Toàn cảnh tranh luận: Thông điệp đối chọi gay gắt và phản ứng của ông Trump, bà Harris khi rời sân khấu

Toàn cảnh tranh luận: Thông điệp đối chọi gay gắt và phản ứng của ông Trump, bà Harris khi rời sân khấu

Thứ 4, 11/09/2024 07:55
Cuộc tranh luận đầu tiên và có thể là duy nhất giữa ông Trump và bà Harris được đánh giá là cuộc đối đầu mang tính quyết định tới đường đua Tổng thống Mỹ 2024.

Cuộc tranh luận giữa ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump và Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris do ABC News tổ chức lúc 9 giờ tối ngày 10/9 (theo giờ địa phương) được coi là cuộc đối đầu mang tính quyết định tới đường đua Tổng thống Mỹ 2024.

Sự kiện diễn ra chỉ 8 tuần trước cuộc bầu cử ngày 5/11, khi cả hai ứng cử viên đang trong một cuộc đua mà truyền thông Mỹ cho là sát sao và có thể dễ dàng chuyển hướng. Công tác bỏ phiếu sớm sẽ bắt đầu tại một số bang chỉ vài ngày sau cuộc tranh luận.

Sự kiện đã kết thúc sau 90 phút tranh luận giữa 2 ứng viên. Thông tin mới nhất được chúng tôi cập nhật phía trên đầu bài. Mời quý độc giả theo dõi.

***

Hai ứng viên rời sân khấu mà không bắt tay nhau - Khả năng có cuộc tranh luận trực tiếp thứ 2?

Cuộc tranh luận, bắt đầu tương đối lịch sự khi 2 ứng viên bắt tay nhau nhưng khi kết thúc, mỗi người lại lặng lẽ bước ra khỏi sân khấu theo hai hướng ngược nhau mà không hề tương tác.

Ngay sau khi sự kiện kết thúc, chiến dịch của bà Harris đã thách thức ông Trump tham gia cuộc tranh luận thứ hai.

"Người dân Mỹ có thể thấy rõ lựa chọn mà họ sẽ đối mặt vào mùa thu này tại phòng bỏ phiếu: tiến lên cùng Kamala Harris, hoặc lùi lại với Trump", chủ tịch chiến dịch Jen O’Malley Dillon nói trong một thông cáo. "Đó là những gì họ đã thấy tối nay và họ nên thấy ở một cuộc tranh luận thứ hai vào tháng Mười. Phó Tổng thống Harris đã sẵn sàng cho cuộc tranh luận thứ hai. Còn ông Donald Trump thì sao?"

Trả lời cho câu hỏi tương tự đến từ báo giới, ông Trump nói: "Tôi không biết liệu chúng tôi có thực hiện không".

Cựu Tổng thống khẳng định rằng khảo sát sau sự kiện cho thấy ông đã thắng và nhấn mạnh: "Họ lập tức kêu gọi tranh luận lần thứ 2 là vì họ thua".

Ông Trump kết thúc cuộc tranh luận với chỉ trích về nhiệm kỳ của bà Harris

Cựu Tổng thống Trump đã kết thúc cuộc tranh luận với phát biểu cuối cùng của mình, chỉ trích những gì bà Harris đã làm trong nhiệm kỳ của mình suốt ba năm rưỡi qua.

"Bà ấy bắt đầu nói là bà ấy sẽ làm chuyện này, chuyện kia. Bà ấy sẽ làm tất cả những điều tuyệt vời. Thế vì sao còn chưa làm? Bà ấy đã tại nhiệm 3 năm rưỡi".

"Họ đã có 3 năm rưỡi để sửa chữa biên giới, tạo ra việc làm và tất cả những gì ta đã nói. Vậy tại sao bà ấy còn chưa hoàn thành? Bà ấy nên rời đi ngay bây giờ, tới Tòa Bạch Ốc đẹp đẽ, tới Điện Capitol, tập trung mọi người lại và làm những gì bà ấy muốn mà còn chưa làm được và sẽ không làm được", ông Trump nói về nhiệm kỳ phó tổng thống của bà Harris.

