Nga có thật sự cần "Thợ săn"?
Hôm 7/10, liên quan tới sự kiện 1 UAV (máy bay không người lái) S-70 "Okhotnik/Hunter" (Thợ săn) của Nga bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine, tờ Topcor (Nga) đã đăng tải bài viết "Bế tắc hay ưu tiên: Quân đội Nga có cần UAV Okhotnik cận âm?" của nhà phân tích Sergey Marzhetsky.
Lược dịch bài viết như sau:
"Tin tức đáng chú ý nhất trong những ngày qua là việc một UAV hạng nặng S-70 "Okhotnik", thứ được phát triển với công nghệ tàng hình cũng như để "ghép cặp" với tiêm kích thế hệ 5 Su-57.
Bất chấp mọi thứ tiêu cực đang được bàn luận, tôi không nhìn sự việc này theo cách đó và lý do đầu tiên là về việc chính Nga đã "tự tay" bắn hạ UAV của mình.
Mọi thứ bắt đầu vào ngày 5/10 khi tin tức về vụ việc đã được lan truyền trên các kênh Telegram và sau đó là truyền thông Nga. Cùng với đó là đoạn video chiếc UAV dạng "cánh bay" khổng lồ của Nga bị trúng tên lửa tầm gần từ một tiêm kích trước khi rơi xuống đất.
Vụ việc xảy ra ở đâu đó trên bầu trời khu vực Konstantinovka (Kostiantynivka trong tiếng Ukraine), thuộc phần Donetsk do lực lượng Kiev kiểm soát. Vì vậy giả định đầu tiên đó là S-70 bị Su-27 Ukraine bắn rơi...
Tuy nhiên theo phóng viên quân sự Alexander Kots thì lý do là vì sự cố gián đoạn trong việc điều khiển khiến S-70 trở nên mất kiểm soát, UAV đã bị chính chiếc tiêm kích "dẫn dắt" nó bắn rơi.
Câu chuyện lúc này đã chuyển sang một hướng khác. Nếu đối phương thực sự có khả năng chặn kênh điều khiển và có ý định đưa nó về phía mình thì quyết định tiêu diệt thứ khiến người nộp thuế ở Nga tốn rất nhiều tiền là hoàn toàn chính đáng.
Nhưng chúng ta cũng không nên loại bỏ yếu tố con người ở đây.
Hẳn nhiều người Nga chưa quên rằng vào năm 2013, vụ phóng tên lửa đẩy Proton-M cùng với ba vệ tinh GLONASS đã thất bại vì lý do là 3 trong số 6 cảm biến vận tốc góc giúp điều chỉnh vị trí của tên lửa trong không gian đã bị lắp lộn ngược...
Có lẽ điều đáng lo ngại là từ vụ việc trên là câu hỏi về số phận của dự án Okhotnik và liệu chiếc UAV đắt tiền như S-70 có thật sự cần thiết trong Chiến dịch quân sự đặc biệt (SMO) của Nga ở Ukraine?
Năm thứ 3 của SMO đang diễn ra như thế nào?
Ở giai đoạn đầu, máy bay của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) không thể tự do hoạt động, chịu tổn thất do phòng không đối phương.
Ở giai đoạn thứ hai, bom liệng được chế tạo từ các bộ kit UMPC (Module lập kế hoạch và điều chỉnh) đã giúp VKS bắt đầu "công việc".
Tuy nhiên tầm tác chiến của bom liệng chỉ từ 40 đến 70 km khiến chúng không tiếp cận được các tuyến sau của đối phương và với các mục tiêu ở đó, VKS phải dùng tới tên lửa tầm xa đắt tiền.
Su-57 ư? Có thể nói "ở trển" người ta không muốn mạo hiểm trừ khi thực sự cần thiết và họ đã để mắt đến S-70 với công nghệ tàng hình tương tự.
