Nhà đầu tư hạ tầng đang chậm trễ
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của khu vực miền núi, tỉnh Thanh Hóa đã cho phép thành lập 2 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Như Xuân. Hiện nay, 2 dự án đang gặp khó khăn lớn, khiến kỳ vọng của người dân và chính quyền địa phương về những cụm công nghiệp phát triển càng trở nên xa vời.
Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thành lập cụm công nghiệp Thượng Ninh, huyện Như Xuân năm 2019. Địa điểm xây dựng ngay tại vị trí thuận lợi - mặt đường Hồ Chí Minh, xã Thượng Ninh. Khoảng 20ha đất nông nghiệp đã được chuyển đổi và giải phóng để phục vụ xây dựng cụm công nghiệp. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật của dự án là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Minh Nguyên (địa chỉ xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa).
Ngành nghề dự kiến hoạt động: may mặc, giày da, chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất máy móc, thiết bị nông, lâm nghiệp; sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành nghề khác có liên quan.
Tổng mức vốn đầu tư dự kiến khoảng 110 tỷ đồng. Theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật: quý I/2020: hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, quy hoạch chi tiết, thiết kế cơ sở, giải phóng mặt bằng, giao đất. Trước tháng 12/2020: Tiến hành khởi công xây dựng và hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.
Mặc dù thủ tục về đất đai chưa hoàn thiện, mãi đến năm 2022, UBND tỉnh mới có quyết định giao đất. Tuy nhiên vì nóng lòng để sớm hoàn thành dự án, huyện Như Xuân đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp san lấp mặt bằng và thi công từ năm 2020. Dù vậy, sau 3 năm từ ngày khởi công, doanh nghiệp thi công cầm chừng, không có sự quyết tâm, dự án vẫn ngổn ngang, chưa hoàn thiện đúng yêu cầu.
Tương tự, cụm công nghiệp Xuân Hòa, huyện Như Xuân cũng được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập cùng năm 2019. Dự án được quy hoạch trên diện tích 30 ha.
Ngành nghề hoạt động: các dự án cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm sản; sản xuất máy móc thiết bị nông, lâm nghiệp; may mặc, giày da, sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành nghề khác có liên quan.
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật là Công ty TNHH Cơ khí xây dựng và kinh doanh thương mại Công Hà. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 160 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án: Quý I/2020, hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, quy hoạch chi tiết, thiết kế cơ sở, giải phóng mặt bằng, giao đất. Quý III/2022: hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.
Mặc dù kế hoạch là vậy tuy nhiên đến nay dự án vẫn đang dang dở, nhà đầu tư thi công cầm chừng, có thời điểm ngừng hoạt động, khiến dự án liên tục chậm tiến độ.
Theo ghi nhận, cả 2 dự án trên đều có chung số phận, nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì thi công không quyết liệt để sớm hoàn thiện. Trong khi đó các cụm công nghiệp cũng chưa thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các ngành nghề phù hợp.
"Đỏ mắt" tìm kiếm nhà đầu tư thứ cấp
Nhìn cụm công nghiệp trong xã triển khai rầm rộ nhưng giờ đây cứ im lìm không thấy kết quả, trong khi đó, lao động địa phương phải lũ lượt rời quê hương đến các tỉnh thành khác tìm việc, xảy ra nhiều hệ lụy xã hội, ông Nguyễn Xuân Nhân, Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh cho biết, cụm công nghiệp là niềm hi vọng nhằm thúc đẩy kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của xã và địa bàn lân cận.
“Nhìn cụm công nghiệp cứ yên ắng mãi, các nhà đầu tư đến khảo sát rồi ra đi không hồi âm, chúng tôi rất xót ruột”, ông Nhân nói.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Quang Dự, Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Như Xuân cho hay, huyện đã liên tục đốc thúc các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện dự án. Về phía chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện hết sức cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, song vì khó khăn tài chính nên họ đang chậm trễ.
“Chúng tôi vô cùng mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư thứ cấp sẽ đầu tư vào các cụm công nghiệp trên, điều này rất quan trọng với sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện, giúp giải quyết việc làm và nhiều vấn đề xã hội khác, ngoài ra tạo cơ hội phát triển cho nhiều ngành phụ trợ. Chúng tôi cũng đã dành nhiều sự quan tâm, quảng bá và kêu gọi nhà đầu tư bằng nhiều cách, song chưa nhà đầu tư nào mặn mà với huyện”, ông Dự nói.
Theo ông, các cụm công nghiệp đều có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, tiềm năng phát triển lớn. Đã có một số doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến khảo sát địa bàn, tìm kiếm cơ hội đầu tư, song họ đều một đi không trở lại. Bởi lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp này là mật độ dân cư của huyện khá thấp, sợ không tuyển đủ lao động phục vụ sản xuất công nghiệp.
“Mặc dù chúng tôi cam kết, đảm bảo tuyển đủ từ 5000 lao động trở lên. Có rất nhiều lao động đang làm việc trong khu công nghiệp ở các tỉnh, thành khác mong muốn trở về địa phương làm việc nếu có cơ hội, chắc chắn họ sẽ trở về nếu có doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn”, ông Dự khẳng định.
Niềm mong mỏi của người dân địa phương về việc tìm kiếm việc làm ngay trên mảnh đất quê hương ngày càng trở nên vời vợi, khi dự án mãi chưa hoàn thành, còn các nhà đầu tư thứ cấp thì chưa biết đang ở nơi đâu.
Trên hết, để thu hút đầu tư vào huyện Như Xuân, cần có một kế hoạch và chiến lược rõ ràng từ chính quyền địa phương. Việc nâng cao dân trí, chất lượng lao động, hoàn thiện hạ tầng và tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi là những biện pháp quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến với địa bàn. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh quảng bá và tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài, xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài và tạo ra những động lực cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện miền núi này.
Lương Diễn