Ông cho rằng Mỹ đang là một đất nước thất bại, đang tụt dốc, bị bỏ lại ở mọi nơi trên thế giới và coi đó là trách nhiệm của chính quyền hiện tại.

"Điều mà những người này đã làm với đất nước chúng ta là để cho hàng triệu người tới, rất nhiều trong số đó là tội phạm. Họ đã phá hủy đất nước của chúng ta - tổng thống tệ nhất, phó tổng thống tệ nhất lịch sử nước Mỹ", ông kết thúc phần phát biểu của mình.

8

Bà Harris: Chúng ta sẽ không đi giật lùi

Trong phần phát biểu kết thúc tranh luận, Phó tổng thống Kamala Harris đã cố gắng tạo ra một sự đối lập về tầm nhìn cho nước Mỹ giữa bà và ông Trump: "Một người tập trung vào tương lai và người còn lại thì nhìn về quá khứ và tìm cách đi giật lùi".

"Nhưng chúng ta sẽ không đi ngược trở lại", bà Harris nói.

"Và tôi tin rằng người dân Mỹ biết rằng chúng ta có nhiều điểm chung hơn là những điều chia rẽ chúng ta, và chúng ta có thể định hình một hướng đi mới về phía trước."

Bà cũng cố gắng dành một khoảng thời gian ngắn để "giới thiệu bản thân" với những khán giả có thể chưa quen thuộc với chính sách và hồ sơ của mình, làm nổi bật lý lịch của bà với tư cách là một công tố viên, Tổng chưởng lý bang California và Thượng nghị sĩ Mỹ.

Bà nhấn mạnh rằng đối tượng hướng đến là con người, chứ không phải đảng phái: "Tôi không hỏi họ đến từ Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ. Tôi chỉ hỏi họ: Bạn có ổn không?"

"Và đó là kiểu tổng thống mà ta cần ở thời điểm hiện tại, một người quan tâm tới bạn, chứ không ưu tiên cho bản thân mình trước. Tôi dự định sẽ trở thành một tổng thống dành cho toàn thể người dân Mỹ và tập trung vào những gì ta có thể làm trong 10, 20 năm nữa để xây dựng lại đất nước chúng ta bằng cách đầu tư vào chính các bạn, người dân Mỹ".

7

Về vấn đề bà Harris "tình cờ trở thành người da màu"

Khi được hỏi về những bình luận trước đây từng đưa ra về Kamala Harris, rằng bà "tình cờ trở thành người da màu" vì mục đích chính trị, cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng ông "không quan tâm" tới vấn đề chủng tộc của bà.

"Tôi không quan tâm bà ấy là gì", Trump nói. "Tôi đọc được ở đâu đó rằng bà ấy không phải là người da màu, rằng bà ấy từng tuyên bố như vậy và tôi nói vậy. Thế rồi sau này tôi lại đọc được đâu đó rằng bà ấy là người da màu, cả hai trường hợp với tôi đều ổn".

Harris gọi những bình luận của Trump về chủng tộc là một "thảm kịch".

"Thành thật mà nói, tôi nghĩ đó là một thảm kịch khi chúng ta có ai đó muốn trở thành tổng thống mà đã liên tục, trong suốt sự nghiệp của mình, cố gắng sử dụng chủng tộc để chia rẽ người Mỹ", bà nói.

Harris tiếp tục công kích những gì ông Trump làm trước đó về vấn đề chủng tộc ở Mỹ, đề cập tới vụ kiện về phân biệt đối xử trong nhà ở mà công ty bất động sản của ông đối mặt vào những năm 1970, và "âm mưu" chứng minh cựu Tổng thống Barack Obama không được sinh ra ở Mỹ mà ông Trump đã khởi xướng.

