Lo cầu sập, Quảng Ngãi yêu cầu rà soát
Tin tức trên báo Lao động, ngày 12/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi có chỉ thị tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn công trình cầu giao thông trong mùa mưa, bão năm 2024 trên địa bàn. Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn công trình cầu giao thông trong mùa mưa, bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước tại khu vực các tỉnh phía Bắc; trong đó vụ việc sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), sạt lở trên các tuyến giao thông và lũ quét đã làm nhiều người chết, mất tích.
Đồng thời, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, diễn biến thiên tai trong thời gian đến rất phức tạp, nguy cơ bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Do vậy, để chủ động các biện pháp sẵn sàng ứng phó thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung chỉ đạo có liên quan của tỉnh.
Trong đó, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý (đặc biệt là các công trình cầu vượt sông, cầu tạm) để kịp thời phát hiện, có giải pháp xử lý ngay đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn.
Căn cứ tình hình thực tế hiện trạng công trình, tình hình mưa, lũ, quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác tạm thời đối với các công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và các lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại được thuận lợi, an toàn.
Tổng hợp danh sách các công trình cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, thay mới (sắp xếp theo thứ tự ưu tiên mức độ quan trọng) kèm theo nhu cầu kinh phí, gửi các Sở: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để khắc phục.
Đất đá đổ ập, chia cắt quốc lộ 20 ở Đà Lạt
Theo Dân trí, ngày 12/9, lãnh đạo UBND xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cho biết, địa phương đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức phong tỏa hiện trường vụ sạt lở đất, tổ chức khắc phục hậu quả.
Do ảnh hưởng mưa lớn trong những ngày qua, lúc 14h cùng ngày, khối lượng lớn đất đá từ taluy dương cao hàng chục mét sụt lún, đổ ập xuống quốc lộ 20, đoạn thuộc xã Trạm Hành. Tại khu vực, gốc thông cổ thụ đổ ập, chắn ngang đường.
Khu vực sạt lở dài khoảng hơn 10m, giao thông qua khu vực ách tắc. "Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người. Hiện cơ quan chức năng tổ chức phân luồng giao thông, di chuyển đất đá giải tỏa khu vực", lãnh đạo UBND xã Trạm Hành thông tin.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, đến 16h30, hiện trường vụ sạt lở cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, khu vực có nguy cơ sạt lở tiếp nên cơ quan chức năng phong tỏa, cấm phương tiện lưu thông qua khu vực.
Bệnh sởi bùng phát mạnh tại Đắk Lắk
Sau ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 29/4, đến nay tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 108 người mắc bệnh sởi. Đáng chú ý, số ca bệnh tăng vọt trong 1 tháng qua với 92 người. Bệnh xuất hiện tại 12/15 huyện, thị xã, thành phố. Buôn Ma Thuột là nơi ghi nhận bệnh nhân sởi nhiều nhất với 56 trường hợp.
Ông Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết trên VOV, sở dĩ bệnh sởi trở lại sau 3 năm vắng bóng do năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tại tỉnh Đắk Lắk không có vắc xin phòng bệnh sởi dẫn đến tình trạng mất “khoảng trống miễn dịch”.
Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh sợi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các địa phương có ca bệnh tiến hành điều tra ca bệnh. Rà soát, thống kê những trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, sởi – rubella trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời lập kế hoạch, dự trù vắc-xin để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ.
Ông Lê Phúc cho biết, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã làm việc với một số ban chỉ đạo của xã để nắm bắt tình hình dịch bệnh; sắp tới cũng làm việc với các bệnh viện tư nhân liên quan đến việc cách ly điều trị bệnh sởi. Ngoài ra đơn vị cũng triển khai tiêm chủng, đặc biệt là tiêm sởi, tiêm bù cho những vùng có ca bệnh.
"Chúng tôi ưu tiên vaccine cho các địa bàn này để tập trung cho các đối tượng từ 1 đến 5 tuổi. CDC cũng tham mưu cho Sở Y tế triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng trẻ đang nằm trong bệnh viện để đáp ứng được miễn dịch cho trẻ”, ông Phúc nói.
Bình luận tiêu biểu (0)