Trước đó, theo thông tin từ các nhà cung cấp hồi đầu tháng 5/2023, 2/5 tuyến cáp quang biển tại Việt Nam đã hoàn thành khôi phục, sửa chữa bao gồm IA và SMW3. Các tuyến còn lại gồm AAE-1, AAG dự kiến sẽ được khôi phục trong tháng 5 và APG vào tháng 6/2023...
Là một tuyến cáp quang trọng điểm của nhiều nhà mạng tại Việt Nam, việc khắc phục, sửa chữa AAG được nhiều người đặc biệt quan tâm. Hồi tháng 6/2022, tuyến cáp quang này đã gặp sự cố trên các nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei); ở hướng kết nối Hong Kong (Trung Quốc), AAG bị lỗi trên nhánh S1H và S1I.
Với việc nhánh S1I hướng kết nối Hồng Kông (Trung Quốc) của AAG đã được khôi phục, hiện tại, chỉ còn các nhánh cáp hướng kết nối đi Singapore của tuyến cáp biển AAG và cáp biển APG vẫn đang gặp lỗi.
Dự kiến, sự cố trên các nhánh S1B, S1D và S1G hướng kết nối Singapore của tuyến cáp AAG cũng sẽ được khắc phục xong trong tháng 5/2023.
Tuyến cáp quang biển AAG có tổng đầu tư khoảng 500 triệu USD, 20.191km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Hoa Kỳ. Được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009, cáp AAG đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Bà Rịa - Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ.
Thường xuyên gặp sự cố trong 13 năm vận hành, tuy nhiên, cáp quang biển AAG vẫn được nhiều nhà mạng trong nước sử dụng do giá thành hợp lý.
Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng thêm từ 4 - 6 tuyến cáp quang biển mới, phù hợp với dự thảo “Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông 2021 - 2030 để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến năm 2030”. Dự kiến, trong năm nay và đầu năm 2024, các doanh nghiệp sẽ đưa vào sử dụng thêm hai tuyến cáp biển là ADC (Viettel) và SJC2 (VNPT) với điểm cập bờ đặt tại Bình Định.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)