Ông Trump gắn bà Harris với chính quyền Biden, Phó tổng thống nói về thế hệ mới của nước Mỹ

Trong cuộc tranh luận, ông Donald Trump một lần nữa cố gắng liên kết bà Kamala Harris với một số chính sách không được ưa chuộng của chính quyền Biden, khẳng định Phó tổng thống “là Biden".

"Hãy nhớ điều này, bà ấy chính là Biden. Bà ấy biết điều đó, bà ấy đang cố gắng tránh xa Biden. 'Tôi không biết ông ta là ai', bà ấy nói như vậy. Bà ấy chính là Biden", ông nói và nhấn mạnh rằng nhiệm kỳ của ông Biden là "nhiệm kỳ gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ".

Bà Harris chỉ cười và chỉ vào chính mình rồi nói: "Rõ ràng, tôi không phải là Joe Biden và tôi chắc chắn không phải là Donald Trump. Và những gì tôi đề xuất là một thế hệ lãnh đạo mới cho đất nước chúng ta".

6

Bà Harris bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, đổ lỗi cho ông Trump về tình hình

Điều phối viên David Muir của ABC News đã hỏi Phó tổng thống liệu bà có cảm thấy mình chịu trách nhiệm nào trong cách thức rút quân của Mỹ ở Afghanistan hay không. Vấn đề này liên quan tới vụ đánh bom tự sát tại sân bay quốc tế Kabul, khiến 13 đặc vụ Mỹ thiệt mạng.

Bà Harris trả lời câu hỏi bằng cách bảo vệ quyết định của chính quyền Biden khi chấm dứt cuộc chiến lâu dài nhất của nước Mỹ.

Sau đó, bà chuyển sang chỉ trích ông Trump vì cách ông đàm phán thỏa thuận hòa bình với Taliban.

Cựu tổng thống lên tiếng bảo vệ vai trò của chính quyền ông khi đàm phán với Taliban về việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và công kích chính quyền Biden về cách họ xử lý những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

"Chúng tôi đã có một thỏa thuận do [Ngoại trưởng Mỹ thời chính quyền Trump] Mike Pompeo đàm phán, đó là một thỏa thuận rất tốt", ông Trump cho rằng nếu chính quyền của ông thực thi việc này thì nước Mỹ sẽ rút lui nhanh hơn thế, không để các binh sĩ Mỹ thiệt mạng và không để lại người Mỹ ở phía sau.

Ông Trump lảng tránh khi được hỏi: Ukraine có nên thắng không?

Khi được điều phối viên David Muir hỏi liệu ông có muốn Ukraine thắng trong cuộc xung đột với Nga hay không, ông Trump không trả lời trực tiếp. Ông chỉ nói rằng ông muốn cuộc chiến phải chấm dứt.

Điều phối viên Muir tiếp tục lặp lại câu hỏi và nhấn mạnh rằng, cựu tổng thống chỉ cần trả lời: Là có hay là không. Ông Trump nói: "Tôi nghĩ kết thúc cuộc chiến này là có lợi nhất với Mỹ".

Về vấn đề làm thế nào để kết thúc xung đột Nga - Ukraine, ông Trump tỏ ra tự tin, đồng thời chỉ trích cách làm của chính quyền Tổng thống Biden.

"Tôi biết rõ [Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelensky. Tôi biết rõ [Tổng thống Nga Vladimir] Putin. Tôi có mối quan hệ tốt và họ tôn trọng Tổng thống Mỹ. Họ tôn trọng tôi. Họ không tôn trọng Biden. Vì sao chứ? Vì lý do gì? Ông ấy thậm chí còn không buồn điện đàm với Putin suốt 2 năm. Ông ấy không trao đổi với ai cả. Ông ấy thậm chí còn không cố thử tìm cách".

