Chủ quan với bệnh này, người đàn ông rơi vào hôn mê
Theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội, Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai mới đây đã tiếp nhận một bệnh nhân nam (31 tuổi) được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg. Tình trạng huyết áp không giảm ngay cả khi đã được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch.
Người nhà chia sẻ, bệnh nhân có tiền sử chảy máu não bán cầu trái do tăng huyết áp từ năm 2020. Khi điều trị ổn định, bệnh nhân được cho về nhà dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp.
Sau một thời gian bệnh nhân thấy huyết áp bình thường, chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi nên tự ý bỏ thuốc không điều trị. Bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá, bia, rượu.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, khi tiếp nhận bệnh nhân nhập viện, huyết áp của người bệnh liên tục tăng cao. Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân tiếp tục chảy máu não bên đối diện, bên phải và lần này thể tích lớn hơn và có máu trong não thất.
Qua hội chẩn các chuyên khoa, bệnh nhân khó có thể tiến hành phẫu thuật do đã chảy máu cả 2 bên não và hôn mê sâu. Bệnh nhân được chỉ định tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa. Tại đây, bệnh nhân liên tục sốt cao, ý thức chậm, hôn mê, không cai được thở máy, tiên lượng nặng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80 - 85% số ca chảy máu não, còn 15 - 20% chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch…
Đáng chú ý, tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng kéo theo thực trạng đột quỵ đang trẻ hóa. Đây là một thực tế rất đáng báo động hiện nay.
Phẫu thuật cứu nam công nhân bị thanh gỗ dài đập trúng bụng
Theo thông tin trên VnExpress, trong lúc làm việc, nam công nhân 43 tuổi bị thanh gỗ dài văng ra đập trúng bụng. Anh được người nhà đưa đến một phòng khám tư nhân kiểm tra, tiêm thuốc giảm đau, rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cấp cứu.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương bụng kín, có đoạn ruột bị dập và có khả năng thoát khí ở mức độ tiềm ẩn, nghi ngờ thủng tạng rỗng. Tình trạng bệnh nhân rất nguy hiểm, các bác sĩ phẫu thuật khâu lỗ thủng ruột và làm sạch ổ bụng.
Hậu phẫu hai ngày, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, có thể ăn uống, vận động nhẹ nhàng. Người bệnh dần hồi phục và xuất viện sau 7 ngày điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần ý thức những nguy hiểm, trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ, tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn khi lao động. Nếu không may xảy ra tai nạn, cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt nhằm kịp thời được xử trí, điều trị thích hợp.
Tự chế pháo theo hướng dẫn trên mạng, 4 thiếu niên nhập viện
VTV Times đưa tin, vào 17h55 ngày 6/12, khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã tiếp nhận 4 bệnh nhân nam vào viện trong tình trạng bị bỏng tại nhiều vị trí trên cơ thể do pháo gây ra.
Cả 4 bệnh nhân cùng trú tại địa chỉ xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Điều đáng nói, các bệnh nhân đều đang ở độ tuổi 13 và 14. Qua khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân, các bệnh nhân bị bỏng khi đang chế pháo theo tìm hiểu trên Youtube.
Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết các trường hợp trên bị bỏng nhiệt ở cấp độ I, II, III, chiếm từ 20-30% diện tích cơ thể, tùy từng bệnh nhân.
Đến hiện tại, có 3 bệnh nhân bị bỏng nặng đã được bác sĩ phẫu thuật cắt lọc bỏng, một trường hợp khác đã được sơ cứu kịp thời, không cần phẫu thuật. Các bệnh nhân đã được chuyển tới khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình tiếp tục theo dõi và điều trị.
Tai nạn do pháo dịp gần Tết rất dễ gặp phải. Bỏng pháo được xem là một trong những loại bỏng nguy hiểm nhất. Để sơ cứu kịp thời và giảm thiểu tối đa hậu quả do bỏng nhiệt, bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình khuyến cáo, nếu bị tai nạn do pháo cần nhanh chóng ngâm, rửa vùng da bị bỏng bằng nước sạch trong 30 phút.
Người gặp nạn nên cởi bỏ quần áo chật, loại bỏ các dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám dính trên bề mặt da. Che phủ bề mặt vết bỏng bằng gạc hoặc khăn sạch và đưa người gặp nạn đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Đặc biệt, không được sơ cứu vết bỏng bằng cách bôi nước vôi, kem đánh răng, mỡ trăn hoặc đắp các loại lá lên vùng bị thương để tránh nhiễm trùng, biến chứng nghiêm trọng hơn.