Sau nhiều tuần làm việc liên tục 12 tiếng mỗi ngày và làm thêm giờ vào cuối tuần, Jack Forsdike đã kiệt sức. Vào tháng 1, anh đã có được công việc mà anh cho là mơ ước: nhân viên thiết kế trò chơi điện tử tại một trong những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc - NetEase. Nhưng công việc này không còn thú vị nữa.
Công ty muốn đẩy nhanh việc phát hành trò chơi mà Forsdike đang làm, và chàng trai 27 tuổi này phải chịu áp lực rất lớn. Hầu hết các ngày, anh không thể về nhà trước 10 giờ tối. Anh hầu như không có thời gian dành cho vợ. Tập thể dục là một ký ức xa vời.
Một buổi tối tháng 4, Forsdike quyết định cần trút giận. Anh chụp một bức ảnh mình trông kiệt sức và đăng lên trang cá nhân trên nền tảng xã hội Trung Quốc Xiaohongshu. "Tại sao tôi lại đến Trung Quốc để làm việc?", anh tự hỏi, tự chế giễu, trong chú thích.
Jack Forsdike hoàn toàn bất ngờ khi bài đăng rất đơn giản của anh bùng nổ tương tác, thu hút hàng nghìn lượt thích chỉ trong vài ngày.
Khi chàng trai người Anh rời khỏi công ty 2 tháng sau đó, tinh thần của anh còn tệ hơn.
Bài đăng sau đó của anh chia sẻ sự nhẹ nhõm khi lấy lại được tự do thậm chí còn lan truyền nhanh hơn. Trong ảnh “ăn mừng nghỉ việc thành công”, Forsdike đang nhâm nhi một tách cà phê trong chiếc áo sơ mi Hawaii. Các meme lan truyền như cháy rừng với hai bức ảnh của Forsdike đặt cạnh nhau, được gắn chú thích là "sau khi bắt đầu làm việc" và "sau khi từ chức".
Đến tháng 8, tài khoản của Forsdike đã nhận được hàng triệu lượt xem và hàng chục nghìn bình luận. Một số kênh truyền thông lớn của Trung Quốc đã đưa tin về anh. Câu chuyện của anh thậm chí còn lan truyền ra khắp các kênh truyền thông châu Á.
“Thật điên rồ”, Forsdike nói với Sixth Tone. “Tôi không ngờ nó lại được đón nhận nhiều đến vậy.”
Phong trào “từ chức trắng trợn”
Thanh niên người Anh này đã bị cuốn vào một trong những xu hướng truyền thông xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc hiện nay: phong trào “từ chức trắng trợn”, khi mọi người ca ngợi những ai dám từ chức mà không có kế hoạch dự phòng là dũng cảm.
Xu hướng này bắt nguồn từ sự thất vọng ngày càng tăng với lịch trình làm việc 996 - từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần - đang thống trị ngành công nghệ Trung Quốc, khiến những người lao động trẻ phải từ bỏ công việc quá áp lực để “cứu lấy mình”.
Trong nhiều năm, người lao động đã cố gắng phản đối văn hóa làm việc 996. Làn sóng tẩy chay trở nên dữ dội trong những năm gần đây đến mức chính quyền Trung Quốc đã vào cuộc, phát động các chiến dịch chống làm thêm giờ quá mức. Nhưng những nỗ lực này chỉ đạt được thành công hạn chế, nhiều chủ lao động vẫn tiếp tục khăng khăng đòi nhân viên làm việc nhiều giờ sau cánh cửa đóng kín.
Điều đó khiến nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi tìm cách giải thoát. Trên mạng xã hội, những câu chuyện về những người từ bỏ công việc 996 để tận hưởng nhịp sống chậm rãi hơn - hoặc "nằm im" - đã trở nên cực kỳ phổ biến. Đôi khi, những người bỏ việc đã có một công việc khác. Nhưng nhiều người chỉ đơn giản là bỏ việc mà không có kế hoạch dự phòng, lao thẳng vào "sự từ chức trần trụi".
Câu chuyện của Jack Forsdike đã truyền cảm hứng cho những nhân viên ngành công nghệ bất mãn này. Nhiều người thích thú khi thấy một người nước ngoài bị đánh bại bởi cuộc chiến 996, và trở thành một niuma - từ lóng chế giễu những người thất nghiệp và trở thành gánh nặng của người thân giống như họ.