"Tôi thậm chí sẽ có thể dàn xếp xong xung đột trước khi nhậm chức, nếu tôi giành chiến thắng, khi tôi là tổng thống đắc cử. Khi làm việc đó, tôi sẽ trao đổi với người này, rồi tiếp đó trao đổi với người kia, tôi sẽ khiến họ phải nói chuyện với nhau. Cuộc chiến đó sẽ không bao giờ xảy ra", Cựu tổng thống Mỹ nói.

5

Bà Harris: Nếu Tổng thống là ông Trump thì giờ ông Putin đã ở Kiev

Ông Trump khẳng định cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể dẫn tới Thế chiến III và dành nhiều thời gian để công kích cá nhân ông Biden, khiến bà Harris phải nói: "Không phải ông đang tranh cử với Biden, ông đang đối đầu với tôi".

Bà nhấn mạnh sự hỗ trợ mà chính quyền Biden đã dành cho Kiev, chẳng hạn như hệ thống phòng không và đạn dược, tên lửa.

Bà cho rằng: "Nếu Tổng thống là ông Trump thì giờ ông Putin đã ở Kiev" và Trump phản bác: "Putin sẽ ngồi ở Moscow và ông ấy sẽ không mất 300.000 người. Ông ấy sẽ ngồi yên ở Moscow, và vui vẻ hơn bây giờ rất nhiều".

Ông Trump tố bà Harris không ngăn cản trước khi xung đột bắt đầu, Phó tổng thống nói gì?

Ông Trump khẳng định bà Kamala Harris đã không đảm bảo hòa bình sau khi được cử đi đàm phán với các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga trước khi xung đột nổ ra. Phó Tổng thống liên tục lắc đầu khi nghe những lời đối thủ nói.

Khi người điều phối David Muir hỏi trực tiếp Harris liệu bà đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa, Harris đáp: “Tôi đã nói ngay từ đầu cuộc tranh luận này, các bạn sẽ nghe thấy một số lời dối trá đến từ người đàn ông kia. Và đó là một trong số đó".

Phó tổng thống Harris nói rằng bà chỉ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần.

“Thực tế là, đây là động thái thể hiện lập trường vững vàng như Mỹ luôn nên làm, như một nhà lãnh đạo duy trì các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, như một nhà lãnh đạo thể hiện sức mạnh, hiểu rằng các liên minh chúng ta có trên thế giới phụ thuộc vào khả năng chúng ta", Harris nói. "Và đó chính xác là điều đang được đặt cược ở đây".

Xung đột Israel - Hamas: Bà Harris ủng hộ giải pháp 2 nhà nước, ông Trump lảng tránh câu hỏi

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas là một trong những vấn đề gây chia rẽ chính trị mạnh mẽ nhất đối với Đảng Dân chủ, và bà Harris hầu hết đã thuận theo lập trường của Tổng thống Joe Biden trong vấn đề này khi cố gắng cân bằng quan điểm ủng hộ không dao động đối với an ninh của Israel, đồng thời lên án sự đau khổ của dân thường Palestine ở Gaza.

"Những gì chúng ta biết là cuộc chiến này phải chấm dứt", bà nói, "Nó phải chấm dứt ngay lập tức. Cách để nó kết thúc là chúng ta cần một thỏa thuận ngừng bắn và chúng ta cần những con tin. Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ về vấn đề đó".

Sau khi bà Harris bày tỏ sự ủng hộ cho một giải pháp hai nhà nước trong xung đột Palestine và Israel, ông Trump đã né tránh câu hỏi và chỉ lặp lại tuyên bố của mình rằng bà Harris và đảng Dân chủ ghét Israel, và rằng những xung đột này sẽ không xảy ra dưới thời của ông.

"Bà ấy ghét Israel. Bà ấy thậm chí còn không chịu gặp ông Netanyahu khi ông ấy tới", ông Trump nói và khẳng định mình rất giỏi tiên đoán. "Nếu bà ấy đắc cử, Israel sẽ không thể tồn tại được trong vòng 2 năm kể từ hiện tại".

