Tỷ phú Kazuo Inamori xuất thân trong một gia đình nghèo khó và không được nhận vào trường đại học mà mình mong muốn. Sau khi tốt nghiệp đại học, Kazuo Inamori làm việc cho Matsukaze Industry, một công ty đang trên bờ vực phá sản ở Kyoto (Nhật Bản). Công ty này ban đầu là một trong những công ty tốt nhất trong ngành gốm sứ. Tuy nhiên, khi ông gia nhập công ty thường xuyên bị trả lương muộn, gia đình cổ đông liên tục xảy ra đấu đá nội bộ và tranh chấp lao động.
Trong vòng chưa đầy một năm, những người đồng nghiệp khác lần lượt từ chức. Vào thời điểm đó, Kazuo Inamori cũng muốn nghỉ việc nhưng ông đã thay đổi quyết định bởi nếu bạn từ chức chỉ vì có điều gì đó khiến không hài lòng, bạn dễ gặp phải vấn đề tương tự trong công việc tương lai của mình.
Vì vậy, ông chuyển tất cả xoong nồi vào phòng thí nghiệm, ngủ ở đó ngày đêm không kể ba bữa, dốc sức cho công việc nghiên cứu. Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, ông hết lần này đến lần khác đạt được những kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc, nổi lên trong lĩnh vực hóa học vô cơ. Điều này là động lực của ông trong công việc, mọi mơ hồ hay ý định nghỉ việc đều tan biến.
“Cho dù bạn có phàn nàn bao nhiêu và cảm thấy bất mãn thế nào, điều quan trọng nhất bây giờ là làm tốt công việc của mình, đây là tâm lý mà một người trưởng thành nên có”, Kazuo Inamori nói về kinh nghiệm thành công của mình.
Trong công việc, từ chức ngay khi không hài lòng là vội vàng. Theo “ông trùm” kinh doanh Nhật Bản, những người thực sự mạnh mẽ và có thể thành công trong tương lai không cần phải quá cao siêu. Quan trọng là họ sẽ chọn đối mặt với khó khăn và vượt qua, thay vì nghĩ rằng sẽ luôn có sự lựa chọn khác tốt hơn để chạy theo. Khi một người đủ đam mê và yêu thích công việc của mình, sự giàu có chỉ là chuyện sớm muộn.
Nhờ những kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, Kazuo Inamori đã thành lập Kyocera và Second Telecom, cả 2 đều nằm trong số 500 công ty hàng đầu thế giới. Năm 77 tuổi, Inamori tiếp quản và hồi sinh Japan Airlines, đưa lợi nhuận hàng năm của hãng hàng không vọt lên vị trí số 1 thế giới.
Warren Buffett cũng từng nhấn mạnh tiền chỉ là “sản phẩm phụ” được tạo ra khi ông làm công việc mình yêu thích. Làm công việc mình đam mê giúp bạn có kỷ luật, sẵn sàng dốc toàn lực để đắm chìm vào nó.
Trên thực tế, việc tìm kiếm công việc mơ ước cũng không hề dễ dàng. Hành trình đến với 1 triệu USD đầu tiên của các triệu phú cũng mất trung bình 8 năm, theo Entrepreneur. Không chỉ vậy, hầu hết họ đều gặp phải nhiều thất bại trước khi thành công như cựu CEO Microsoft Steve Ballmer, Rupert Murdoch của đế chế truyền thông Fox hay thậm chí cả Buffett.
Điều giúp họ bước qua thất bại không chỉ là tài năng mà còn là bởi họ yêu thích và tin tưởng con đường mình chọn. Vậy nên nếu đã tìm được đam mê của mình, đừng ngần ngại đầu tư thời gian và tâm sức để trở thành người giỏi trong lĩnh vực của mình.
Nếu chưa biết mình đam mê điều gì, hãy kiên trì thử và tiếp tục thử cho đến khi có kết quả phù hợp nhất. Trong giới startup, có một khái niệm gọi là sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP). Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực ra đó là "các bước nhỏ của thử nghiệm và có lỗi sai, rồi lặp lại nhanh chóng". Thông qua chu trình "sản xuất - xem xét - điều chỉnh - tái sản xuất", chúng ta sẽ thử được nhiều việc mình làm mà không tốn quá nhiều thời gian.
Theo Toutiao
Kim Linh