Một người dùng Xiaohongshu châm biếm rằng: "Vậy là một người nước ngoài đã đến Trung Quốc và trở thành một niuma".
Nhưng với một số người khác, câu chuyện này còn truyền tải nhiều điều hơn thế nữa. Nhiều người cảm thấy thực sự đồng cảm với Forsdike, nói rằng có điều gì đó sâu sắc - thậm chí là cảm động - khi nhìn ngành công nghệ Trung Quốc từ góc nhìn của người nước ngoài.
Tương tự, chàng trai trẻ cũng cảm thấy như vậy: “Có một cảm giác đồng cảm,” Forsdike nói. “Tôi cũng cảm thấy vui khi mọi người cũng cảm thấy như mình. Khi bạn ở trong tâm trạng như vậy, bạn không bao giờ chắc chắn và luôn tự hỏi: Có phải chỉ mình tôi cảm thấy như vậy không?”.
Câu chuyện của một người và của cả mọi người
Chia sẻ với Sixth Tone, Jack Forsdike cho biết bản thân ban đầu rất vui mừng khi được gã khổng lồ công nghệ NetEase mời làm việc. Là người gốc Yorkshire ở miền bắc nước Anh, anh đã nảy sinh tình yêu với Trung Quốc khi học chuyên ngành ngôn ngữ tại Đại học Manchester.
Anh đã dành một năm du học ở Bắc Kinh và yêu thích từng phút giây. Sau khi tốt nghiệp năm 2020, anh bắt đầu tìm cách quay trở lại Trung Quốc. Khi nhận được cơ hội ở NetEase, đối với Forsdike, đó giống như một công việc lý tưởng và giấc mơ thành sự thật.
“Tôi thực sự rất phấn khích,” Forsdike nói. “Tôi chắc chắn rằng mình sẽ gặp được nhiều người thú vị và tài năng, cũng như có cơ hội tạo dựng sự nghiệp trong ngành công nghiệp trò chơi”. Nhưng mọi giấc mơ tốt đẹp đã tan vỡ sau khi anh thực sự bước chân vào thị trường lao động quá khắc nghiệt này.
Đối với Forsdike, phản ứng của cư dân mạng với mình phản ánh mức độ thất vọng sâu sắc của những người làm công nghệ Trung Quốc.
Một bình luận mà Forsdike đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Trung Quốc đã gây ấn tượng mạnh. Khi được hỏi liệu anh có quen với giờ làm việc dài tại NetEase không, anh trả lời: "Không, tôi không quen. Có một số thứ bạn không nên quen". Trích dẫn này sau đó đã được netizen lan truyền khắp mạng, trở thành khẩu hiệu của nhiều người.
Jack Forsdike hy vọng rằng, theo cách nhỏ bé của mình, anh có thể khuyến khích nhiều người trẻ tránh xa lối sống 996 bị cho là độc hại.
“Điều đó không lành mạnh,” Forsdike nói. “Mọi người mất đi cơ hội dành thời gian cho sở thích của mình. Họ mất đi cơ hội vui chơi và gặp gỡ bạn bè mới, hoặc thậm chí là bắt đầu một mối quan hệ và lập gia đình. Họ mất đi cơ hội làm rất nhiều việc trong cuộc sống vì họ đã cảm thấy hoàn toàn kiệt sức vì công việc”.
Về phần mình, Forsdike dự định sẽ làm theo lời khuyên của chính mình. Anh vừa chuyển từ Quảng Châu đến thành phố Cáp Nhĩ Tân. Anh dự định sẽ "nằm im" ở đó một thời gian, dành thời gian cho vợ và chú chó cưng của mình.
Sau đó, Forsdike không chắc mình sẽ làm gì. Bất chấp mọi chuyện đã xảy ra, anh nói rằng mình nhớ công việc trong ngành công nghiệp trò chơi và cảm thấy rằng "Nhìn chung, thời gian của tôi tại NetEase là tích cực vì tôi đã gặp rất nhiều người tuyệt vời ở đó, và chắc chắn đã học được rất nhiều".
Nguồn: Sixth Tone
Chi Chi