"Tôi sẽ giải quyết vấn đề đó nhanh chóng, và tôi sẽ kết thúc xung đột giữa Ukraine và Nga nếu tôi được bầu làm tổng thống, tôi sẽ hoàn thành nó trước cả khi nhậm chức", ông tuyên bố và nhắc đến một cuộc xung đột khác.

Cựu tổng thống Trump không thừa nhận thua trong cuộc bầu cử 2020

Ông Trump đã bác bỏ những bình luận gần đây của mình trong đó ông dường như chấp nhận việc ông đã thua cuộc bầu cử năm 2020, bao gồm cả bình luận rằng ông "thua sát nút."

"Tôi đã nói như vậy à?" ông nói.

"Ông có thừa nhận mình đã thua trong năm 2020 không?", người điều phối David Muir hỏi.

"Không, tôi không hề thừa nhận điều đó", ông Trump nói, "Câu đó là mỉa mai thôi".

9
Hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris trong cuộc tranh luận. Ảnh: Getty

Bà Harris đề cập sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa

Phó tổng thống Harris nói rằng bà được hơn 200 thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ, bao gồm cả cựu Phó Tổng thống Dick Cheney và cựu nhân viên của ông Trump.

"Nếu bạn muốn biết rõ về quan điểm từ phía những người đã từng làm việc với cựu tổng thống, nếu ông ấy chưa làm rõ điều đó, chỉ cần hỏi những người đã làm việc với ông ấy", bà Harris nói, đồng thời chỉ ra rằng cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump nói rằng ông "nguy hiểm và không phù hợp".

Ông Trump phản hồi rằng ông "đã sa thải hầu hết những người đó".

Ông Trump lảng tránh khi bị hỏi về vụ bạo loạn 6/1

Khi được hỏi liệu ông có hối tiếc về hành động của mình vào ngày 6/1/2021 không, cựu Tổng thống khẳng định ông đã ra lệnh cho đám đông rời đi "một cách bình yên" và bào chữa cho những người biểu tình.

"Nhóm người này bị đối xử quá tệ", ông Trump nói.

Khi câu hỏi được lặp lại một lần nữa, ông trả lời: "Tôi không liên quan gì đến việc đó ngoại trừ họ đã yêu cầu tôi phát biểu. Tôi chỉ đến để phát biểu."

Bà Harris: Chính sách Trung Quốc của Mỹ nên “đảm bảo rằng Mỹ thắng trong cuộc cạnh tranh cho Thế kỷ 21”

Khi được hỏi về lý do tại sao chính quyền Biden vẫn giữ một số mức thuế quan từ thời kỳ Trump, bà Harris nói: “Chúng ta hãy rõ ràng rằng chính quyền Trump đã gây ra tình trạng thâm hụt thương mại, ở một trong những mức cao nhất mà chúng ta từng thấy trong lịch sử nước Mỹ”.

Phó Tổng thống đề cập tới thỏa thuận của ông Trump và Trung Quốc trong giai đoạn ông tại nhiệm. "Trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, ông ấy cuối cùng đã bán chip Mỹ cho Trung Quốc để giúp họ cải thiện và hiện đại hóa quân đội của họ”.

Theo bà Harris, chính sách Trung Quốc của Mỹ nên “đảm bảo rằng Mỹ thắng trong cuộc cạnh tranh cho Thế kỷ 21”.
Về phần mình, ông Trump phản bác bằng cách nói rằng Trung Quốc đã mua chip từ Đài Loan (Trung Quốc) và nhận được cái lắc đầu từ bà Harris cùng câu nói: "Không đúng".

Sau đó, bà Harris tiếp tục chỉ trích ông Trump vì đã khen ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong đại dịch Covid-19.

