Không cấm người dân ghi hình CSGT làm nhiệm vụ
Liên quan đến quy định trong Thông tư số 46/2024 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/11 tới đây được dư luận quan tâm, ngày 28/10, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp với đại diện Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) và một số đơn vị liên quan.
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp thì việc tổ chức cuộc họp nhằm "thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của công dân".
Tại cuộc họp, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã trình bày kết quả nghiên cứu bước đầu đối với một số quy định tại Thông tư số 46/2024/TT-BCA trên cơ sở rà soát, đối chiếu với chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành có liên quan (Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Công an nhân dân, Bộ luật Dân sự, Luật Công an dân dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính…).
Đồng thời đại diện Cục này đưa ra các vấn đề cần tập trung trao đổi, xin ý kiến thống nhất về quan điểm, tính pháp lý và cách tiếp cận các quy định tại Thông tư để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, minh bạch của các quy định pháp luật trong việc tôn trọng, bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân, cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đã có ý kiến giải trình và khẳng định sau khi Thông tư số 46/2024/TT-BCA được ban hành, người dân vẫn được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát quá trình làm việc của cảnh sát giao thông nhưng phải bảo đảm các điều kiện đã được pháp luật quy định và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ.
Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp chia sẻ tại cuộc họp cho rằng, "với thực tiễn triển khai nhiệm vụ của lực lượng cán bộ, chiến sỹ CSGT và sự cần thiết phải ban hành Thông tư số 46/2024. Tuy nhiên, do quy định có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây lúng túng, khó khăn cho người dân khi tiếp cận và thực hiện quyền giám sát của mình nên Thông tư cần được rà soát, hướng dẫn đầy đủ, kịp thời để được áp dụng thống nhất trong thực tiễn".
Cục Kiểm tra văn bản QPPL đề nghị Cục Cảnh sát giao thông tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công an có ý kiến chính thức và thực hiện truyền thông chính sách, cũng như quán triệt sâu rộng, nhất quán các quy định của Thông tư số 46/2024/TT-BCA trong toàn ngành, toàn xã hội để người dân, cán bộ, chiến sỹ thực hiện đúng, đầy đủ quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền giám sát của Nhân dân thông qua hình thức ghi âm, ghi hình trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cục CSGT từng lý giải gì về việc bỏ quy định người dân giám sát qua ghi âm, ghi hình?
Trước đó, ngày 09/10, lý giải cụ thể hơn về việc điều chỉnh bỏ quy định người dân giám sát CSGT qua hình thức ghi âm, ghi hình trong Thông tư mới, đại diện Cục CSGT cho rằng thời gian qua việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định.
Nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, các trường hợp chống đối còn lợi dụng xúi giục người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo đi nhiều nơi gây phức tạp cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
"Khi những hình ảnh đăng tải được gỡ bỏ và xử lý người vi phạm nhưng vẫn gây ra những ảnh hưởng, tác động xấu đến người xem, ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, chiến sĩ", báo Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh.
Trang Anh