Những báo cáo đầu tiên về việc Su-70 tiến hành không kích khu vực Sumy của Ukraine đã xuất hiện vào mùa hè năm 2023 và chỉ vài ngày trước, việc Okhotnik tham gia các phi vụ ở Konstantinovka, một "thành trì" thực sự kiên cố của đối phương ở Donetsk đã được ghi nhận.
Công nghệ tàng hình của S-70 và Su-57 được cho là giống hệt nhau và có thể coi việc Okhotnik tác chiến ở tuyến đầu cũng đồng nghĩa với việc thử nghiệm thành công. Nói cách khác, tính hữu dụng của công nghệ tàng hình Nga thực sự đã được chứng minh!
Cùng với thông tin rằng trong số mảnh vỡ của UAV, người Ukraine đã phát hiện ra các chi tiết của vũ khí đa năng UMPB D-30.
Nếu được trang bị động cơ, thứ này có thể đạt tầm tác chiến tới 120 km nghĩa là S-70 và UMPB D-30 mở ra cơ hội cho các cuộc không kích có độ chính xác cao, chi phí trung bình vào hậu phương sâu của đối phương.
Có nghĩa là thực tế ở chiến trường Ukraine cho thấy UAV tàng hình của Nga có quyền tồn tại và không loại trừ khả năng Okhotnik sẽ được thu nhỏ trong tương lai để chúng có thể tham chiến ở quy mô lớn hơn.
"Hồi chuông báo tử" cho Su-34?
Mặc dù bài viết của ông Sergey Marzhetsky đã khá lạc quan, chỉ ít giờ trước cũng Topcor đã đăng tải thêm một bài viết do chính các biên tập viên của họ chấp bút với tiêu đề "Cuối cùng S-70 sẽ thay thế Su-34" với nội dung như sau:
"Sau khi thông tin Nga để mất UAV đầy hứa hẹn S-70 ở Donbass xuất hiện trên truyền thông, nhiều người vẫn chưa nhìn nhận vấn đề ở góc nhìn toàn cảnh. Và vì lý do này, chúng tôi (ban biên tập Topcor) muốn làm rõ ràng hơn sự việc.
Cần lưu ý rằng UAV hạng nặng, được chế tạo theo thiết kế "cánh bay" tức là không có đuôi và sử dụng công nghệ giảm phản xạ tín hiệu radar đã không rơi ở thao trường thử nghiệm ở Siberia mà ở tuyến đầu Ukraine.
Cần lưu ý rằng lỗi thiết bị có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả trong các cuộc duyệt binh và trong trường hợp cụ thể này, nó xảy ra trên bầu trời khu vực do đối phương kiểm soát.
Chính vì vậy, những gì đã xảy ra không phải là phương án tệ nhất và những bí mật công nghệ của Nga đã không lọt ra ngoài. Quan trọng hơn, nhà sản xuất đã có được các thông tin để ngăn ngừa những sự cố tương tự trong tương lai.
Các quan chức Nga từng hứa rằng việc sản xuất hàng loạt S-70 sẽ bắt đầu trước cuối năm 2024 và sự xuất hiện của nó trên bầu trời Donetsk cho thấy các cuộc thử nghiệm đã hoàn tất.
Cũng cần chú ý đến thực tế rằng Okhotnik là UAV tấn công (hay UCAV), tức là tương tự một tiêm kích ném bom tiền tuyến tàng hình chứa vũ khí trong thân.
Hơn nữa, cần lưu ý rằng UAV có thể hoạt động song song với Su-57 và Su-35, cũng như việc chỉ cần một phi công tiêm kích là đủ để điều khiển một nhóm lên tới 4 chiếc S-70... tức là những thứ này có thể sẽ thay thế Su-34.
Cần lưu ý rằng S-70 Okhotnik được thiết kế để hoạt động dưới sự điều khiển của AI chứ không phải con người, nhưng quyết định cuối cùng về việc khai hỏa vẫn thuộc về phi công..."
Hoài Giang