Tranh cãi về quyền sinh sản của người Mỹ

Phó Tổng thống Kamala Harris đã chỉ trích những gì bà gọi là "lệnh cấm phá thai của Trump" khi tranh luận về quyền sinh sản của người Mỹ.

"Người ta không cần phải từ bỏ đức tin hay niềm tin sâu sắc của mình để đồng ý rằng chính phủ và chắc chắn là Donald Trump không nên bảo một người phụ nữ phải làm gì với cơ thể của mình", bà Harris nói.

Bà nói rằng chính sách về quyền phá thai của ông Trump không có ngoại lệ cho trường hợp hiếp dâm hay loạn luân, điều mà bà gọi là "vô đạo đức."

"Tôi nghĩ người dân Mỹ tin rằng một số quyền tự do — đặc biệt là tự do đưa ra quyết định về cơ thể của mình — không nên được chính phủ quyết định", phó tổng thống nói.

Phản bác bà Harris, ông Trump từ chối đưa ra tuyên bố phủ quyết đối với lệnh cấm phá thai trên toàn quốc nếu một dự luật như vậy được đưa đến bàn làm việc của mình.

"Tôi không cần phải làm vậy", ông Trump nói. Truyền thông Mỹ cho rằng đây là lời ám chỉ rằng dự luật đó sẽ không bao giờ được thông qua.

Người điều hành tranh luận sau đó đã hỏi ông Trump về thông tin mà liên danh tranh cử ông, Thượng nghị sĩ JD Vance của Ohio từng nói - rằng ông sẽ phủ quyết dự luật đó.

"À, tôi không thảo luận với JD", ông Trump đáp lại, "Tôi không phiền nếu ông ấy có quan điểm nhất định nào đó".

Cựu tổng thống dành phần lớn thời gian phản hồi chỉ trích đảng Dân chủ vì quá "tự do" trong việc tiếp cận phá thai và đưa ra thông tin sai khi nói rằng đảng Dân chủ ủng hộ việc phá thai sau khi sinh, một tuyên bố đã bị người điều phối của ABC News Linsey Davis phủ nhận ngay lập tức.

"Không có bang nào ở đất nước này cho phép sát hại một đứa bé sau khi nó được sinh ra", cô Davis nói.

4

Chủ đề đầu tiên: Kinh tế và chi phí sinh hoạt

Khi được hỏi liệu đời sống của người Mỹ hiện nay có khá hơn so với 4 năm trước không, bà Harris, người đưa ra câu trả lời đầu tiên đã nói về kế hoạch của mình nhằm giúp đỡ các gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Bà nhắm vào Trump khi nói rằng ông chỉ tìm cách giảm thuế cho "tỷ phú và các công ty lớn".

Ông Trump khẳng định mình đã tạo ra nền kinh tế tốt nhất cho nước Mỹ trong nhiệm kỳ của mình và tuyên bố sẽ khiến nền kinh tế của nước này trở nên tốt hơn nếu đắc cử.

Giá cả cao là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người Mỹ khi họ đang gặp khó khăn để chi trả chi phí sinh hoạt sau một thời gian lạm phát tăng vọt. Trong cuộc thăm dò mới của CNN tại sáu bang cân bằng, vấn đề kinh tế vẫn là chủ đề mà cử tri thường chọn khi được hỏi điều gì quan trọng trong lựa chọn tổng thống của họ.

1
Hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris trong cuộc tranh luận. Ảnh: Getty

Bà Harris: Chính quyền Biden phải "dọn dẹp mớ hỗn độn" mà ông Trump để lại

Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết chính quyền của Biden đã phải "dọn dẹp mớ hỗn độn mà ông Trump để lại" sau 4 năm ở Nhà Trắng.

Bà cáo buộc ông Trump đã để lại cho Hoa Kỳ "tỷ lệ thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng", "vụ tấn công tồi tệ nhất đối với nền dân chủ kể từ Nội chiến Mỹ" và "đại dịch sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong một thế kỷ".

