Tờ Khmer Times (Campuchia) đưa tin, trong bức điện mừng được công bố tối 6/11, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nói: “Kính gửi ngài Tổng thống đắc cử, thay mặt cho Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Campuchia, tôi rất vui mừng được gửi lời chúc mừng chân thành nhất về sự trở lại lịch sử của ngài với tư cách là Tổng thống Mỹ.”
Thủ tướng Campuchia cho biết, sự trở lại của ông Trump diễn ra vào thời điểm vô cùng quan trọng không chỉ đối với người dân Mỹ mà còn đối với toàn thế giới. Ông Hun Manet đồng thời bày tỏ sự tin tưởng về vai trò của Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Trump trong việc thúc đẩy sự ổn định, an ninh và thịnh vượng.
Theo ông Hun Manet, Chính phủ và nhân dân Campuchia rất coi trọng mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước Campuchia – Mỹ, đánh dấu kỷ niệm 75 năm vào năm tới.
Thủ tướng Campuchia cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền của ông Trump để nâng tầm mối quan hệ song phương tốt đẹp hiện tại giữa hai nước, cũng như nỗ lực thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN - Mỹ trong nhiệm kỳ của Campuchia với tư cách là quốc gia điều phối quan hệ đối thoại ASEAN – Mỹ.
Triển vọng tương lai quan hệ Mỹ - Campuchia
Các chuyên gia Campuchia về chính trị quốc tế, được tờ Khmer Times phỏng vấn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đã đưa ra nhận định của mình về sự thay đổi có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa Campuchia và Mỹ khi ông Trump trở lại vị trí lãnh đạo Nhà Trắng.
Chủ tịch tổ chức tư vấn Viện Tầm nhìn Châu Á có trụ sở tại Phnom Penh, ông Chheng Kimlong, giải thích rằng chính sách đối ngoại của Campuchia, vốn tập trung vào khái niệm trung lập không liên kết và luật pháp quốc tế, sẽ cải thiện mối quan hệ của nước này với Mỹ khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức lần thứ hai.
"Quan hệ Campuchia - Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng mà có khả năng sẽ được tăng cường hơn nữa trong các lĩnh vực như hòa bình, an ninh và hợp tác kinh tế", ông Kimlong nói.
“Tôi hy vọng rằng khi ông Trump trở thành Tổng thống một lần nữa, ông sẽ mang đến cơ hội cải thiện đáng kể mối quan hệ Campuchia - Mỹ.”
Theo Tổng giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia ông Kin Phea, khi nói đến nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa siêu cường hàng đầu thế giới và quốc gia Đông Nam Á này, Washington cần phải làm nhiều hơn là có một tổng thống mới.
“Chúng ta phải hiểu rằng Campuchia không phải là đối tác chiến lược của Mỹ”, ông nói. “Do đó, vấn đề một ứng viên Dân chủ hay Cộng hòa nắm giữ Nhà Trắng sẽ không ảnh hưởng đến thái độ của hai nước đối với nhau.”
“Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Campuchia nói riêng và Đông Nam Á nói chung không thay đổi nhiều theo tân Tổng thống, như chúng ta có thể thấy trong những năm qua”, ông Phea nói thêm.
“Đó là vì Mỹ coi việc duy trì vị thế là một cường quốc lớn và vượt trội trên thế giới và trong khu vực là điều bắt buộc, cho dù có thể có một số thay đổi trong trật tự thế giới như vai trò của NATO. Đối với Mỹ, đó luôn là ‘Nước Mỹ trên hết’.”
Mặc dù vậy, ông Phea cũng cho rằng việc nước Mỹ có tổng thống mới có thể mang ý nghĩa là một cánh cửa mới được mở ra cho "đối thoại thực dụng" giữa các quan chức hai nước, từ đó đưa đến sự cải thiện quan hệ song phương.
Trong một cuộc phỏng vấn với Khmer Times vào tháng 5/2024 ngay trước khi rời cương vị, cựu Đại sứ Mỹ tại Campuchia W. Patrick Murphy nói rằng chìa khóa để cải thiện mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ là các cuộc đối thoại thẳng thắn về “các lĩnh vực khác biệt và hợp tác để giải quyết những thách thức chung đang nổi lên trong khu vực và trên toàn cầu”. Dựa trên cơ sở đó, ông đã thấy sự cải thiện trong nhiệm kỳ của mình.
Đại sứ Murphy cho biết ông rất vui mừng khi Mỹ có thể là một phần của nhiều câu chuyện tích cực diễn ra ở Campuchia, bao gồm hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á ứng phó với đại dịch COVID-19.
“Tôi cảm thấy rằng tôi và đồng nghiệp đã đạt được một số tiến triển tốt”, ông nói thêm. “Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi lạc quan về những cơ hội này.”
Hữu Hiển