Bé trai tử vong sau 2 tháng bị chó cắn
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin ngày 1/12, ông Nguyễn Hữu Vĩnh - Chủ tịch xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cho biết, em N.V.P (11 tuổi) đã tử vong sau 2 tháng bị chó cắn vì nhiễm virus dại.
Theo điều tra dịch tễ, vào đầu tháng 10, em P. bị chó nhà ông bà nội cắn. Người thân sau đó đã xử lý vết thương rồi đưa đến nhà một thầy lang để lấy thuốc nam uống thay vì đến cơ sở y tế tiêm vaccine phòng dại.
Khoảng 1 tháng sau khi cắn em P., con chó phát bệnh dại rồi cào cấu một bé 11 tuổi hàng xóm. Ít ngày sau, con chó này bỏ đi.
Hơn 1 tuần trước, em P. bắt đầu lên cơn sốt và có nhiều triệu chứng của bệnh dại. Gia đình lập tức đưa đến Bệnh viện huyện Thanh Chương rồi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để chữa trị. Đến ngày 30/11, em P. tử vong.
"Ngoài trường hợp cháu bé đã tử vong, còn 1 cháu bé khác cũng bị con chó này cào bị thương nhưng gia đình không đưa đi tiêm phòng mà cũng lấy thuốc nam về uống phòng bệnh dại. Hôm 30/11, chúng tôi đã đến tận nhà đề nghị gia đình này đưa cháu đi tiêm phòng để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc", lãnh đạo UBND xã Thanh Đức nói.
Sở Y tế Nghệ An khuyến cáo, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khi mắc phải không có phương pháp chữa trị và tỷ lệ tử vong là 100%.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, hoặc liếm vào vết thương hở, cần rửa vết thương kỹ trong 15 phút dưới vòi nước chảy càng sớm càng tốt. Sau đó, dùng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn i-ốt để sát khuẩn vết thương, giúp giảm thiểu virus dại.
Người bị cắn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại. Tuyệt đối không sử dụng thuốc nam hay các phương pháp dân gian, gia truyền để điều trị.
Cứu bé trai 15 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng
VTV Times đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận điều trị thành công một trường hợp bệnh nhi nam 15 tuổi, bị sốc sốt xuất huyết nặng.
Cụ thể, bệnh nhi T.Q.V. (15 tuổi, trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4 của bệnh, bệnh nhi có biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh.
Bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, huyết áp kẹp 100/80 mmHg, chẩn đoán sốc sốt xuất huyết ngày 4. Các bác sĩ đã truyền dịch chống sốc theo phác đồ, nhưng tình trạng bệnh nhi vẫn diễn tiến nặng, biểu hiện suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nên được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, các bác sĩ tiếp tục truyền dịch cao phân tử chống sốc, dùng các thuốc vận mạch phối hợp. Bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm.
Tình trạng rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm nặng còn 5.000/microL (bình thường 200.000 - 300.000/microL) gây xuất huyết tiêu hoá nặng, đặc biệt gây chảy máu trong cơ vùng cánh tay phải. Bệnh nhi được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, vitamin K1.
Kết quả sau gần 10 ngày điều trị, bệnh nhi bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng đông máu trở về bình thường.
Hiện, số ca mắc sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, bệnh có thể diễn biến nặng gây nguy hiểm như trường hợp trên. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh, không nên chủ quan.
Di nguyện cao cả của cụ ông 86 tuổi ở Hòa Bình
Theo VTC News, trước lúc mất, cụ ông 86 tuổi ở Hoà Bình dặn dò con cháu về nguyện vọng sau khi qua đời muốn hiến toàn bộ mô tạng để giúp những người bệnh hồi sinh sự sống.
Ngày 30/11, khi cụ trút hơi thở cuối cùng, gia đình cùng Hội Chữ thập đỏ Hoà Bình báo tin cho Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Các cán bộ của đơn vị này đã về Hoà Bình tiếp nhận đôi giác mạc của cụ ông.
Quá trình thu nhận giác mạc diễn ra nhanh chóng, dưới sự chứng kiến của đại diện Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình, UBND phường Tân Thịnh, TP.Hòa Bình.
Bà Phạm Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình chia sẻ, cụ ông là tấm gương sáng cho cộng đồng. Hành động của cụ truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Đây là trường hợp hiến tặng giác mạc đầu tiên của tỉnh, dù đau buồn nhưng gia đình và địa phương cũng vinh dự, tự hào.
“Đó là nghĩa cử cao đẹp, tấm gương sáng về lòng nhân ái, minh chứng cho sức mạnh của tình yêu thương và sự sẻ chia trong cuộc sống”, bà Ánh nói.
Hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách đăng ký chờ ghép có gần 1.000 người, con số này ngày tăng lên theo thời gian. Từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Mắt Trung ương ghép giác mạc được hơn 60 ca.
Từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4/2007 - cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở Cồn Thoi (Kim Sơn, Ninh Bình) hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, hiện cả nước ghi nhận 963 người hiến, tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến), Nam Định (332 người hiến).