Bà Harris cũng chỉ trích ông đã tham gia vào Dự án 2025, một bản kế hoạch dày 922 trang với các đề xuất chính sách gây tranh cãi mà bà gọi là "kế hoạch nguy hiểm". Tuy nhiên, cựu Tổng thống Trump phủ nhận sự tham gia của mình mặc dù nó được ít nhất 20 thành viên trong chính quyền và đồng minh của ông soạn thảo.

2

Ông Trump: Bà ấy không có kế hoạch đâu!

Bà Harris cho rằng tất cả những gì ông Trump dự tính là cắt giảm thuế cho người giàu và nhấn mạnh định hướng chính sách của mình là “nền kinh tế cơ hội”, bao gồm kế hoạch trừ thuế liên quan tới trẻ em, các khoản hỗ trợ về nhà ở và tìm cách ngăn chặn giá cả leo thang.

Đáp trả phó tổng thống, ông Trump nhiều lần lặp lại câu nói: "Bà ấy không có kế hoạch đâu".

Trong cuộc tranh luận, ông cũng lên tiếng bảo vệ kế hoạch của mình về việc áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ các nước khác.

"Chúng ta đang áp thuế lên các nước khác. Các nước khác cuối cùng, sau 75 năm, sẽ phải trả lại cho chúng ta", ông Trump nói, "Thuế quan sẽ rất đáng kể trong một số trường hợp."

3

Cuộc tranh luận giữa 2 đối thủ chưa từng gặp mặt bắt đầu

21h ngày 10/9 (theo giờ địa phương, tức 8h ngày 11/9 theo giờ Hà Nội), cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa ông Trump và bà Harris đã bắt đầu.

Theo ABC News, ông Trump đã thắng trong phiên tung xu để quyết định vị trí đứng và thứ tự phát biểu kết luận trong cuộc tranh luận. Cựu Tổng thống Mỹ đã chọn phát biểu cuối cùng và Phó Tổng thống Kamala Harris chọn vị trí bục đứng phía bên phải trên màn hình.

Dưới đây là một số thông tin sơ lược về hai ứng viên:

 

KAMALA HARRIS

✤ Tuổi: 59

✤ Đảng: Dân chủ

✤ Kinh nghiệm trước đây: Harris tốt nghiệp Đại học California với bằng luật và hoạt động trong lĩnh vực tư pháp trước khi được bầu vào Thượng viện Mỹ, trở thành người phụ nữ da màu thứ hai và người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên bước vào cơ quan này. Tháng 11/2020, bà trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ và là người da màu đầu tiên giữ vị trí này.

✤ Hứa hẹn trong chiến dịch: Harris ủng hộ việc bảo vệ quyền phá thai, quyền của cộng đồng LGBT+ và các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu. Bà hứa hẹn giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng lương tối thiểu. Về an ninh đối ngoại, Harris cam kết sẽ đứng về phía các đồng minh của Mỹ và đảm bảo rằng "nước Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, thắng trong cuộc cạnh tranh cho thế kỷ 21".

 

DONALD TRUMP

✤ Tuổi: 78

✤ Đảng: Cộng hòa

✤ Kinh nghiệm trước đây: Trump tốt nghiệp Đại học Pennsylvania với bằng cử nhân kinh tế. Trước khi khởi động chiến dịch tổng thống thành công năm 2016 và trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Trump là một nhà phát triển bất động sản, doanh nhân và ngôi sao truyền hình thực tế với tư cách là người dẫn chương trình của "The Apprentice" .

✤ Hứa hẹn trong chiến dịch: Trump cho biết, nếu giành được thêm một nhiệm kỳ, ông sẽ cải tổ các nhóm chức năng chính của chính phủ liên bang, đảo ngược một số chính sách được áp dụng sau khi ông rời Nhà Trắng nhiệm kỳ đầu và mạnh tay trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Ông cũng tuyên bố sẽ xử lý các đối thủ chính trị của mình và chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.

