Hà Nội dự kiến cấp thẻ hành nghề cho xe ôm
Theo VnExpress, ngày 30/11, UBND TP.Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến người dân về Dự thảo quyết định việc sử dụng xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn.
Theo đó người điều khiển các phương tiện trên để chở khách hay hàng hóa phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào Thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ này do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.
Người hành nghề chở khách hay hàng hóa khi hoạt động phải mang theo các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký xe; Giấy phép lái xe (nếu điều khiển xe môtô hai bánh); Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực; Thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.
Ngoài đóng dấu xác nhận thẻ hoạt động và lập danh sách đơn vị vận tải, người điều khiển phương tiện, UBND xã, phường, thị trấn cũng được giao bố trí vị trí đón trả khách và xếp dỡ hàng hóa cho xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia kinh doanh.
TP.Hà Nội khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia, thành lập các tổ chức (hợp tác xã, hội nghề nghiệp) để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.
Quy định dự kiến được xem xét ban hành trong năm 2024 và có hiệu lực ngay khi được ký. Tuy nhiên, dự thảo không đưa ra chế tài hay biện pháp xử phạt với những lái xe không chấp hành việc đăng ký thẻ.
5 năm trước tháng 8/2019, Hà Nội từng đề xuất cấp thẻ hành nghề cho xe ôm nhưng sau đó không thực hiện. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khi đó kỳ vọng quy định này sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo thói quen đi lại văn minh cho người dân.
Hiện thành phố chưa có thống kê số lượng xe ôm hành nghề trên địa bàn. Theo Sở Giao thông Vận tải, Hà Nội hiện có trên 8,1 triệu phương tiện, trong đó ôtô khoảng 1,1 triệu, môtô khoảng 7 triệu, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Thành phố có 239 xe xích lô du lịch hoạt động trong khu vực giới hạn tại khu vực trung tâm.
Vợ chồng ngư dân mất tích, công an tìm được mảnh lưới dính vài con cá nhỏ
Ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa (tỉnh Phú Yên), cho biết trên Dân trí, công an địa phương cùng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam (thị xã Đông Hòa) đang triển khai nhiều mũi công tác để tìm kiếm 2 vợ chồng mất tích trên sông Đà Nông.
Theo ông Phúc, đến nay công an cùng lực lượng ở địa phương mới phát hiện được mảnh lưới đánh cá của 2 nạn nhân, còn người và phương tiện chưa tìm thấy.
Thông tin ban đầu, giữa đêm 29/11, ông Võ Song Long và vợ Nguyễn Thị Thanh Luyến (cùng 38 tuổi) tạm trú tại khu phố Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, ra sông Đà Nông thuộc địa phương này để đánh bắt cá.
Đến sáng 30/11, gia đình nhiều lần liên lạc với 2 vợ chồng nhưng không thấy phản hồi. Lo có điều chẳng lành nên người thân đã báo cho lực lượng chức năng.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đến hiện trường, khẩn trương tìm kiếm người mất tích.
Được biết, vợ chồng ông Long hành nghề đánh bắt thủy hải sản trên sông Đà Nông. Phương tiện của họ là ghe nhỏ dài khoảng 4m.
Đến 10h30 hôm nay, công an cùng lực lượng ở địa phương đã tìm thấy mảnh lưới đánh cá của vợ chồng ông Long, bên trong chỉ dính vài con cá nhỏ.
Theo chính quyền địa phương, gia cảnh của vợ chồng ông Long rất khó khăn, có 4 người con đang tuổi đến trường.
Xuất hiện điểm sạt lở đường lên Cửa khẩu Cầu Treo
Theo tin tức trên Tiền phong, sau nhiều ngày mưa lớn, dọc tuyến quốc lộ 8A, đường lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xảy ra sạt lở đất. Cách khu vực cầu Eo Cô gái khoảng 30m có điểm sạt lở với hàng trăm m3 đất đá cây cối từ trên núi cao đổ sập xuống đường. Khối lượng đất đá này đổ xuống đường, dù không xảy ra ách tắc giao thông, song cũng khiến phương tiện di chuyển qua khó khăn.
Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết, do mưa khiến một số điểm có hiện tượng đất đá bị sạt lở. Để đảm bảo an toàn về người và tài sản khi di chuyển trên đường, ngành chức năng luôn tuyên truyền, nhắc nhở lái xe chú ý quan sát.
Hiện ngành chức năng đang lên phương án dọn dẹp. Được biết, quốc lộ 8A đoạn gần Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo vào mùa mưa thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở.
Thời gian qua, dự án nâng cấp quốc lộ 8 đã tập trung khắc phục 17 điểm thường xuyên sạt lở và có nguy cơ sạt lở,cải tạo, mở rộng 13 cầu cũ nhỏ hẹp, xuống cấp. Trong đó, điểm xây dựng cầu Eo Cô Gái nhằm xóa “điểm đen” sạt lở có tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng.