, môi trường. Thấu hiểu những bất cập đó, nhóm đã phát triển máy tận thu xà cừ với mong muốn giúp những người thợ có thể khai thác được lớp xà cừ giá trị này một cách hiệu quả nhất, nâng tầm thương hiệu đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Chung cuộc, đội thi The F.I.R.S.T với dự án “Tàu USV tự hành thông minh” đã giành giải Nhất Sáng tạo trẻ 2022 với phần thưởng tiền mặt 50 triệu đồng, cùng gói đầu tư ươm tạo 100 triệu đồng.
Giải Nhì là đội thi I-Tech với dự án “Ứng dụng IoT trong giám sát và quản lý hàng hoá vận chuyển trong Logistics”. Giải Ba thuộc về dự án “Tận thu xà cừ ngọc trai” của đội thi TRAIVI BKCIM. Hai đội thi còn lại được trao giải Khuyến khích.
Theo PGS.TS Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đòi hỏi phải có sự ra đời của doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ, với quy mô lớn, vừa và nhỏ.
Để thực hiện chủ chương này, chúng ta cần tinh thần khởi nghiệp của sinh viên và sự vào cuộc của các trường đại học.
PGS Chính nhấn mạnh, chủ trương của Đại học Bách khoa Hà Nội trong giai đoạn hiện nay là lấy sáng tạo làm nền tảng của khởi nghiệp, sử dụng nghiên cứu và sáng tạo làm động lực cho việc học sâu và học chủ động. Đồng thời, tiếp tục phát huy các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, vốn là thế mạnh của nhà trường, đẩy mạnh hoạt động sáng tạo các sản phẩm hữu ích, gắn trực tiếp với nhu cầu phát triển của xã hội.
Song song, nhà trường phát triển những chương trình cụ thể giúp đưa tinh thần khởi nghiệp vào tư duy của mỗi sinh viên ngay từ những năm đầu tiên, trang bị các kiến thức kỹ năng cụ thể về sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên và giảng viên, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường nhờ sự kết nối với các bên sử dụng nhân lực, kết nối đa ngành đa lĩnh vực trong đào tạo.
“Cuộc thi Sáng tạo trẻ là một ví dụ sinh động của việc thực hiện chủ trương xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ kỹ thuật hướng tới khởi nghiệp.
Việc tổ chức cuộc thi thường niên sẽ tạo điều kiện cho sinh viên vận dụng để kết nối kiến thức với suy nghĩ sáng tạo để triển khai những ý tưởng thú vị thành những sản phẩm thực tiễn cho cuộc sống, dựa trên công nghệ tiên tiến và đậm chất kỹ thuật”, PGS Chính nhấn mạnh.
PGS Chính thông tin, cuộc thi Sáng tạo trẻ đã được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức từ năm 2017 với tên gọi “Sáng tạo trẻ Bách Khoa”. Từ 2019, cuộc thi mở rộng cho thí sinh toàn quốc tham dự.
Năm 2021, nhà trường thông qua đề án đổi mới cuộc thi với tên gọi “Sáng tạo trẻ” từ năm 2022 để nhấn mạnh tính mở rộng và sự chào đón của cuộc thi không những tới thí sinh toàn quốc, mà còn là lời mời đồng tổ chức tới các đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng tham gia sân chơi đổi mới sáng tạo với nền tảng kỹ thuật này.
Thành Đô (tổng hợp)