 

 

Ban Quốc tế

Cùng chuyên mục

Tạm giữ thầy giáo nhiều lần dâm ô với học sinh nữ

Thứ 3, 15/10/2024 08:45
Theo kết quả điều tra ban đầu, Lương đã nhiều lần có hành vi dâm ô đối với một nữ học sinh của trường và bị gia đình của bị hại tố cáo

Có gì phía sau sự chuyển mình bất ngờ Biti’s Hunter - cú lộn ngược dòng của đế chế giày dép?

Thứ 3, 15/10/2024 08:22
Với việc thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu sau gần một thập kỷ chuyển mình, Biti’s Hunter đã phát đi một thông điệp lớn “Không bước tới - Không gì mới” và tiếp tục lan tỏa những giá trị tự hào Việt.

Lê Văn Vàng giả mạo tổ chức nước ngoài thế nào?

Thứ 3, 15/10/2024 07:51
Để thực hiện hành vi lừa đảo, Lê Văn Vàng tự soạn thảo ra một tài liệu tiếng Anh có tiêu đề được dịch ra tiếng Việt là “Thư chấp thuận” và tự ký tên là Max Mooney.

Trung Quốc kín tiếng chuyện "thích" ông Trump hay bà Harris: Ứng viên nào khiến Bắc Kinh đau đầu?

Thứ 3, 15/10/2024 06:30
Trung Quốc không đưa ra bình luận chính thức nào về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khiến các nhà quan sát mâu thuẫn về việc bà Harris hay ông Trump là ứng viên có lợi hơn cho Bắc Kinh.

Bắt tạm giam một hiệu trưởng

Thứ 2, 14/10/2024 22:59
Bị can Nguyễn Quyết Thắng bị khởi tố để điều tra về hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
     
Nổi bật trong ngày

WP: Vài nghìn lính Triều Tiên tới Ukraine, lộ điểm tập kết; Kiev đối mặt kịch bản đáng sợ ở biên giới?

Thứ 2, 14/10/2024 12:16
Khác với thông tin trước đó rằng Triều Tiên chỉ điều công binh tới Ukraine, truyền thông Mỹ và Ukraine nói rằng Bình Nhưỡng còn triển khai vài nghìn lính bộ binh tới hỗ trợ Nga.

Lê Văn Vàng giả mạo tổ chức nước ngoài thế nào?

Thứ 3, 15/10/2024 07:51
Để thực hiện hành vi lừa đảo, Lê Văn Vàng tự soạn thảo ra một tài liệu tiếng Anh có tiêu đề được dịch ra tiếng Việt là “Thư chấp thuận” và tự ký tên là Max Mooney.

Nhan sắc ám ảnh của sao nữ bị khán giả chế giễu suốt 30 năm

Thứ 2, 14/10/2024 12:09
Nữ diễn viên bỏ 105 tỷ ra làm phim nhưng rồi phải rút khỏi giới giải trí vì bị chỉ trích.

Có gì phía sau sự chuyển mình bất ngờ Biti’s Hunter - cú lộn ngược dòng của đế chế giày dép?

Thứ 3, 15/10/2024 08:22
Với việc thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu sau gần một thập kỷ chuyển mình, Biti’s Hunter đã phát đi một thông điệp lớn “Không bước tới - Không gì mới” và tiếp tục lan tỏa những giá trị tự hào Việt.

Mỹ triển khai THAAD, điều lính "lâm trận" ở Israel: Động thái bất thường nhằm ngăn chiến tranh toàn diện?

Thứ 2, 14/10/2024 13:30
Theo Reuters, việc Mỹ triển khai quân sự tới Israel ngoài hoạt động tập trận là rất hiếm gặp nếu xét tới năng lực quốc phòng của Israel.
xe.nguoiduatin.vn