*Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Tôn (36 tuổi, Trung Quốc).
Đã gần 20 năm kể từ khi tốt nghiệp, ngoại trừ một số người gần gũi, về cơ bản tôi chưa bao giờ gặp lại phần lớn các bạn cùng lớp của mình. Ngày xưa khi còn đi học, mọi người đối xử với nhau rất tốt.
Tuy nhiên, sau khi bước vào xã hội, bạn sẽ thấy khoảng cách giữa các bạn cùng lớp, từ gia đình đến thu nhập, từ mối quan hệ đến nguồn lực, càng lớn lên, khoảng cách đó càng ngày càng rõ ràng.
Cuộc sống hiện tại của tôi thì khá ổn. Vợ tôi làm nhân viên văn phòng, còn tôi khi góp vốn mở một tiệm bánh nhỏ. Thu nhập của hai vợ chồng không nhiều nhưng vẫn ở mức ổn.
Cuộc hội ngộ sau 18 năm
Mới đây, nhóm bạn học cấp ba vốn im lặng nhiều năm bỗng trở nên sôi nổi. Hóa ra lớp trưởng khởi xướng, muốn tổ chức một buổi họp lớp. Tôi đếm trên đầu ngón tay và nhận ra rằng đã 18 năm kể từ khi ra trường. Đến ngày hẹn, chúng tôi tề tựu trong một nhà hàng sang trọng của thành phố.
Tại đây, tôi gặp Đại Lưu, bạn cùng bàn ba năm. Sau này, tôi phát hiện ra cậu ấy là người thích buôn chuyện, còn tôi thì không. Trong đám đông, tôi nhìn thấy Đại Lưu. Tôi thấy anh ấy có vẻ ngoài khá bảnh bao, tóc vuốt keo, đeo chiếc dây chuyền vàng to bản, mang đôi giày da sáng bóng. Khi thấy tôi đến, Đại Lưu tỏ ra vui mừng, chạy tới hỏi han.
Sau đó, một số bạn học có quan hệ tốt tụ tập lại với nhau. Mọi người đều mặc quần áo giản dị, ngoại trừ Đại Lưu. Phần lớn bạn học trò chuyện về việc ai lái xe gì, ai sống trong biệt thự, ai còn ở nhà thuê… Đó là những câu chuyện phiếm, tôi không muốn bàn luận về những vấn đề này.
Các bạn cũ có mặt ngày càng đông. Có người mang theo túi xách, đồng hồ nổi tiếng, bàn tán về những dự án lớn… Phản ứng của mọi người cũng không giống nhau.
Tôi nhận thấy Đại Lưu hầu như không ngồi vào chỗ của mình mà liên tục đi giao lưu. Một lúc sau, cậu ấy tiến đến chỗ tôi. Sau vài lời hỏi thăm xã giao, Đại Lưu khen chiếc điện thoại của tôi là dòng mới nhất, thiết kế thời thượng.
Tôi tưởng Đại Lưu sẽ chuyển sang mục tiêu tiếp theo, nhưng không ngờ cậu ấy ngồi lại. Cậu ấy lại gần tai tôi, nhỏ giọng hỏi tôi: "Cậu đang làm việc ở đâu? Hàng tháng kiếm được nhiều không?".
Nếu tính tổng thu nhập hiện tại của tôi hàng tháng thì khoảng 20.000 NDT (khoảng 70 triệu đồng). Nhưng trước đó, vợ tôi đã khuyên không nên quá thành thật khi nói về thu nhập của mình, tôi đáp: “Không nhiều, khoảng 4.000 NDT (khoảng 14 triệu đồng)”. Lần này, ánh mắt của Đại Lưu sáng lên, cậu ấy lập tức thay đổi sắc mặt, không còn nhiệt tình như trước.
Bị chặn lúc nào không hay
Sau bữa ăn, một số bạn cùng lớp đề nghị chúng tôi đổi sang một địa điểm khác, nhưng mọi người không mặn mà, cuối cùng thì ai về nhà đó. Khi buổi họp kết thúc, Đại Lưu cũng không thấy đâu.
Về đến nhà, tôi bật tính năng không làm phiền trên điện thoại vì thông báo trong nhóm lớp quá nhiều. Chủ yếu là thông báo đã về đến nhà an toàn. Vì lịch sự nên tôi cũng làm theo và gửi vào nhóm một tin nhắn.
Sau khi thay quần áo và nghỉ ngơi, tôi mở điện thoại ra kiểm tra và thấy dòng thông báo "tin nhắn đã được gửi đi nhưng bị bên kia từ chối". Lúc này tôi nhận ra, mình đã bị chặn. Nghĩ lại buổi gặp mặt, tôi không hề đắc tội với ai. Có lẽ, nguyên nhân khiến tôi bị chặn là con số 4.000 NDT kia. Tôi tức giận và rời khỏi nhóm.
Cuối năm, vợ tôi ngỏ ý mua cho tôi một chiếc ô tô mới để tiện cho việc đi lại của gia đình. Tôi đăng ảnh chiếc xe mới lên mạng xã hội. Kết quả là, ngoài người thân và bạn bè thân thiết của hai vợ chồng, nhiều bạn cùng lớp cấp ba cũng để lại lượt thích và bình luận nói rằng họ ghen tị với tôi.
Không lâu sau, Đại Lưu gửi tin nhắn. Lúc này tôi mới nhận ra mình vẫn kết bạn với người này. Thấy tin nhắn hiện lên, tôi kiên quyết chặn anh ta. Tôi không muốn liên quan gì đến người như vậy nữa.
Suy cho cùng, thời gian của chúng ta hữu hạn. Vì vậy, thay vì để ảnh hưởng từ những người bạn không xứng đáng, chúng ta có thể chọn cách tránh xa họ để tránh lãng phí thời gian. Nhờ buổi họp lớp, tôi cũng nhận ra được bài học cho bản thân.
Thùy Anh (Theo Sohu)