Nhạc sĩ Chung Tử Lưu được biết đến là người thầy từng lăng xê thành công Quang Lê, Trường Vũ và nhiều ca sĩ nổi tiếng. Anh cũng từng đi hát có tiếng, làm nhà sản xuất âm nhạc…
Tại chương trình Nhà có khách, nam nhạc sĩ chia sẻ về việc chuyển từ làm nhạc sang kinh doanh của mình. Anh nói: “Đợt này tôi bận bịu nhiều việc quá. Sau mùa dịch, tôi tự nhiên trở thành người kinh doanh. Tôi tự mở tiệm buôn bán, làm show nọ show kia.
Nguyên nhân tôi tự kinh doanh vì trong dịch tôi không có gì làm, phải đi làm thuê cho người ta. Nhiều khi tôi phải làm không công, không lấy tiền nhưng vẫn bị người ta chửi bới, hạ nhục, tôi tức quá nên ra làm riêng.
Đến giờ tôi vẫn còn giữ một phòng thu cũ để tự thu âm, làm hòa âm tại đây luôn nhưng chủ yếu là tự hát cho bản thân mình. Nhưng tôi chỉ thu âm được thôi, muốn ghi hình phải về Việt Nam nhưng tôi bận quá, không thể đi đâu được. Đi kinh doanh giống như chôn chân một chỗ, nhưng tôi phải bắt buộc như vậy để nuôi sống tôi.
Làm kinh doanh, tôi không chỉ có trách nhiệm với khách hàng mà còn phải trách nhiệm với chính nhân viên của tôi. Nếu tôi bỏ bê, không lo nổi cho nhân viên của chính tôi thì chết”.
Tiếp đó, Chung Tử Lưu chia sẻ về lý do vẫn độc thân, sống một mình ở tuổi U60: “Tôi không yêu ai cả, chọn sống một mình. Tôi cũng có mấy đứa con nuôi để lo lắng cho chúng rồi.
Tất nhiên, tôi từng yêu rất nhiều nhưng tới giờ chọn sống một mình. Người yêu của tôi bây giờ là tranh ảnh, đồ cổ. Trong nhà tôi để nhiều đồ cổ, tranh ảnh lắm, cả ngày ngồi ngắm chúng cũng vui rồi.
Tôi rất mê đồ cổ. Tôi ngồi trong một buổi đấu giá, thấy món đồ tôi thích mà rạo rực còn hơn cả gặp người yêu. Tới khi mua được món đồ cổ đó, tôi sướng nguyên cả đêm.
Món đồ cổ tôi mua được rẻ nhất chỉ có 10 đô. Đó là bức tranh con mèo, đấu giá lúc đầu chỉ có 1 đô, giữa lúc đêm khuya nên không ai mua. Tôi nghĩ bức tranh đó giá trị tệ lắm cũng phải cả nghìn đô.
Còn những món đồ cổ đắt tiền tôi có là những chiếc đồng hồ vàng. Có lần tôi mua một chiếc đồng hồ cổ vàng với giá 4.000 đô nhưng thiếu tiền nên phải đem bán lại cho cửa hàng đấu giá để ông chủ đem đi đấu giá hộ. Tôi nghĩ tệ nhất cũng phải được 2.000 đô. Đến hôm sau tôi lên nhận tiền thì ông chủ bảo chỉ bán được 100 đô. Tôi tức, run đến muốn khóc vì biết ông chủ chiêu trò để mua đồng hồ của tôi giá rẻ. Tôi tự trách mình ngu quá mức”.
Tùng Ninh