TP.HCM sẽ chi 33 tỷ đồng để người dân đi metro miễn phí trong 1 tháng
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa gửi Văn phòng UBND TP dự thảo xây dựng Nghị quyết của HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện, cũng như hỗ trợ kinh phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng tại thành phố.
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành thương mại từ cuối tháng 12 tới. Do đó, TP.HCM dự kiến dự kiến sử dụng ngân sách 32,6 tỷ đồng/năm để hỗ trợ 100% giá vé cho một số đối tượng chính sách, gồm người có công với cách mạng; người khuyết tật; người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) và trẻ em dưới 6 tuổi có người lớn đi kèm.
Ngoài ra, trong 30 ngày đầu metro số 1 vận hành thương mại, TP.HCM sẽ chi ngân sách hỗ trợ 100% giá vé cho toàn bộ hành khách đi tàu và trên 17 tuyến xe buýt kết nối. Trong đó, kinh phí vận hành tàu điện để người dân trải nghiệm metro số 1 là 15,7 tỷ đồng, đi 17 tuyến xe buýt kết nối là 17,3 tỷ đồng.
Bên cạnh chính sách miễn phí vé, TP.HCM cũng sẽ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện. Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện là 2.226 tỷ đồng/năm.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, dự báo lượng khách đi metro 1 trong giai đoạn 1/1/2025 – 31/12/2027 mỗi ngày khoảng 39.000 lượt.
Giá vé tuyến metro số 1 - tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM nằm ở mức là 40.000 đồng/người/vé/ngày, không hạn chế lượt đi trong ngày, giá vé 3 ngày là 90.000 đồng.
Giá vé tháng với hành khách phổ thông là 300.000 đồng/người/vé/tháng; học sinh, sinh viên chỉ 150.000 đồng (giảm 50%).
Với giá vé lượt thanh toán bằng tiền mặt là từ 7.000 – 20.000 đồng tùy theo chặng; giá vé lượt thanh toán không dùng tiền mặt là từ 6.000 – 19.000 đồng tùy chặng.
16 năm chờ đợi tuyến metro 43.700 tỷ đồng dài nhất Việt Nam
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt năm 2008, khởi công năm 2012, dự kiến đưa vào khai thác sau 6 năm xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa khánh thành. Chậm giải ngân vốn, nhiều sự cố kỹ thuật phát sinh, khó khăn nhân sự, Covid-19 là những nguyên nhân khiến metro số 1 chậm trễ sau nhiều năm khởi công.
Tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 17.387 tỷ đồng, sau được điều chỉnh tăng lên 43.757 tỷ đồng. Đến nay chưa hẹn ngày vận hành thương mại chính thức. Song với kế hoạch vận hành từ cuối tháng 12/2024, người dân TP.HCM có thể hy vọng ngày được đặt chân lên metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã ở rất gần.
Đây là tuyến đường sắt đô thị dài nhất Việt Nam với tổng chiều dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao kết nối trung tâm thành phố về cửa ngõ phía Đông.
Toàn tuyến có 3 ga ngầm gồm Bến Thành, Nhà hát TP HCM, Ba Son và 11 ga trên cao là Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia TP HCM, Bến xe Suối Tiên.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM, các gói thầu của dự án metro số 1 hiện đã hoàn thiện 99,9%. Đơn vị đang khẩn trương tiến hành các công tác nghiệm thu, kiểm định an toàn hệ thống, phòng cháy chữa cháy và đăng kiểm. Các công đoạn còn lại sẽ được hoàn thành trong thời gian tới để chuẩn bị đưa tuyến metro vào khai thác thương mại chính thức trong năm 2024.
Thái Hà